Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mối nhân duyên 30 năm gặp lại từ khi là đứa trẻ vừa lọt lòng

(DS&PL) -

Câu chuyện hi hữu đầy xúc động về cuộc gặp gỡ 30 năm từ khi là đứa trẻ lọt lòng đến người phụ nữ lần đầu trải nghiệm “nỗi đau ngọt ngào” nơi phòng sản.

Câu chuyện hi hữu đầy xúc động về cuộc gặp gỡ 30 năm từ khi là đứa trẻ lọt lòng đến người phụ nữ lần đầu trải nghiệm “nỗi đau ngọt ngào” nơi phòng sản.

Có một cuộc gặp gỡ lạ kỳ, 30 năm cùng một giọng nói trầm ấm như reo của người đàn ông khi xưa tóc còn xanh nay đã đổi màu. Còn cô bé vừa lọt lòng năm nào giờ đang hạnh phúc ngập tràn vì lần đầu tiên được làm mẹ...

Mối nhân duyên 30 năm gặp lại...

Thanh Nga (30 tuổi), làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội, hiện đang có một bé trai 15 tháng tuổi, kể lại câu chuyện rất đặc biệt của mình. Đó là mối nhân duyên không ngờ tới, khi người đầu tiên chào đón chị, và giờ tới lượt con trai chị, đến với thế giới này là cùng một vị bác sĩ sản khoa.

30 năm trước, cô Trần Thị Duyên, mẹ của chị Nga, cũng từng xách làn đi đẻ cùng với nỗi lo như bất cứ người phụ nữ nào khác. Cô dường như không quên ngày đó, chồng đi công tác xa, bà mẹ trẻ phải chuẩn bị tâm thế cho cuộc “vượt cạn” vắng chồng. Câu nói quen “người chửa, cửa mả” cứ văng vẳng trong đầu.

Thế nhưng cô đã vượt qua mọi đau đớn, lo lắng nhờ vị bác sĩ đầy kinh nghiệm lại hết mực ân cần. Từ việc hướng dẫn cách rặn đẻ, từng lời động viên “cố gắng lên, chút nữa, chút nữa nào...” của ông đều khiến cô quên mất cảm giác tiêu cực. Sự ân cần, ấm áp đó đủ sức làm cho cô Duyên, dù chưa biết đến phương pháp đẻ không đau, nhưng cũng có cảm giác dễ chịu hơn bội phần.

Lúc giọng nói ấm áp vang lên “Chúc mừng mẹ, con khỏe mạnh, đầy đủ tay chân nhé” và đứa trẻ khóc rõ to trên tay bác sĩ, cô Duyên thấy như có một “luồng điện hạnh phúc” chạy qua trong người...

30 năm sau, cô Duyên lại vui mừng khi biết mình sắp được lên chức bà ngoại, bởi con gái thông báo có bầu. Trong cuộc trò chuyện với mẹ lúc gần đến ngày dự sinh, chị Nga kể mình chọn bác sĩ Quyền, nguyên Trưởng khoa Sản Dịch vụ – Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, được chị em vote nhiệt tình để chọn mặt gửi vàng khi “vượt cạn”. Cô Duyên chợt cảm thấy ngờ ngợ, hỏi kĩ hơn và reo lên khi gặp lại cái tên Bùi Xuân Quyền: “Ôi Nga ơi, thế thì yên tâm quá rồi. Bác sĩ Quyền khi xưa cũng là người đón con chào đời đó”.

Niềm vui sướng và hạnh phúc của cô Duyên và chị Nga khi gặp lại “cố nhân”

Và một lần nữa dưới những cơn đau quặn lên như muốn xé toạc thân thể, những lo lắng y xì như cũ, những trở ngại tràng hoa quấn cổ, nặng ký, ngôi cao…, bác sĩ Quyền đã tiếp thêm sức lực để chị Nga được gặp con mình. Mẹ “tròn” và con cũng “vuông”.

Hình ảnh đứa trẻ đỏ hỏn khóc vang khiến chị Nga như nhìn thấy chính mình 30 năm trước. Thật kỳ diệu, chị cũng đang trải nghiệm niềm vui của mẹ khi xưa. Nó lớn hơn tất cả niềm hạnh phúc nào chị đã từng được “nếm” trong đời. Chị chỉ biết nghẹn ngào nói lời cảm ơn trong tâm khảm: “Cảm ơn bác sĩ vì đã mang đến cho con sự sống lần nữa”.

“Yên tâm đi, có bác ở đây rồi”

Đã nhiều năm qua, bác sĩ Bùi Xuân Quyền là người mang lại niềm hạnh phúc cho bao gia đình với câu thông báo đơn giản mà chan chứa yêu thương: đứa trẻ lọt lòng khỏe mạnh. Đó cũng là niềm hạnh phúc giản dị mà vĩ đại của một người bác sĩ được đón những sinh linh nhỏ bé lần đầu tiên cất tiếng khóc chào đời. Nó vẹn nguyên với bác như khoảnh khắc trong suốt 40 năm qua, được ngắm những nụ cười và cả giọt nước mắt hạnh phúc rất đỗi đàn bà.

