Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Méo mặt vì chuyện “vay tiền cục, trả tiền bồm”

(DS&PL) -

Trong buổi liên hoan cuối năm, nhóm bạn U 50 của Hồng rôm rả hơn khi nghe Tài tuyên bố sẽ mở cửa hàng làm ăn kinh doanh. Mượn cớ lúc bia rượu, Tài ngỏ ý vay tiền của các bạn trong nhóm.

Trong nhóm “bạn già” cùng khu chơi với nhau, Hồng có vẻ thân Tài hơn một số người khác. Gia đình Hồng có điều kiện về kinh tế, nên khi nghe bạn ngỏ ý muốn vay tiền để kinh doanh, Hồng đã cho Tài vay 200 triệu đồng không tính lãi. Trước nghĩ cử cao đẹp của Hồng, Tài tỏ thái độ cảm kích, hứa hẹn sẽ trả lại tiền vay cho bạn trong thời gian sớm nhất.

Nhìn thấy Hồng xông xênh mở hầu bao cho bạn vay tiền, nhiều người trong nhóm cùng hưởng ứng cho Tài vay tiền làm ăn. Người cho vay ít thì vài chục triệu, người nhiều lên đến cả trăm triệu đồng.

Do điều kiện về thời gian và công việc, nhóm bạn của Hồng ít có dịp tụ tập, ăn chơi vui vẻ nhiều như trước kia. Mọi người liên lạc với nhau chủ yếu qua điện thoại. Thấy bảo mấy năm vừa qua, Tài làm ăn phát đạt, có của ăn, của để. 

Tuy nhiên, nhiều người phàn nàn Tài chậm trả tiền vay cho các bạn. Thậm chí, Tài tỏ ra cáu kỉnh khi bạn đến cửa hàng đòi nợ. 

Bẵng đi một thời gian dài hơn 2 năm, gia đình Hồng có việc cần số tiền lớn chi tiêu, chị đến gặp Tài để đòi số tiền 200 triệu đồng. Chị vô cùng thất vọng khi thấy thái độ của bạn mình khác hẳn lúc vay tiền trước đó. 

Khác hẳn với thái độ ân cần, tình cảm lúc còn khó khăn ngửa tay đi vay tiền bạn bè, nay Tài đã làm ông chủ lớn, lời ăn tiếng nói cũng có phần “gang thép”. Anh ta tìm cách khất nợ, không muốn trả hết số tiền 200 triệu đồng đã vay của bạn mình.

Chị Hồng kể giọng cay đắng: “Thời gian vay quá lâu, tôi không thấy bạn trả nên nhắc nhở. Tài nói, anh ta làm ăn thua lỗ nên xin trả chậm, mỗi tháng trả từ 500- 1 triệu đồng. Ban đầu tôi tưởng bạn nói đùa, ai dè Tài làm thật khiến tôi muốn xỉu luôn”. 

Theo lời kể của người thân chị Hồng, tháng nào chị này cũng đi hơn 20 km đến cửa hàng của Tài để đòi nợ. Hôm nào vui vẻ, Tài trả 1 triệu đồng. Gặp lúc trong người đang có “vấn đề”, con nợ này chỉ trả cho chị Hồng 500.000 đồng. Số tiền này chỉ đủ để chị Hồng trả tiền taxi hai chiều.

“Trong suốt mấy năm trời, Tài trả tiền tôi nhỏ giọt. Mục đích của anh ta là làm tôi phát chán, không đi đòi nợ nữa. Nhưng tôi không thể bỏ cuộc dễ dàng như thế được. Đến chết tôi cũng phải đòi hết tiền nợ. Tôi cho vay một cục tiền lớn, khi đòi thì nhận vài đồng bạc lẻ như của bố thí. Ngẫm sự đời bạc bẽo, cứu ân nhân, ân nhân trả oán” - Chị Hồng nói trong nước mắt.

Sự kiên trì đòi nợ của chị Hồng khiến cho nhiều bạn bè nể phục. Người ta cảm thông chia sẻ với chị bao nhiêu, thì lại ghét thói tráo trở, bất nhân ‘có tiền không trả nợ” của Tài bấy nhiêu. Trong suốt mấy năm trời ròng rã “đấu trí” với con nợ vốn trước kia là bạn thân, chị Hồng mới đòi được khoảng 80 triệu đồng. 

Giờ chị tuổi đã cao, bệnh tật nhiều. Chị không thể đi đòi nợ như trước được. Mỗi lần nói đến chuyện đòi nợ, vết thương lòng của chị lại rỉ máu.

Sau khi tham khảo nhiều người làm việc trong cơ quan bảo vệ pháp luật, chị Hồng quyết định nhờ một văn phòng luật sư thay mình đòi nợ Tài.

Theo luật sư Trần Văn Việt- Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đáng lẽ chị Hồng phải thực hiện việc này từ lâu rồi. “Đối với những con nợ gian dối, muốn ăn quỵt tiền của chủ nợ như Tài, con đường khởi kiện ra tòa là cách làm hiệu quả và nhanh nhất. Sau khi tòa tuyên án, buộc Tài phải trả hết nợ cho chị Hồng (cùng một lúc), thì cơ quan thi hành án sẽ làm việc với Tài. Nếu anh ta vẫn cố tình khất nợ, cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế, bán tài sản của Tài để thi hành bản án”. Luật sư Trần Văn Việt nhấn mạnh.

PV

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Tin nổi bật