Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Mẹ ơi đừng chết, cơm rau mẹ nấu con thấy vẫn ngon”

(DS&PL) -

Ung thư khoang mũi, sau 35 mũi hóa trị chị đành bỏ ngang vì không có tiền tiếp tục điều trị. Chị sợ mình chết đi, đứa con không có chỗ bấu víu.

Ung thư khoang mũi, sau 35 mũi hóa trị chị đành bỏ ngang vì không có tiền tiếp tục điều trị. Hai mẹ con lay lắt bằng những bó rau bòn mót ngoài vườn. Chị sợ mình chết đi, đứa con không cha, không ông bà nội ngoại của mình sẽ không còn chỗ bấu víu…

Căn nhà của mẹ con chị Nguyễn Thị Lan (SN 1966) và cháu Nguyễn Thị Phương (SN 2004) trú tại xóm 5, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) nằm lẩn khuất cuối con đường quanh co, cỏ mọc um tùm. Đó là căn nhà thờ của cụ ngoại được người bác cho mượn để tá túc. Chỉ lúc ngủ, hai mẹ con mới mở cửa để lên gian cạnh gian thờ, còn mọi sinh hoạt đều diễn ra ở căn bếp. Nói là căn bếp nhưng nó chỉ là mấy tấm pro xi - măng ghé vào bức tường xiêu vẹo loang lổ. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa có khi hai mẹ con phải quàng cả ni lông mà nấu nướng hay ăn uống.

Đón chúng tôi bằng giọng nói khào khào yếu ớt là một người phụ nữ khắc khổ trong bộ quần áo rách bươm. Lật đật dỡ cái nón mê rách te tua, chị mời khách vào nhà rồi ái ngại vì không biết mời khách ngồi ở đâu để nói chuyện. Nhìn đôi bàn chân to bè lấm lem đất cát, chị Lan nói như thanh minh: “Con bé đi học, tôi gắng ra vườn bòn bó rau mai đi chợ kiếm bơ gạo”. Căn nhà sực lên mùi ẩm mốc của quần áo vắt trên vách lâu ngày, của người ốm…

Chị Nguyễn Thị Lan giờ không có tiền để tiếp tục chữa bệnh. Ảnh: H.L

Mẹ mất sớm, chị cùng bố chăm lo cho đàn em trứng gà trứng vịt. Rồi bố chị cũng qua đời sau đó ít lâu vì bệnh tật, túng quẫn. Chị Lan thay bố mẹ nuôi nấng, dựng vợ gả chồng cho các em. Đến khi ngoảnh lại thì đã quá lứa, lỡ thì. Không có nhan sắc, không có của nả, sức khỏe đã bị lo toan bòn rút nên chẳng có người đàn ông nào dám đến với chị. Các em lập gia đình, có cuộc sống riêng, đứa nào cũng phải giật gấu vá vai mới đủ sống, chị giật mình thảng thốt: về già mình cậy ai?

Gian nhà cấp 4 do bố mẹ để mối ăn hết rồi đổ sập. Người bác gái đằng họ ngoại cho chị tá túc trong căn nhà cũ, giờ đã được sửa sang thành nhà thờ. Sống cô quạnh một mình, những lúc ốm đau lại thấy khát khao có đứa con hơn bao giờ hết. Vượt qua dư luận, chị “xin” người ta đứa con, tức là bé Phương bây giờ. Không có cha nên con bé mang họ mẹ. Từ ngày có con bé, vất vả hơn trăm lần nhưng chị hạnh phúc lắm. Hai mẹ con quấn quýt rau cháo nuôi nhau.

Bé Phương lớn lên trong túng quẫn, nghèo khổ, người mẹ nghèo lại gánh thêm nỗi lo toan. Các em của bà Lan người thì ở xa, hoàn cảnh khó khăn nên chẳng giúp được gì cho 2 mẹ con. Hai mẹ con bòn mót mấy thước ruộng khoán, ao rau muống và cái vườn con con để sống qua ngày. Hết đi chợ bán rau, hai mẹ con lại dắt díu nhau ra đồng bắt con cua, con ốc cải thiện thêm.

Chị Lan phải bòn mót bó rau trong vườn mang đi bán. Ảnh: H.L

Năm 2011, sức khỏe sút kém, chị Lan đi khám bệnh phát hiện bị ung thư xoang mũi. Nhìn tờ phiếu xét nghiệm chị chẳng hiểu gì, cứ ngỡ bệnh bình thường thôi. Nhưng rồi nghe người ta giải thích là ung thư khiến  chị rụng rời cả tay chân. Ung thư thì cầm chắc cái chết rồi? Còn con Phương giờ răng đây? Nó không có cha, không có cả ông bà nội ngoại… Tai chị như ù đi khi mường tượng ra cái kết cục không mong muốn sắp xảy ra với mình.

Ngày xách túi ra bệnh viện để hóa trị con bé cứ níu lấy chân mẹ mà khóc, không cho đi. Mẹ khóc, con khóc nhưng rồi chị cũng phải rứt áo mà đi. Xạ trị tốn kém nhưng may ra trời thương còn cho sống để có mẹ có con…”, chị kể.

Trải qua 35 mũi xạ trị, tóc chị trọc lóc, về nhà con bé Phương nhận không ra mẹ cứ khóc thét lên. Sau đợt xạ trị, bác sỹ hẹn ra tái khám để có phương án điều trị tiếp theo nhưng chị không có tiền nên cứ đành để vậy. “Ăn giờ còn không có thì lấy đâu ra tiền mà chạy chữa hở em. Hai mẹ con được mấy thước ruộng, năm được vài tạ lúa để dành cho quanh năm. Hai mẹ con bòn mót rau dưa trong vườn, ra đồng kiếm con cua, con ốc cải thiện thêm. Không có nên ngày chỉ được ăn 2 bữa thôi.

