Sau 5 năm hoạt động thí điểm, BQL ATTP đã thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe cho người dân thành phố.
Tăng cường quản lý, cấp phép ATTP
Sau 5 năm hoạt động thí điểm, BQL ATTP TP Đà Nẵng đã triển khai toàn diện, chặt chẽ công tác quản lý nhà nươc về an toàn thực phẩm:
Công tác cấp phép (Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP)…, hiện nay, Ban quản lý 1.473 cơ sở cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến tỉnh, trong đó có 1.187 cơ sở thuộc diện phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (nhà hàng, quán ăn, cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể, căng ti kinh doanh ăn uống) và 286 nhà hàng trong khách sạn không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận.
Ban quản lý An toàn thực phẩm phối hợp tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “An toàn thực phẩm - vì sức khỏe cộng đồng”
Công tác thanh tra chuyên ngành được tiến hành nhanh chóng, chặt chẽ, hiệu quả. Việc lấy mẫu giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm được thực hiện toàn diện trên tất cả các nhóm sản phẩm thực phẩm và được lấy từ nhiều đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung cấp dịch vụ trong chuỗi cung ứng nên việc phát hiện, truy xuất và ngăn chặn thực phẩm không an toàn hiệu quả hơn.
Cụ thể, BQL ATTP quản lý 409 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất thực phẩm như nước uống đóng chai, nước đá, sản phẩm bao gói sẵn, sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản. 100% cơ sở sản xuất này đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Giai đoạn 2018 – 2021, đã lấy 512 mẫu thực phẩm, kết quả có 403 mẫu đạt (78,71%), 109 mẫu không đạt. Các mẫu không đạt là nước uống đóng chai, thực phẩm bao gói sẵn nhiễm vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép, chả thịt nhiễm hóa chất Hàn the.
BQL ATTP kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022
Trong 5 năm qua, công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn về ATTP được triển khai hoạt động hiệu quả, chất lượng và tiết kiệm cho cả cơ quan quản lý, cơ sở thực phẩm và người tiêu dùng. Nhiều hình thức, sản phẩm truyền thông mới được thực hiện như tổ chức tọa đàm, hội thi tìm hiểu kiến thức ATTP, phát hành Bản tin ATTP, kịp thời thông tin về ATTP thông qua các kênh thông tin báo chí.
BQL ATTP đã triển khai đến tổ chức, công dân dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 100% thủ tục hành chính về lĩnh vực ATTP thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan. Trong năm 2022, có 252 hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 4, đạt tỉ lệ 41,38 % tổng số hồ sơ TTHC. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24, tại bất cứ nơi đâu có kết nối internet.
BQL ATTP đã bố trí nhân sự, trang bị các thiết bị hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký trực tuyến, tuyên truyền vận động cá nhân, tổ chức tham gia, đồng thời triển khai trả kết quả giải quyết hồ sơ đến địa chỉ yêu cầu cho công dân, tổ chức. Bình quân hằng năm, BQL ATTP thẩm định, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 491 cơ sở thực phẩm, lũy kế đến nay, đã cấp phép cho 2.161 cơ sở thực phẩm, đạt tỷ lệ 100% cơ sở được phân cấp quản lý.
Mẫu thử các loại chả tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Đà Nẵng đều đạt chất lượng theo quy định tiêu chuẩn về ATTP
Đặc biệt, việc điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố được BQL ATTP phụ trách xuyên suốt và khoa học. Các đoàn thanh tra, điều tra xử lý ngộ độc luôn trực 24/7, sẵn sàng thực thi công vụ khi có sự cố ATTP xảy ra. Cạnh đó, BQL ATTP còn là cơ quan quan hệ hướng dẫn chuyên môn, phối hợp với UBND quận huyện thực hiện thường xuyên liên tục, toàn diện và đồng bộ công tác chuyên môn ATTP; hợp tác với các tỉnh cung ứng nông sản cho thành phố, bước đầu tạo sự gắn kết với các tỉnh bạn, là tiền đề cho chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn được hình thành và phát triển.
