Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mười sự thật bất ngờ về tổ chức mafia khét tiếng Nhật Bản

(DS&PL) -

Yakuza là nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất tại Nhật Bản giống Hội Tam hoàng ở châu Á hay các tổ chức mafia ở phương Tây

Yakuza là nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất tại Nhật Bản giống Hội Tam hoàng ở châu Á hay các tổ chức mafia ở phương Tây. Tuy nhiên các hoạt động và vai trò xã hội của Yakuza rất khác so với các tổ chức khác. Trên thực tế, chúng hoạt động rất công khai vì có trụ sở riêng và có tiếng trong giới báo chí Nhật. Dưới đây là 10 sự thật ít biết về tổ chức tội phạm khét tiếng xứ Phù Tang này.

1. Yakuza và chính trị

Năm 2012, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản, Keishu Tanaka, đã buộc phải từ chức khi sau khi có phát hiện ông có dính líu với Yakuza. Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đã cầm quyền trong 54 năm qua cũng được cho là có liên kết với Yakuza. Thủ tướng đầu tiên của đảng này, ông Nobusuke Kishi cũng từng hoạt động tích cực với Yamaguchi-gumi. Năm 1971, ông cùng với các chính trị gia khác đã bảo lãnh cho một lãnh đạo Yamaguchi-gumi bị buộc tội giết người. Ông cũng tham dự những đám tang, đám hỷ của Yakuza.

Các thành viên Yakuza từng làm vệ sĩ và tham gia vận động trong các cuộc bầu cử. Ngoài ra, các băng nhóm Yakuza có thể đảm bảo một số lượng phiếu bầu nhất định cho ứng cử viên mà họ tín nhiệm. Chủ một băng nhóm Yakuza ở Kyoto tự hào vì đã nắm trong tay 30.000 phiếu bầu cho một thống đốc. Ít nhất 4 Thủ tướng khác cũng có liên quan đến Yakuza, đáng chú ý nhất là ông Noboru Takeshita, người lên nắm quyền năm 1987. Đối mặt với những đối thủ có quyền cao hơn và được ưu tiên trong bầu cử, ông này đã nhờ đến nhóm Yakuza lớn nhất Tokyo, Inagawa-kai. Nhóm này đã giải quyết được rắc rối cho Takeshita, điều này cũng làm giới lãnh đạo Nhật Bản cảm thấy thoải mái khi hợp tác với tội phạm có tổ chức.

2. Nghi lễ gia nhập

Yakuza có một cơ cấu lãnh đạo phức tạp từ thấp đến cao. Thành viên mới bắt buộc phải tham gia một buổi lễ mà ở đó, người này sẽ phải chích máu từ ngón tay trỏ và nhỏ máu lên bức hình của một vị thánh. Bức hình sau đó sẽ được đốt cháy trên bàn tay của người xin nhập hội trong khi anh ta thề trung thành với tổ chức.

Trong lễ kết nạp của Yakuza, máu tượng trưng bởi sake (rượu vang đỏ). Thủ lĩnh và người xin gia nhập ngồi đối diện với nhau trong khi rượu của họ được chuẩn bị. Sake được trộn với muối và vảy cá, sau đó được rót cẩn thận vào các chén. Chén của thủ lĩnh được rót đầy tới miệng, chứng tỏ đẳng cấp của người đó; thành viên mới được rót ít hơn. Họ uống một chút, rồi đổi chén cho nhau và người này lại uống cạn chén rượu của người kia. Khi đó, người xin gia nhập đã chứng tỏ được sự tận tụy của mình đối với ông chủ.

3. Các kì thi

Trong năm 2009, sau khi chính phủ ban hành những điều luật cứng rắn hơn chống lại tội phạm có tổ chức, Yamaguchi-gumi đã cho các thành viên làm một bài kiểm tra về hiểu biết luật dài 12 trang từ vấn đề đổ rác thải công nghiệp đến trộm cắp xe cộ nhằm đảm bảo các thành viên không vướng vào luật pháp khi hoạt động.

Dường như hình ảnh những tên xã hội đen xăm trổ ngồi trong phòng thi sau một ngày học nhồi nhét thật hài hước so với xã hội đen ở phương Tây thì việc đưa ra bài kiểm tra này cho thấy cả câu chuyện về nền kinh tế Nhật Bản vì ngay cả xã hội đen gặp khó khăn, chúng cũng tìm cách để giảm thiểu thiệt hại thì tất cả những người khác đều có thể làm điều tương tự.

