Theo The Kyiv Independent, ngày 16/4, Thiếu tướng Peter Boysen – Tổng tư lệnh quân đội Đan Mạch chia sẻ với đài truyền hình TV2 rằng, Lực lượng vũ trang Đan Mạch có kế hoạch gửi quân đội không vũ trang đến Ukraine để tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm nghiên cứu chiến thuật tác chiến bằng thiết bị không người lái của nước này.
“Chúng tôi đang cử một số nhóm đến để xem Ukraine có những kinh nghiệm gì. Họ sẽ không tham gia vào cuộc xung đột”, Thiếu tướng Boysen chia sẻ. Từng đến thăm Ukraine 2 lần trong những tháng gần đây, Thiếu tướng Boysen cho hay sáng kiến trên được đưa ra theo lời mời của Tướng Oleksandr Syrskyi - Tổng tư lệnh quân đội Ukraine.
“Trong 42 năm phục vụ trong quân đội, tôi chưa từng chứng kiến mọi thứ diễn ra nhanh như hiện tại”, Thiếu tướng Boysen nói thêm, ám chỉ đến những tiến bộ trong hệ thống không người lái và chiến thuật chiến đấu được thúc đẩy bởi kinh nghiệm của Ukraine trong tác chiến bằng thiết bị không người lái.
Một binh sĩ thuộc Lực lượng Vũ trang Đan Mạch. Ảnh: Getty Images
Các khóa học, dự kiến bắt đầu sớm nhất vào mùa hè năm 2025, sẽ diễn ra tại các trung tâm đào tạo nằm ở phía Tây Ukraine và không liên quan đến chiến đấu trực tiếp.
Cụ thể, chương trình đào tạo sẽ bao gồm các nhóm thuộc các trung đoàn quân sự khác nhau của Đan Mạch. Các khóa học dự kiến kéo dài 1 - 2 tuần và được tiến hành ở xa tiền tuyến, có thể là gần Lviv.
Thiếu tướng Boysen nhấn mạnh rằng, Ukraine có hệ thống cảnh báo không kích và nơi trú ẩn mạnh mẽ. Đồng thời, Tổng tư lệnh quân đội Đan Mạch cho hay ông đã dành thời gian tại một trong số các nơi trú ẩn đó ở Kiev.
Động thái nói trên đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Đại sứ quán Nga tại Copenhagen. Đại sứ Nga Vladimir Barbin gọi quyết định này là một “hành động khiêu khích”, đồng thời cảnh báo rằng việc này sẽ "kéo Đan Mạch ngày càng lún sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine".
“Các cơ sở, bao gồm trụ sở, trung tâm đào tạo và giáo dục, cũng như địa điểm tập kết binh sĩ và thiết bị quân sự, cả sâu bên trong lãnh thổ Ukraine và ở biên giới, đều là mục tiêu hợp pháp của Lực lượng vũ trang Nga", ông Barbin nói.
Được biết, Đan Mạch là một trong các quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Ukraine kể từ khi xung đột bùng nổ vào đầu năm 2022. Vào tháng 2/2024, Copenhagen đã ký một thỏa thuận an ninh song phương có thời hạn 10 năm với Kiev, cam kết hợp tác quốc phòng lâu dài cho đến khi Ukraine đảm bảo tư cách thành viên NATO.
Mặc dù một số quốc gia NATO đã huấn luyện lực lượng Ukraine ở nước ngoài nhưng đến nay, không có báo cáo chính thức nào xác nhận sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Ukraine cho mục đích huấn luyện.
Ở diễn biến khác, các đồng minh châu Âu đang thảo luận về kế hoạch triển khai "lực lượng trấn an" tại Ukraine sau lệnh ngừng bắn tiềm năng nhằm bảo vệ các cơ sở chiến lược của Ukraine ở hậu phương. Copenhagen đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vào nỗ lực này.