“Người vợ” đột ngột biến mất sau một đêm
Trước nay, đã có không ít chuyện dở khóc dở cười, xoay quanh chuyện “trả nợ đậy” chỉ vì những người thân thiết nhất đi vay tiền để tiêu xài phung phí, trong khi, bản thân thậm chí không được chạm tay vào một đồng nào, vẫn phải giương mắt nhìn tài sản bị mất trắng.
Cũng lâm vào tình cảnh trớ trêu tương tự, ông L.V.Nh. (Lào Cai) cho biết: “Quả thực, tôi chưa bao giờ lại nghĩ đến tình cảnh đắng cay đến như thế này. Thực sự quá đau lòng!”.
Câu chuyện của ông Nh. được kể bắt đầu từ đầu những năm 2000. Hồi đó, ông Nh. và bà V.T.T.H. (SN 1971) gặp nhau, thương nhau rồi về chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng chưa làm giấy đăng ký kết hôn.
Gian nhà gia đình ông L.V.Nh. đang sinh sống nằm trên thửa đất rộng hơn 2.000m2.
Ông Nh. tính đến chuyện mở xưởng làm gỗ tại khu công nghiệp Bắc Duyên Hải (TP.Lào Cai), nên đã thuê một mảnh đất (thời hạn 50 năm). Tuy nhiên, vì thời điểm đó, ông Nh. vẫn chạy xe đường dài, thường xuyên vắng mặt ở nhà, nên muốn để bà H. đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để khi có việc gì trong nhà, dễ bề giải quyết.
Hai người chung sống đến năm 2009, có một cậu con trai tên L.D.H., những tưởng, sẽ là một cuộc sống hạnh phúc điển hình. Tuy nhiên, sóng gió bắt đầu nổi lên, khi đến một ngày, bà H. đột ngột bế theo con trai, bỏ nhà đi biệt tích. Ông Nh. đã tìm mọi cách nhưng không tài nào có thể liên lạc được với bà H. Nhiều người chỉ trỏ rằng ông mất “vợ” chỉ sau một đêm!
“Hồi ấy, tôi cũng không rõ cô H. đi đâu. Tôi mò vào tận nhà bố mẹ đẻ của cô ấy ở một bản sâu, mà cũng không biết … Nhờ người nghe ngóng, tìm chán chê mấy năm không được, tôi cũng tạm quên đi. Trong bụng nghĩ, có thể cô ấy đã bỏ đi biệt xứ thật rồi!
Tôi ở lại trên mảnh đất, nghỉ chạy xe đường dài, dốc toàn bộ vốn liếng để xây dựng các khu nhà xưởng chế xuất và dãy phòng cho nhân công sinh hoạt. Hệ thống nước sạch và bể chứa nước cũng được tôi chú trọng, để đảm bảo sinh hoạt và sản xuất. Toàn bộ đất đá ở đây không thể trồng cây, nên tôi đã phải thuê mấy xe tải chở đất thịt về, đào hố, “đệm xuống” để trồng cây cho có bóng mát. Tôi cũng dựng thêm một nếp nhà kiên cố để sinh hoạt luôn tại khu xưởng, tiện bề giám sát nhân công lao động.
Đến khoảng năm 2011, một trận mưa bão lớn đã càn quét, tàn phá nhiều hạng mục công trình của nhà xưởng, cuốn phăng đi khá nhiều tài sản của tôi ở đó. Mất mát nhiều, tôi tiếp tục bỏ vốn để nâng cấp cơ sở sản xuất của mình. Các công trình ngày càng được xây dựng chắc chắn hơn và quy mô ngày càng được mở rộng trên khu đất với tổng diện tích hơn 2.000m2”, ông Nh. nhớ lại.
Ít lâu sau, ông L.V.Nh. gặp và kết hôn với một người phụ nữ khác. Năm 2015, họ sinh được một cậu con trai kháu khỉnh, gia đình nhỏ vẫn cùng nhau sinh sống trên thửa đất công nghiệp năm xưa.