4. Kiện Yakuza (Và Yakuza kiện lại)

Đầu năm nay, một chủ nhà hàng Nhật Bản đã bắt đầu quá trình kiện Kenichi Shinoda, ông trùm nguy hiểm của Yamaguchi-gumi. Cô kiện Shinoda cầm đầu một nhóm côn đồ đòi tiền bảo kê và đe dọa đốt cháy bar của cô nếu cô không trả tiền. Cô kiện đòi bồi thường 17 triệu Yên, khoảng 2,8 triệu đô la. Cô này không phải là người đầu tiên kiện Yakuza. Trong năm 2008, một nhóm dân địa phương đã kiện đòi trục xuất nhóm côn đồ Dojinkai khỏi thành phố Kurume. Dân địa phương tin rằng họ xứng đáng được hưởng một cuộc sống yên bình và muốn các băng nhóm không xuất hiện ở thành phố này nữa. Tuy nhiên nhóm đâm đơn này đã tách thành hai nhóm nhỏ và xung đột bạo lực khi tiến hành bầu lãnh đạo.

Đầu năm nay, Kudo-kai, một nhánh của Yakuza ở Nam Nhật Bản bị liệt vào nhóm “nguy hiểm” vì dính líu đến hàng loạt các cuộc tấn công bằng đạn vào một băng khác vốn là tình địch với Kudo-kai. Luật sư của nhóm này cho là không công bằng bởi chỉ họ là một trong năm băng nhóm bị liệt vào danh sách và điều này được cho là vi phạm Hiến pháp Nhật Bản.

5. Hình xăm

Một trong số hình ảnh biểu tượng của Yakuza là nghệ thuật phun xăm kín cơ thể với phương pháp truyền thống là phun mực dưới da, được biết đến là irezumi và được xem là dấu hiệu của sự dũng cảm bởi nó gây đau đớn cho người xăm. Gần đây, số lượng người không phải là Yakuza cũng xăm trên mình những hình ảnh phổ biến như rồng, núi hay phụ nữ tăng đáng kể. Mặc dù phổ biến nhưng chúng vẫn bị kì thị ở Nhật. Thị trưởng thành phố Osaka đã ban hành lệnh cấm các viên chức xăm mình, hoặc là xóa hình xăm, hoặc là họ sẽ được mời làm cho các công ty tư nhân.

6. Yubitsume (Cắt ngón)

Một điều đặc biệt của các thành viên Yakuza có thể nhận dạng dễ dàng đó là phần lớn đều có ngón tay út ngắn hơn bình thường hoặc mất hẳn. Nếu một thành viên Yakuza làm ông chủ không hài lòng, hình phạt mà người đó phải nhận là bị chặt đứt đốt cuối của ngón tay út; nếu tái phạm lần hai thì bị chặt đứt đốt thứ hai của ngón tay đó. Thêm một lần mang trọng tội nữa thì hình phạt sẽ được áp dụng tương tự với ngón tay áp út.

Một thành viên tự giác biết mình có tội sẽ phải tự chặt đứt đốt tay khi được đưa cho một con dao và một sợi dây để băng bó vết thương. Chính vì thế, phần lớn thành viên Yakuza mang những bàn tay không nguyên vẹn. Để tránh bị người ngoài phát hiện, nhiều thành viên của Yakuza đã tìm cách làm ngón tay giả. Chính nhu cầu này đã sinh ra một nghề khá kỳ lạ ở Nhật Bản, đó là nghề làm ngón tay giả cho các thành viên của Yakuza. Giáo sư Alan Roberts, một chuyên gia về da đến từ Anh, với nghề làm chân tay giả đã được các cựu thành viên Yakuza đặt biệt danh là “Ông ngón tay”.

7. Tạp chí Yakuza

Đầu năm nay, Yamaguchi-gumi cho xuất bản một tạp chí lấy tên Yamaguchi-gumi Shinpo gồm các bài thơ Hai-kư và các bài viết về câu cá, một ấn phẩm mà thông qua nó, ông chủ của băng này nói về những khó khăn của tổ chức. Do số lượng thành viên của Yakuza đã giảm, tạp chí này được coi là một cách khích lệ tinh thần cho tổ chức. Một chuyên gia về Yakuza nhận định mặc dù tạp chí chỉ được phân phát nội bộ, cho tất cả các thành viên nhưng chắc chắn các tin tức sẽ rò rỉ và cho rằng đây được coi là một tạp chí tinh vi trong việc che mắt cộng đồng những hình ảnh về một Yamaguchi-gumi bạo lực.

8. Những nỗ lực của Yakuza

Khi Nhật Bản phải gánh chịu những hậu quả của sóng thần năm 2011, Yakuza là một trong số những tổ chức đầu tiên viện trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng. Đây không phải là tiền lệ khi vào năm 1995, một trận động đất xảy ra Kobe, thành phố lớn thứ năm của Nhật Bản, Yakuza đã sử dụng xe máy, thuyền và trực thăng vận chuyển hàng cứu trợ đến từng đường phố. Một số người cho rằng sự giúp đỡ của Yakuza những lúc như thế thực sự cần thiết bởi họ vốn là những kẻ bị ruồng bỏ và cảm thông với những người đang đấu tranh để có được sự giúp đỡ từ giới chức trách. Số khác hoài nghi hơn thì coi những chiêu trò này là để lấy lòng công chúng. Do đó cảnh sát vấp phải những khó khăn trong quá trình nhận hỗ trợ từ phía cộng đồng nhằm đàn áp Yakuza núp dưới bóng một tổ chức từ thiện.

