Dù đã kết thúc mùa trăng rằm, không ít cửa hàng, cơ sở phân phối bánh trung thu vẫn còn hàng tồn kho chưa thể xử lý.
Thông thường, các đại lý, cửa hàng sẽ đại hạ giá để thu hút người mua. Nếu đã giảm giá mạnh nhưng vẫn "ế khách", chủ đại lý sẽ tìm cách hoàn trả hàng cho công ty hoặc mang đi phát miễn phí.
Những chiếc bánh trung thu không bán được, chúng sẽ đi đâu về đâu? Ảnh minh họa: VTC News
Báo Dân trí dẫn lời chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ một cửa hàng phân phối bánh trung thu Kinh Đô tại Việt Trì (Phú Thọ) cho biết, công ty cho phép nhà phân phối hoàn lại số bánh tồn kho. Tuy nhiên, chính sách hoàn tiền và hoa hồng có thể thay đổi theo từng năm.
Sau khi được trao trả về nơi sản xuất, số bánh tồn kho sẽ được vận chuyển đến các nhà máy làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Chị Hạnh chia sẻ rằng chị sẽ căn cứ vào chính sách của công ty mà quyết định có tiếp tục phân phối và bán bánh trung thu vào năm sau hay không.
Một cửa hàng chuyên sản xuất bánh ngọt có tiếng ở quận Đống Đa (Hà Nội), vẫn áp dụng chiến lược bánh trung thu "đại hạ giá". Nhân viên cửa hàng tiết lộ rằng, may mắn rằng số bánh tồn kho năm nay không quá lớn.
Chờ mãi không có người mua bánh trung thu nên nhân viên mang bàn ghế ra trước gian hàng để ăn uống và trò chuyện. Ảnh: VTC News
Hiện nay, cửa hàng có chính sách ưu đãi "mua 1 tặng 1" cho khách hàng mua bánh trung thu. Đồng thời, với mỗi hóa đơn mua bánh sinh nhật, khách hàng cũng sẽ được tặng kèm một chiếc bánh trung thu.
Trong khi đó, chị T, người từng làm việc tại một hãng bánh, cho biết lượng bánh trung thu còn sót lại của công ty chủ yếu sẽ được xử lý nội bộ bằng việc phân phát cho các nhân viên tiêu thụ. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ không có chính sách cho phép các nhà phân phối hoàn trả lượng bánh "ế".
Trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Shopee..., bánh trung thu tiếp tục được rao bán với mức giá siêu rẻ. Các bài viết, bình luận với từ khóa đại hạ giá, xả lớn hay sale 70% tràn lan trên các hội nhóm về bánh trung thu.
Kể cả các loại bánh từ những thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Maison, Long Đình... cũng chỉ có mức giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng/chiếc và được xả bán theo combo, hoặc số lượng lớn. Thậm chí, khi gần hết hạn sử dụng, bánh chỉ có giá tầm 5.000 - 10.000 đồng/chiếc.
Bán tháo, bán rẻ bánh trung thu sau dịp lễ không phải điều quá xa lạ. Tuy nhiên, đối diện với thị trường bánh trung thu khá ảm đạm năm nay, nhiều nhà phân phối, bán buôn cũng bày tỏ sự lo lắng vào tình hình kinh doanh năm sau.
Trong khi đó, trái với tâm lý của người bán, khách hàng lại coi đây là cơ hội tốt để "săn" bánh trung thu với giá hời. Một số người quyết định không mua bánh trong dịp lễ mà đợi đến bây giờ, chỉ mất một khoản tiền nhỏ mà vẫn có thể thưởng thức các loại bánh chất lượng.
"Đáng lý ra đã đi mua bánh Trung thu từ mấy ngày trước nhưng do năm nào cũng thấy đại hạ giá vào cuối ngày nên mới chờ để mua giá rẻ", báo VTC News dẫn lời chị Chị Hoa (khách mua bánh Trung thu) nói.
Mang đến nhà máy thức ăn chăn nuôi cũng là một cách xử lý bánh trung thu bán ế tránh lãng phí.
Ngoài các cách bán rẻ, trả lại hàng cho công ty hoặc đem phát miễn phí, còn 1 cách xử lý bánh Trung thu bán ế là mang đến các nhà máy thức ăn chăn nuôi.
Theo tờ Phụ nữ số, một số chiếc bánh Trung thu có thời hạn sử dụng ngắn, trong quá trình vận chuyển và bảo quản, chúng bị vỡ hay hư hỏng. Những chiếc bánh trung thu này sau đó sẽ được chuyển đến các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, để chế biến thành đủ loại thức ăn cho chăn nuôi… So với các nguyên liệu khác, thức ăn chế biến từ bánh trung thu không chỉ giàu dinh dưỡng hơn mà còn có hương vị tốt hơn, khiến cho vật nuôi thích ăn hơn.
Vân Anh (T/h)