Bác sĩ Quyền cho biết việc đón tay 2 thế hệ như trường hợp của mẹ con cô Duyên, chị Nga không phải là duy nhất. Bởi tuổi đời, tuổi nghề cao nên cũng có một số cặp mẹ con cùng được bác sĩ Quyền đỡ đẻ hoặc mổ đẻ. Vì thế, những đứa trẻ khi xưa giờ lại “đổi vai”, vẫn tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng của người phụ nữ. Và bác sĩ Quyền vẫn luôn là người tiếp sức tuyệt vời. Hơn 40 năm lăn lộn với nghề, từng dành nhiều thời gian tu nghiệp tại Pháp, ông đã đồng hành và sát cánh cùng những người phụ nữ vượt qua cơn đau đớn, qua cửa ải lớn nhất của đời đàn bà... một cách dễ dàng và an toàn nhất.

Chuyên môn, tay nghề cao là điều ai cũng biết ở bác Bùi Xuân Quyền. Cùng với thời gian, mái tóc khi xưa còn xanh nay đã điểm bạc, nhưng sự tận tâm và ân cần như thể chính mình là người nhà của bệnh nhân vẫn luôn ở đó. Chính vị bác sĩ cũng tin vào đôi bàn tay và những quyết đoán chính xác của mình. 

Chị Nga và mẹ xúc động ôn lại kỷ niệm đi sinh với bác sĩ Bùi Xuân Quyền

Chị Nga nhớ lại thời khắc khi lên bàn mổ, trong lúc ekip chuẩn bị, bác sĩ chưa tới, chị lại xuất hiện những suy nghĩ mông lung, lo lắng đến mức người rung lên, tim đập nhanh. Nhưng đến khi có tiếng nói ấm áp vang lên: “Không phải sợ đâu, yên tâm đi, có bác ở đây rồi” thì mọi cảm xúc tiêu cực được xóa tan. Chị Nga nghĩ người đã giúp mình chào đời nay nhất định sẽ giúp mẹ con chị an toàn. Thế rồi cảm xúc hạnh phúc vỡ òa cũng đến rất nhanh khi bác sĩ bế đứa trẻ lên cao và nói: “Con trai khỏe mạnh nhé, chúc mừng mẹ”.

Nga tâm sự: “Lúc giọng nói bác cất lên dường như có một sự gắn kết vô hình, mình từng là người được đón tay bởi bác sĩ, giờ lại đến con mình. Thật sự là trào nước mắt vì con được sinh ra khỏe mạnh. Có cảm giác mình đang được sống lần nữa. Xưa bác đã trao cho một cơ hội sống, giờ bác lại tạo nên điều kỳ diệu cho con mình. Giây phút đó quá đỗi thiêng liêng”.

Vị bác sĩ hơn 40 năm “chung sống” với những giọt nước mắt hạnh phúc của đàn bà

Đến giờ 2 mẹ con nhà cô Duyên, chị Nga vẫn cảm thấy biết ơn sâu sắc về người đã 2 lần tiếp sức và nối truyền cho tình mẹ con, bà cháu trong gia đình. 30 năm vẫn giữ một tấm lòng, một lương tâm y đức tận tụy như thế. Dù chính bác sĩ Quyền cũng không quá để ý đến điều này vì cho rằng việc mình làm là quá đỗi bình thường của nghề bác sĩ. Nhưng với hai mẹ con, bác sĩ chẳng khác nào ân nhân, người thân ruột thịt trong nhà.

Là người đã làm nên cuộc gặp gỡ định mệnh 30 năm của 2 mẹ con cô Duyên và chị Nga, hơn 40 năm mang đến niềm hạnh phúc cho bao nhiêu người và đồng hành cùng phụ nữ lúc khó khăn nhất, bác sĩ Bùi Xuân Quyền cũng không giấu được niềm hạnh phúc: “Mỗi con người sinh ra là một sinh linh bé nhỏ, là một khuôn mặt khác, một tính cách khác. Hàng tỷ người trên trái đất này không ai giống ai. Tôi thấy hạnh phúc vì mình đã góp phần tạo nên sự sống ấy”

30 năm một mối nhân duyên giữa bác sĩ Quyền và hai mẹ con chị Nga

Ông cũng cho rằng người bác sĩ phải có y đức, hết lòng với nghề, nhưng hết lòng với nghề mà không có kiến thức đầy đủ thì cũng không được. Bác sĩ phải lấy việc tinh thông nghề nghiệp là mấu chốt, để giảm tỷ lệ những tai biến lớn, thậm chí tỷ lệ tử vong cho thai phụ. “Khi có được sự tinh thông nghề nghiệp rồi thì phải làm việc bằng lương tâm, sự tận tụy và yêu nghề. Bác sĩ làm việc nhất định đừng mặc cả”, bác sĩ Quyền nói.

