Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mở tủ ra thấy vợ có áo mới, chồng điên tiết cầm kéo vừa cắt vừa chửi: "Đồ ăn bám, hoang phí"

(DS&PL) -

Một người vợ đã lên mạng tâm sự về câu chuyện vỡ mộng sau hôn nhân của mình khiến nhiều người vô cùng đồng cảm.

Một người vợ đã lên mạng tâm sự về câu chuyện vỡ mộng sau hôn nhân của mình khiến nhiều người vô cùng đồng cảm.

Các cụ thường nói "không ai mang dùi đục đi hỏi vợ" để nói đến chuyện thay đổi chóng mặt của các ông chồng trước và sau khi cưới. Trước khi lấy vợ, họ đóng vai nhã nhặn lịch sự bao nhiêu thì sau khi đã lấy được vợ về nhà, họ mới bộ lộ bản chất thực của mình và gây sốc bấy nhiêu.

Nỗi khổ của cô vợ lấy phải anh chồng ki bo. Ảnh minh họa

Vừa qua, một cô vợ trẻ đã lên mạng chia sẻ câu chuyện hôn nhân của mình khiến không ít chị em giật mình, nhận thấy chính họ trong đó: 

Mở đầu cô vợ viết: 'Hôn nhân đúng là 'mồ chôn' tình yêu các chị ạ. Yêu và cưới quả là khác nhau một trời một vực".

Sau đó, cô bắt đầu bày tỏ: "Nói chung trước và sau khi kết hôn chồng em thay đổi chóng mặt. Trước ga lăng bao nhiêu thì giờ gia trưởng cục cằn bấy nhiêu. Nhất là khoản kinh tế, chồng em ki bo kinh khủng. Ngay hôm cưới lão đã làm em vỡ mộng. Khi khách khứa về hết, hai đứa ngồi kiểm phong bì mừng, lão nhớ ra lúc chiều có mấy người bạn trao tay phong bì cho lão.

Vì mải chúc tụng, sợ cầm lại rơi nên lão nhờ mẹ em cầm đỡ. Thế là lão vùng dậy đòi đi sang nhà em lấy luôn. Em gàn bảo hôm sau sang cũng được mà lão lắc đầu: 'Không được, tiền nong giao người khác cầm lâu anh không yên tâm'.

Nghe chồng nói mà em choáng. Miệng nói dứt câu, lão lên xe phóng sang nhà em lấy lại phong bì luôn (nhà chồng với nhà đẻ em cách nhau 5km, đi tầm 15 phút). Nói thật, lúc ấy em bắt đầu vỡ mộng về chồng.

Những ngày sau lão càng làm em nản. Kinh tế vợ chồng lão đòi quản, lương lậu của em lão cũng giữ. Bấm đúng ngày vợ nhận lương là hỏi tiền. Nghĩ thôi thì là vợ chồng, tiền ai giữ cũng thế nên em mặc kệ. Miễn lão không bồ bịch trai gái hay cờ bạc gì là được.

Khổ nhất là thời gian em mang bầu, vì bị bong rau dọa sẩy độ 3 nên em phải nghỉ làm ở nhà, nằm gác chân lo giữ thai từ tháng thứ 7 tới lúc sinh. Ban đầu thì lão cũng vui vẻ nói rằng, con mới quan trọng, việc làm cả đời. Kinh tế đã có lão lo.

Thế nhưng em ở nhà được có hơn tháng lão đã phụng phịu, khó chịu ra mặt. Đến sữa bầu của em lão cũng cắt với lý do: 'Giờ em chỉ ăn với nằm 1 chỗ, uống sữa làm gì cho thừa chất. Con to khó đẻ'.

Cạn lời với chồng, em chẳng buồn nói lại. May sau trời thương phù hộ cho em sinh mẹ tròn con vuông. Có điều những ngày này chính là những ngày em nản về chồng nhất. Tiền nong lão quản chặt từng đồng, em mua bỉm sữa cho con thế nào đều phải ghi sổ rõ ràng, cuối tháng lão kiểm tra. Động tí là lão cằn nhằn mắng em hoang phí.

Thật chứ đến lúc này em mới hiểu được nỗi khổ của chị em phụ nữ ở nhà chăm con sống phụ thuộc là như thế nào. Song nghĩ vì con, em cố nhẫn nhịn, đợi con cứng cáp gửi lớp rồi đi làm trở lại.

