Mang mì tôm thanh long lên Shark Tank gọi vốn, đội ngũ sáng lập nhận 1 triệu USD cho 10% cổ phần từ Shark Bình. Bà Phan Thị Na - Tổng Giám đốc, đồng sáng lập Công ty cổ phần Caty Food, đơn vị sở hữu sản phẩm mì tôm thanh long, cho biết mục tiêu ban đầu gọi vốn, Caty Food muốn 1 triệu USD cho 5% cổ phần, tương đương việc định giá doanh nghiệp 20 triệu USD.
Theo bà Na, dù thị trường mì ăn liền cạnh tranh quyết liệt, và luôn được đánh giá là thị trường đỏ, nhưng Caty Food đặt mục tiêu năm 2026 có thể chiếm lĩnh 5% thị phần của toàn bộ thị trường.
Lên Shark Tank gọi vốn, các nhà sáng lập thương hiệu mì tôm thanh long định giá doanh nghiệp 20 triệu USD, và đã được rót 1 triệu USD đổi 10% cổ phần. Ảnh: Cafef
Thông tin từ VTC News, CEO này cho rằng năm 2023, Việt Nam ghi nhận tiêu thụ hơn 8 tỷ gói mì. Ngoài các ông lớn, vẫn còn tới 27% thị phần của các hãng mì nhỏ lẻ, và đây là cơ hội của Caty Food, vì xét về thị trường mì ăn liền có thành phần trái cây, mì thanh long không có đối thủ và tiềm năng phát triển là vô cùng lớn.
Tháng 12/2023, mì tôm thanh long bất ngờ tung chiến dịch "lần đầu tiên", với doạn clip ngắn “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”. Chiến dịch truyền thông này ngay lập tức chiếm sóng đứng top 1 social trend tháng 11 và 12/2023, mang lại hàng trăm triệu lượt view, lượt reach (tiếp cận) tự nhiên trên các nền tảng mạng xã hội.
Chiến dịch truyền thông độc đáo của Caty đã thành công “bão mạng", tạo nên sự quan tâm cực lớn đổ dồn về hãng mì này. Chỉ trong thời gian ngắn, thương hiệu mì tôm thanh long đã nổi tiếng khắp nơi. Nhà sản xuất mì tôm thanh long làm không đủ bán. Hàng loạt hương hiệu khác cũng vào cuộc với trend "lần đầu tiên" vui nhộn, gây ấn tượng.
Bà Nga cho biết mì thanh long đã tiêu thụ hơn 3 triệu gói mì sau thành công của chiến dịch “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”. Công ty đã mở rộng được hơn 10.000 điểm bán, doanh thu 2023 đạt 46 tỷ đồng, với biên độ lợi nhuận sau thuế là 8%.
Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu 250 tỷ đồng và mở rộng hơn 50.000 điểm bán vào năm 2025. Đến năm 2026, mục tiêu doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng. Hiện tại, lượng mì thanh long cung ứng ra thị trường mỗi ngày khoảng 1 triệu gói. Với giá xuất xưởng là 7.000 đồng/gói. Các nhà sáng lập thương hiệu mì ăn liền này cũng khẳng định không cạnh tranh với các hãng mì truyền thống, mà muốn đi theo hướng mì ăn liền có thành phần trái cây.
Năm 2024, mì tôm thanh long đặt tham vọng thu 250 tỷ đồng và mở 50.000 điểm bán vào năm sau. Ảnh: Cafef
Nói về thành công của chiến dịch truyền thông “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”, Giám đốc marketing Trần Danh, cho biết đội ngũ marketing của doanh nghiệp rất trẻ, am hiểu văn hóa đại chúng và đặc biệt nắm bắt được các trend (xu hướng). Khi bắt tay thực hiện đã tính toán được là sau khi tung chiến dịch này sẽ có độ viral (lan truyền) nhất định.
Do vậy, Caty Food rất tự tin và đo đạc được 50 - 60% tình hình. Tuy nhiên, thực tế sức hút lớn hơn kỳ vọng, nên đã tạo nên một cuộc “khủng hoảng dương” khi chiến dịch thành công. Ông Danh cũng tiết lộ đội ngũ này vẫn đang ấp ủ một chiến dịch bùng nổ tiếp theo vào những tháng cuối năm 2024.
Kể về hành trình tạo nên mì tôm thanh long, CEO Caty Food cho biết doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội thanh long Bình Thuận, luôn trăn trở, khát khao để tìm đầu ra cho trái thanh long không chỉ ở "vương quốc" thanh long này mà của các tỉnh thành trong thanh long cả nước nói chung, thông tin từ Cafef cho biết.
Sau 2 năm nghiên cứu cùng Trường Đại học Công thương và Viện Khoa học Kinh tế Sài Gòn, công ty đã phát triển thành công mì ăn liền thanh long công nghệ nano, trong vắt mì chứa 12% hàm lượng thanh long. Mì thanh long đã được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm của doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Bình Thuận.
Sản phẩm được đánh giá mang tính đột phá, vì lần đầu tiên trên thế giới người Việt Nam thành công mang thành phần trái cây thanh long vào trong sợi mì, và đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh của mì thanh long. Sự kết hợp trái thanh long tươi vào trong sợi mì giúp giảm được tinh bột, tạo sự thanh mát, tiêu hóa tốt hơn nhưng vẫn giữ được độ ngon của sợi mì. Caty cũng đã có bằng sáng chế công nghệ, đăng ký độc quyền ở Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác.
Mì tôm thanh long gây chú ý trên thị trường cuối năm 2023 với chiến dịch "Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm” và ngay lập tức bán hết 3 triệu gói mì. Ảnh: Cafef
Mì ăn liền thanh long không chỉ bán trong nước mà đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nga, Indonesia và Australia. Hiện Caty Food đã ký thành công với 2 đối tác lớn là Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, với Mỹ, công ty đã ký kết thành công 5 container. Với khách hàng Trung Quốc cũng đã ký kết thành công 7 container và đang đàm phán ký kết với Nga 10 container, với Indonesia 8 container. Mỗi container dao động từ 700 - 800 triệu đồng về mặt giá trị.
Nói về lý do rót 1 triệu USD cho Caty Food đổi lấy 10% cổ phần, Shark Nguyễn Hòa Bình cho rằng trong ngành này, ông tra ra ở Mỹ, với food processing, với các công ty trên sàn chứng khoán chỉ có P/E (price to earning ratio) khoảng 15 lần. Nhưng với công ty startup như Caty Food thì định giá chỉ tối đa 10 lần. Lợi nhuận năm nay 20 tỷ đồng thì định giá chỉ khoảng 200 tỷ đồng. Với cách định giá này, Shark Bình ra deal 1 triệu USD cho 11,1% cổ phần.
Sau khi hội ý, đội ngũ Caty Food nhận deal 1 triệu USD cho 10% cổ phần của Shark Bình. Khép lại thương vụ gọi vốn thành công.