Bé Phương, con gái chị Lan thường xuyên phải mang bụng đói để đi học. Ảnh: H.L

“Chỉ tội con Phương chưa bao giờ được ăn sáng, toàn phải mang bụng rỗng đi học. Nhiều khi ngồi vào mâm cơm chỉ thấy độc mỗi đĩa rau, bát nước canh nó không chịu ăn. Nó bảo các bạn được ăn cơm thịt, cơm cá, được uống cả sữa nữa mà răng mẹ chỉ toàn cho con ăn cơm rau? Nghe con hỏi chị nghẹn đắng không nuốt nổi bát cơm”, chị Lan rưng rưng.

Con bé Phương 10 tuổi nhưng bé như cây kẹo mút dở. Được cái nó ngoan và thương mẹ lắm. Thỉnh thoảng đang chơi nhà bạn, nó chạy về ôm cổ mẹ hỏi: “Bố đi làm ở đâu mà mãi không thấy về. Sao bố lại không ở nhà với mẹ con mình? Hôm nào bố về, mẹ bảo bố xây cái nhà thật to để ở nha. Mẹ bảo bố mua thịt, mua sữa cho con nữa…”. Trong tâm hồn non nớt của Phương, bố là hiện thân của đủ đầy, sung túc, là niềm hy vọng để giúp 2 mẹ con qua những khi đói khổ, túng quẫn. Nghe con nói, chị Lan chỉ biết ôm nó vào lòng mà nước mắt dàn dụa. Bố nó chẳng thể về với hai mẹ con…

Việc tái khám để kiểm tra sự tiến triển của tế bào ung thư chị Lan cũng chẳng có điều kiện thực hiện, bởi chỉ riêng mỗi chuyến đi đi về về cũng tốn cả mấy triệu đồng. Căn bệnh ung thư không được điều trị đến nơi đến chốn nên sức khỏe suy kiệt nhanh chóng. Chẳng biết, có phải do ảnh hưởng của căn bệnh ung thư hay không nhưng đôi mắt của chị ngày càng mờ đi, không nhìn thấy rõ nữa. Hai con mắt suốt ngày chảy nước, khó chịu, ngứa ngáy chị cũng phải cắn răng chịu. Rồi những cơn tức ngực, khó thở cứ dày lên…

Ngày mưa, ngồi trong bếp cũng chẳng khác ngồi ngoài trời. Ảnh: H.L

Nhiều đêm chị không ngủ được vì đau quá. Đang ngủ, nghe tiếng rên của mẹ, con bé Phương quay sang ôm rồi thủ thỉ: “Mẹ ơi mẹ đừng chết. Mẹ chết thì ai nuôi con. Con không đòi ăn cơm thịt nữa đâu. Cơm rau mẹ nấu con thấy vẫn ngon lắm mẹ ạ”. Nghe con nói mà chị như chết từng khúc ruột. "Nhỡ chị mà nằm xuống thì nó biết sống với ai…”, chị sụt sùi.

Đi học về, chỉ kịp thay quần áo, con bé Phương xúc gạo đi nấu cơm. “Em sợ mẹ chết lắm. Mẹ mà chết em biết ở với ai, ai nuôi em đi học. Sau này em sẽ làm bác sỹ để chữa bệnh cho mẹ để mẹ sống với em”, đôi tay gầy guộc của nó khoắng khoắng trong đáy nồi chỉ có một nắm gạo.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, hàng xóm của mẹ con chị Lan ái ngại nhìn con bé rồi nói: “Hoàn cảnh nhà chị Lan thì khổ hết nói. Mẹ thì bệnh tật, đứa con gái nhiều khi phải đứt bữa. Bà con chòm xóm cũng thương cháu lắm. Người thì giúp bát gạo, củ khoai, người thì cho vài bộ quần áo cũ nhưng dân ở đây ai cũng nghèo, chẳng giúp được nhiều. Chỉ thương con bé Phương, không khéo lại thất học. Nó còn nhỏ dại quá….”.

Chị Lan chỉ sợ mình chết đi, đứa con gái không biết bấu víu vào đâu để sống. Ảnh: H.L

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho biết: “Hoàn cảnh 2 mẹ con bà Lan rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã nhiều năm qua. Phía chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện hết sức nhưng cũng chỉ một phần nào đó thôi”.

Cuộc đời không lối thoát, nhiều khi chị Lan chỉ muốn buông xuôi tất cả nhưng nghĩ thương đứa con lại không nỡ. Hai mảnh đời chắp vá cứ thế mà nương tựa vào nhau trong cảnh đói khổ đến cùng cực. “Tui chết cũng không sợ, chỉ thương con Phương, nó không có bố, giờ mẹ chết thì biết nương tựa vào ai”, chị lại khóc. Thấy mẹ khóc, con bé cũng rơm rơm nước mắt, bám chặt lấy bàn tay xương xẩu, to bè và sần sùi của mẹ. Không có cha, bây giờ cái hạnh phúc nhỏ nhoi là có mẹ cũng đang dần vuột mất khỏi tay em…

Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ:

Chị Nguyễn Thị Lan

Xóm 5, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, ỉnh Nghệ An

SĐT: 01689055957 (chị Nhiễm, em gái chị Lan)

Tin nổi bật