Đến chiều qua, tranh thủ con ngủ, em vào mạng thấy có cái áo khoác giảm giá 50% còn 300k. Nghĩ lâu rồi em không mua đồ, đẻ xong người sổ ra nhiều, mặc áo nào cũng chật. Vậy là em đặt mua chiếc áo ấy để đi đâu còn có cái mặc.

Ai ngờ chiều tối chồng em về, mở tủ thấy chiếc áo mới vợ treo trong tủ liền đỏ mặt quát: 'Cô lại mua áo khoác đó à? Ở nhà ôm con mà cũng nghĩ cách phá tiền. Bảo sao tôi đưa bao nhiêu cũng tiêu hết. Đã không kiếm ra đồng nào còn tiêu hoang'.

Em nghe vậy mới giải thích: 'Anh buồn cười, cả năm nay em không mua sắm gì. Áo không có mặc, thế mà anh bảo em tiêu hoang,…'.

Vợ còn chưa nói dứt lời lão đã giật phắt cái áo xuống rồi hùng hổ cầm kéo cắt nát: 'Cô còn dám cãi nữa hả. Nay tôi phải trị cho cô chừa cái tính tiêu hoang đi. Đã ăn bám thì phải biết đường mà tiết kiệm'.

Ui, nghe đến đây thì em không thể nhịn nổi. Đặt con xuống giường em bước một mạch tới trước mặt chồng chỉ tay: 'Anh bảo ai ăn bám. Anh nghĩ lại cho thật kỹ, từ ngày lấy tôi, anh nuôi được vợ ngày nào. Tôi bầu bí phải nằm giường, người bỏ tiền ra nuôi mẹ con tôi là bố mẹ tôi chứ không phải anh.

Tôi nghỉ 3 tháng trước sinh, bố tôi đưa cho anh 20 triệu đồng, đóng nối bảo hiểm tự nguyện cho tôi. Lúc tôi vào viện đẻ, cũng là tiền bố mẹ tôi chi ra. 6 tháng nghỉ đẻ, tiền thai sản của tôi gần 40 triệu đồng. Tôi ăn còn chưa hết, anh bảo tôi ăn bám anh khi nào?'.

Em nói thế, lão ngậm tăm không dám mở miệng nói thêm câu nào. Sau bảo em là diện cứng đầu cứng cổ rồi hằm hằm dắt xe đi. Tối em nấu cơm ăn 1 mình, không phần lão. Nửa đêm về lục xoong không có gì ăn, lão phụng phịu: 'Giờ còn thái độ thế này nữa', em ôm con nghe cả nhưng không nói lại".

Nói về tình hình hiện tại, cô gái cho biết chồng đã nhiều lần xin lỗi nhưng cô quyết tâm "trị tội" để chồng tỉnh ngộ. "Em phải cứng rắn, không thể để chồng thích làm vương, làm tướng gì thì làm", người vợ chia sẻ. 

Theo dõi hết câu chuyện của người vợ, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm với lối suy nghĩ gia trưởng, ích kỷ và hành động vô tâm của anh chồng này.

Không phải cứ luôn nhường nhịn mọi thói hư của chồng là tốt. Ảnh minh họa

Chuyên gia tâm lý Lê Nguyễn (TP.HCM) cho hay, chính thái độ nhường nhịn của cô gái mới khiến cho thói xấu của anh chồng ngày càng trở nên quá quắt. Hôn nhân không thể có hạnh phúc chỉ nhờ vào sự nhẫn nhịn của một phía.

Có vẻ anh chồng cũng chỉ là loại "miệng cọp răng thỏ", khi vợ "cứng" lên là anh ta lập tức xuống nước. Vậy mà suốt một thời gian dài, cô vợ cứ lùi bước để chồng lấn lướt mãi, mới dẫn đến cơ sự như hiện nay.

Hai vợ chồng sống với nhau, dù giàu hay nghèo thì quan trọng nhất là phải yêu thương, thấu hiểu lẫn nhau. Khi có việc cả hai cùng bình tĩnh bàn bạc để tìm ra cách giải quyết, có vậy thì gia đình mới được êm ấm hạnh phúc. Nếu cứ tự ấm ức để trong lòng mà không nói ra thì sẽ có lúc điều đó trở thành ngòi nổ phá tan tổ ấm của bạn.

Minh Khôi (T/h)

Tin nổi bật