Ngoài mục tiêu thiện nguyện, Yakuza còn mưu lợi kinh tế khi vài tháng sau trận động đất năm 2011, Yakuza đấu tranh với chính phủ để có được những hợp đồng xây dựng sau thảm họa khiến những nỗ lực loại bỏ Yakuza càng trở nên khó hơn, đặc biệt khi Yakuza thường điều hành các công ty với vỏ bọc bên ngoài là các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp. Một khi hợp đồng vào tay Yakuza, chúng sẽ tìm cách bỏ tù các quan chức cao cấp của công ty đồng thời làm ngơ những quỹ mà chúng tài trợ cũng như không trả lương cho công nhân các công ty chúng điều hành hoạt động.

9. Trừng trị thẳng tay Yakuza

Yamaguchi-gumi là nhánh lớn nhất của Yakuza tại Nhật Bản. Gần đây, nhóm này nằm trong mục tiêu trừng phạt tội phạm có tổ chức của chính phủ Hoa Kỳ. Công dân Mỹ không còn được phép giao dịch với các ông trùm của nhóm này gồm: Kenichi Shinoda - người đứng thứ bảy trong danh sách những ông trùm tội phạm hàng đầu thế giới và chỉ huy Kiyoshi Takayama. Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng băng toàn bộ tài sản tại Mỹ của những tên này. Theo luật của Nhật Bản, những động thái này nhằm phá vỡ mối quan hệ giữa Yakuza và các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp.

Những nỗ lực trước đó của Nhật nhằm loại bỏ Yakuza bao gồm quy định những khoản tiền phạt cho các doanh nghiệp sẵn sàng liên kết với các băng nhóm xã hội đen. Shinoda cho rằng "nếu Yamaguchi-gumi bị giải tán, trật tự công cộng ngay lập tức sẽ xấu đi" cũng như nếu tẩu thoát khỏi các băng nhóm sẽ để lại cho xã hội hàng nghìn tên tội phạm nguy hiểm, trộm cắp và cướp giật.

10. Sokaiya

Sokaiya là tên một hình thức mua chuộc quy mô lớn được thực hiện bởi Yakuza. Ban đầu, chúng mua cổ phần để có một ghế cổ đông tham dự các cuộc họp trong công ty, sau đó sẽ “bới lông tìm vết” các lãnh đạo công ty và “hoặc là đưa tiền cho chúng tôi, hoặc là chúng tôi sẽ đến cuộc họp cổ đông để vạch mặt ông”. Người Nhật sợ bị ô uế thanh danh hơn cả mạng sống của mình, vì vậy cách tống tiền này được xem là cách hiệu quả để chúng hoạt động.

Điều đặc biệt là những vụ lừa đảo này được thực hiện công khai dưới hình thức tổ chức một sự kiện thu hút công chúng như giải golf hay cuộc thi sắc đẹp và bán vé đắt cắt cổ cho những nạn nhân mà chúng tống tiền. Dĩ nhiên luôn bắt buộc có sự tham gia của các nạn nhân mà chúng tống tiền. Một số công ty lớn của Nhật Bản cũng nằm trong tầm ngắm của nhóm này. Mới đây, một kẻ tống tiền đã lãnh 8 tháng tù sau khi nhằm vào các giám đốc điều hành của Mitsubishi với các khoản thanh toán thuê nhà nghỉ bất hợp pháp.

Năm 1982, khi mà Sokaiya đã hoạt động với quy mô tầm cỡ và ảnh hưởng đến kinh tế Nhật Bản, chính phủ nước này đã ban hành luật nhằm đưa Sokaiya trở thành hình thức kinh doanh bất hợp pháp và nếu các công ty trả tiền chuộc cho những kẻ tống tiền này sẽ được coi là phạm pháp. Không may là luật này không những không hiệu quả mà còn khiến hoạt động ngầm của Yakuza tinh vi và phức tạp hơn. Cảnh sát có xu hướng để rò rỉ thông tin mật, do vậy bằng cách nào đó, những báo cáo về Sokaiya ít nhiều cũng truyền ra ngoài. Các nhà quản lý thì sợ Yakuza trả thù hoặc có thể bị truy tố dù đã trả hết số tiền Sokaiya trước đó. Cách tốt nhất là sắp xếp các cuộc họp cổ đông cùng một ngày và như vậy các băng nhóm này không thể xuất hiện ở nhiều nơi cùng lúc. Có tới 90% các công ty trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo cùng tổ chức các cuộc họp thường niên vào cùng một ngày.

(Theo:listverse.com)

Tin nổi bật