Theo nguồn Sohu, anh Trương Nam, sống ở thành phố Liên Vân Cảng (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) cho biết, vào ngày 7/10, anh chuyển 2.799 nhân dân tệ (tương đương 9,5 triệu đồng) cho cửa hàng online có tên "Shop đặc sản dành cho bà mẹ và trẻ sơ sinh Dong Hui" trên một trang mua sắm trực tuyến nổi tiếng. Đây là số tiền đặt cọc để mua chiếc ô tô điện Ninebot số 9 có giá 10 nghìn nhân dân tệ (khoảng 34 triệu đồng).
"Tôi không mua ở cửa hàng chính thức của hãng, người bán là bên thứ ba, vì tôi thấy giá ở đây rẻ hơn ở cửa hàng chính thức khoảng 300 - 400 nhân dân tệ", Trương Nam nói.
Khi nền tảng mua sắm trực tuyến gửi thông báo vận chuyển, Trương Nam cũng ngay lập tức nhận được tin nhắn chuyển phát nhanh. Anh không khỏi thắc mắc: "Xe điện là mặt hàng kích thước lớn, tại sao lại gửi bằng chuyển phát nhanh?". Anh hỏi người bán nhưng không nhận được phản hồi.
Sau này, khi biết sản phẩm đã được cho vào tủ chuyển phát nhanh, anh Trương quyết định ghi hình toàn bộ quá trình lấy hàng. Hóa ra người bán chỉ gửi một túi gói hàng, bên trong là một con ngỗng nhồi bông cao khoảng 90cm.
Anh Trương đặt mua ô tô điện qua mạng và nhận được thứ này. Ảnh: Sohu
Biết mình bị lừa, ngay lập tức, anh đăng nhập nền tảng mua sắm trực tuyến thì phát hiện người bán đã gỡ bỏ toàn bộ sản phẩm.
Anh liên hệ với bộ phận dịch vụ khách hàng để yêu cầu hoàn tiền. Sau khi làm theo hướng dẫn và nhấn vào "Xác nhận biên nhận", yêu cầu của Trương liên tục bị trì hoãn thực hiện.
"Tôi không nhận được hàng (ô tô điện) và tiền cũng bị lấy mất. Đừng nói đến việc hoàn lại một chiếc, tôi sẽ đòi bồi thường ba chiếc, nhưng 2.799 nhân dân tệ của tôi phải được trả lại cho tôi", Trương tức giận nói.
Sau khi vị khách hàng đen đủi này gọi đến đường dây nóng của chính quyền địa phương và yêu cầu giới truyền thông giúp đỡ, bộ phận dịch vụ khách hàng của nền tảng mua sắm trực tuyến phản hồi rằng người mua đã được liên hệ vào ngày 12/10, và sự việc đã được chuyển lên cấp cao hơn để xử lý. Họ chỉ có động thái tiếp theo sau khi có kết quả khiếu nại qua đường dây nóng kể trên.
Phía nền tảng mua sắm trực tuyến nhấn mạnh rằng họ sẽ tích cực giải quyết khiếu nại của Trương Nam: "Chúng tôi hiểu được sự lo lắng của khách hàng và sẽ phản hồi, nhân viên của chúng tôi sẽ liên hệ lại với khách hàng".
Với thắc mắc của Trương Nam rằng liệu có phải một khi đã nhấn vào "Xác nhận biên nhận" thì khách không được hoàn tiền, bộ phận dịch vụ khách hàng giải thích: Nếu trạng thái đơn hàng được hiển thị là "Đang chờ xác nhận đã nhận hàng", khoản tiền thanh toán của người mua vẫn còn trên nền tảng. Khi trạng thái đơn hàng hiển thị "Hoàn thành", điều đó có nghĩa là việc thanh toán đã được thực hiện.
Cách đây 3 ngày, anh Trương nhận được lời hứa từ nền tảng mua sắm trực tuyến là sẽ ứng trước cho anh khoản tiền hoàn lại và bồi thường 100 nhân dân tệ (tương đương 340 nghìn đồng).
Trước đó, theo New York Post, một nữ TikToker đã lên tiếng chia sẻ rằng chính cô đã bị lừa 1.000 USD (tương đương hơn 23 triệu VNĐ) khi mua chó qua mạng. Cô nàng bỏ số tiền lớn và mong đợi đón nhận một con chó Bull Pháp thuần chủng. Nhưng thực tế, chú cún khác xa những gì người bán đã nói.
Crystal đã mua một chú chó con mới sau khi chó cưng của cô qua đời. Nhưng mọi thứ không như cô tưởng tượng. Ảnh: New York Post
Con vật mà Crystal nhận được tuy vậy cô vẫn yêu thương chú chó nhỏ này. Ảnh: New York Post
Trong video cô nàng đăng tải trên mạng xã hội, Crystal đưa ra một ảnh chụp màn hình chú chó mà cô tin rằng mình đang mua - một chú chó Bull Pháp (French Bulldog) màu nâu nhạt. Người bán hàng rao bán con vật với giá 1.000 USD.
Thế nhưng đến khi nhận hàng, Crystal không khỏi bị sốc được một chú chó con lai giữa chó Bull Pháp và chó pug. Nó có bộ lông màu đen khác hẳn với con vật trong hình mà người lạ rao bán.
Nguyễn Linh (T/h)