Đưa chỉ tiêu bảo đảm ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP cho hay, việc kiểm soát ATTP với nông sản tươi sống, đặc biệt là rau, trái cây nhập từ ngoại tỉnh vẫn luôn là nhiệm vụ khó khăn. Công tác thanh tra gặp khó khăn do các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa quy định thẩm quyền xử phạt. Đồng thời, nạn bán hàng rong, tình trạng kinh doanh online, thực phẩm nhà làm vẫn còn quản lý lỏng lẻo. Đây là các nguồn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP.
Bên cạnh đó, do đang ở giai đoạn thí điểm, chưa phải là một mô hình cơ quan chính thức nên mô hình BQL ATTP vẫn còn những bất cập, gặp nhiều hạn chế trong quyền hạn dẫn đến quá trình hoạt động chưa đạt được hiệu quả tối đa, còn nhiều lúng túng trong thực tế, đặc biệt là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP.
Doanh nghiệp tham gia truy xuất nguồn gốc thực phẩm sản phẩm thịt từ trang trại đến nơi bán lẻ.
Theo ông Hải, việc đầu tư nguồn lực cho công tác đảm bảo ATTP còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị giới hạn trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh COVID-19, dẫn đến điều kiện phát triển, điều kiện hoạt động của Ban QLATTP hạn chế, chưa phát huy hết ưu điểm, chưa bộc lộ hết hạn chế để đánh giá, rút kinh nghiệm.
Dù vậy, qua 5 năm thí điểm, Ban QLATTP cho thấy việc áp dụng mô hình một cơ quan cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý ATTP ở địa phương đã nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ATTP, là tiền đề để nghiên cứu hoàn thiện cơ chế về bộ máy quản lý ATTP ở địa phương.
Với mục tiêu đảm bảo ATTP cho tất cả người dân thành phố, BQL ATTP TP.Đà Nẵng mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, cần phân công một đồng chí trong Ban Thường vụ cấp uỷ phụ trách ATTP thành một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp uỷ đảng các cấp.
Đồng thời, lãnh đạo Đà Nẵng cần chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong công tác quản lý ATTP.
“Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng CNTT, hoàn thành cơ sở dữ liệu về ATTP, dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đưa chỉ tiêu bảo đảm ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, xem đây là chỉ tiêu cần được ưu tiên thực hiện để kiểm điểm, đánh giá định kỳ”, ông Nguyễn Tấn Hải cho biết.
Ban QLATTP mong muốn thành phố tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, kiểm soát chặt chẽ ATTP đối với nông sản, phát triển sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao hướng tới giảm dần tỉ trọng nông sản nhập từ các tỉnh; phấn đấu 100% các sản phẩm OCOP phải đảm bảo các quy định về ATTP, trong đó chú trọng phải có truy xuất nguồn gốc thực phẩm điện tử.
“Kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm nhập từ các tỉnh, thực hiện đánh giá ATTP đối với các vùng nuôi trồng nông sản ở các tỉnh có cung ứng cho thành phố. Quản lý ATTP phải được thực hiện một cách chủ động, có hiệu quả dựa trên các bằng chứng và thực hiện kiểm soát theo chuỗi, từ đó tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn nữa công tác giám sát, đảm bảo ATTP tại địa phương”, Trưởng BQL ATTP cho hay.
Đồng thời, BQL ATTP tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi. Thông tin kịp thời, chính xác các vấn đề liên quan đến ATTP. Xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ ATTP làm cơ sở khoa học cho công tác quản lý ATTP dựa trên bằng chứng; xử lý chủ động, nhanh chóng các sự cố khẩn cấp về ATTP, thành lập đội an ninh, ATTP đối với rau quả nhập vào chợ đầu mối Hòa Cường, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành về ATTP.
“Với những biện pháp căn cơ, BQL ATTP cam kết đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được liên tục cũng như nguồn cung thực phẩm cho người dân thành phố được linh hoạt, giá cả hợp lý và trên hết là đảm bảo an toàn cho tiêu dùng”, ông Nguyễn Tấn Hải Trưởng BQL ATTP nói.
Văn Anh