“Những trường hợp tôi đã từng chăm sóc cho mẹ, rồi lại đến chăm sóc cho con trên bàn đẻ tuy không phải là nhiều, nhưng vẫn xảy ra. Hơn 40 năm làm nghề, tạm gọi là “đỡ đẻ” 2 thế hệ, trong cuộc đời tôi hầu hết là vui. Buồn không có mấy. 100 ca chuẩn bị sinh là 100 ca lo lắng, tôi hiểu điều đó và luôn đồng hành cùng các bà mẹ để có 1 cuộc “vượt cạn” dễ chịu và an toàn nhất. Hạnh phúc của 1 bác sĩ khoa sản có lẽ cũng đơn giản thế. Mỗi lần đón bé chào đời đều mang đến cho tôi những cảm xúc hơi lạ, nó như là sự chia vui cùng mọi người vậy. 

Làm việc mổ xẻ này không ai nói giỏi được, nhưng tôi luôn tâm niệm phải làm hết khả năng để mẹ và bé an toàn, đảm bảo mẹ tròn con vuông. Từ những ca 7-8 tiếng với những tai biến có thể phát sinh cho đến những ca sinh đẻ thuận lợi thì với tôi lúc nào cũng có 1 tâm niệm in sâu trong đầu. Ấy là phụ nữ đích thực phải có tử cung và có tháng kinh nguyệt. Sau khi sinh con về  phụ nữ phải giữ được tử cung khỏe mạnh, chứ để đến mức cắt mất tử cung cứu mẹ thì không nên”, bác sĩ Quyền tâm sự rất thật.

Kết

Và vào 1 ngày mùa thu tuyệt đẹp như hôm nay, 2 mẹ con nhà cô Duyên, chị Nga lại tới thăm bác sĩ Quyền bởi đó là cái tình, là ân nghĩa họ luôn khắc ghi. Dù lịch làm việc của bác sĩ rất bận nhưng vẫn có 1 cuộc gặp gỡ ngắn ngủi xảy ra khiến bao nhiêu người chứng kiến xúc động. Ở đó lời cảm ơn được nhắc tới, những thăm hỏi ân tình cũng được gợi lại.

Dù 2 “đứa trẻ’ trong 1 gia đình được bác sĩ Quyền đón tay đã là người 2 thế hệ, nhưng cái nắm tay hôm nay vẫn rất chặt, vẫn rất ấm áp và nồng nàn. Một cuộc gặp gỡ giữa trời thu Hà Nội có nụ cười và giọt nước mắt xúc động về mối nhân duyên dài tận 30 năm, đủ sức biến mối quan hệ tưởng bình thường của vị bác sĩ già với bệnh nhân cũ thành kết nối đậm sâu như máu mủ ruột rà.

Cuộc đời này quả luôn có những mối nhân duyên không ngờ tới. Cùng một người ân nhân gặp gỡ với chị Nga khi vừa là con, vừa vào vai mẹ, với cô Duyên khi vừa làm mẹ, vừa làm bà. Hẳn nhiên, đều là mối tương ngộ hạnh phúc.

Và đằng sau đó là những tấm lòng, những câu chuyện thầm lặng vừa giản dị, vừa xúc động của người mặc áo blouse trắng tinh thông nghề nghiệp nhưng luôn lấy chữ tâm làm đầu như bác sĩ Quyền - người đồng hành với những “cơn đau hạnh phúc” của biết bao phụ nữ.

“Chuyện chúng mình đi đẻ” - Nơi mẹ sẻ chia những khoảnh khắc đáng nhớ, kỷ niệm vượt cạn khó quên.

Mỗi người mẹ đều có câu chuyện "vượt cạn"của riêng mình. Đó có thể là niềm vui khi thấy que thử 2 vạch, nỗi vất vả 9 tháng 10 ngày hay sự hạnh phúc khi lần đầu gặp con... Tất cả đều là những kỷ niệm đẹp đẽ và thiêng liêng nhất.

Hãy gửi câu chuyện đáng nhớ của mẹ khi thăm khám/ sinh con tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc kèm theo một bức ảnh kỷ niệm qua hòm thư fbsan@hongngochospital.vn để nhận được những phần quà giá trị với tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.

Thời hạn nộp bài dự thi: 10/10/2020 - 30/10/2020

Thời gian kêu gọi bình chọn trên fanpage Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc: 01/11 - 10/11/2020

Thu Hà

Tin nổi bật