“Mỗi năm, hai vợ chồng lại đầu tư thêm vốn liếng, mở rộng nhà xưởng và tôn tạo từng chút một, với hy vọng sẽ gắn bó dài lâu với mảnh đất này”, ông Nh. tâm sự.
Tiến thoái, lưỡng nan
Trong lúc gia đình ông L.V.Nh. vẫn đang từng ngày vun đắp cho ngôi nhà nhỏ, thì bỗng dưng nhận “tin sét đánh” khiến ông như muốn rụng rời.
“Giữa năm 2021, có mấy người khách đến thăm… Bước xuống từ chiếc ô tô 7 chỗ, là mấy người đàn ông cùng với cô V.T.T.H. - người đã chung sống cùng tôi năm nào, ngay tại mảnh đất này. Rồi họ vào nhà, người đàn ông gần 50 tuổi thông báo với tôi ràng, mảnh đất này cùng toàn bộ các hạng mục công trình được xây dựng trên đất này, từ nay đã không còn thuộc quyền sở hữu của tôi. Nghe đến đây, tai tôi đã như muốn ù đi…
Để gây sức ép, bắt gia đình ông Nh. chuyển đi, bên cho vay đã thuê xe đổ đá lấp kín cổng ra vào.
Thì ra, sau khi cô H. bế con bỏ nhà đi nơi khác làm ăn một thời gian, do không thuận lợi, nên cô quay trở lại Lào Cai. Nhớ đến còn mảnh đất “đứng tên” mình, cô H. mang theo giấy tờ, đến gặp người đàn ông 50 tuổi kia, thế chấp để vay 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, do không có khả năng chi trả, rồi “lãi mẹ đẻ lãi con”, đến năm 2021, số tiền đã lên đến hơn 2 tỷ đồng, tính ra cũng tương đương so với định giá của mảnh đất cùng toàn bộ tài sản gắn liền. Vậy là cô H. “mất đứt” mảnh đất vào tay “chủ nợ”.
Và tôi, bỗng nhiên lại trở thành nạn nhân của chính người phụ nữ đã từng gọi là vợ này…”, ông Nh. cay đắng chia sẻ.
Sau một hồi trấn tĩnh lại, ông kể tiếp: “Sau cuộc gặp đó, tôi thông báo với gia đình mình, vợ tôi cũng sốc không kém. Biết bao nhiêu vốn liếng và tâm huyết suốt bao năm dồn vào cải tạo nơi này, không “sốc” sao được?! Ít nhất, chúng tôi cũng cần có chút tiền để kiếm một nơi mới nương thân, chứ sau bao năm, mọi của cải dồn hết vào đây, tự dưng mất trắng, không lẽ chúng tôi ra đường ở hết hay sao…”.
Phía bà V.T.T.H., sau khi sự việc xảy ra, ông Nh. đến tìm bà mấy lượt để “hỏi cho ra nhẽ”, nhưng xem ra cũng chẳng ích gì.
“Cô ta chỉ biết khóc lóc, van xin gia đình tôi hãy tha thứ, mặc dù cô ta biết lỗi lầm của mình rất lớn, nhưng lại không có cách nào. Bản thân cô ta cũng không có tiền để trả nợ, lại càng không muốn “bù đắp” cho chúng tôi… Những cuộc gặp của tôi đều trở thành công cốc…”, ông Nh. khẽ nén tiếng thở dài.
Suốt nhiều ngày liền, ông Nh. liên tục “gõ cửa” các luật sư trong thành phố, mong nhận được những lời khuyên hữu ích và nhờ họ ra mặt giúp để “đòi quyền lợi”. Song, chi phí mà các luật sư yêu cầu quá cao, trong khi túi ông lúc này lại chẳng có một đồng, một cắc.
“Sau cuộc gặp tại nhà tôi hôm đó, người đàn ông 50 tuổi cũng đã nhiều phen đến giục chúng tôi phải dọn ra ngoài. Nhưng thực sự, hiện giờ không có tiền trong tay, tôi cũng không biết phải đưa gia đình mình đi đâu?!
Để gây sức ép cho gia đình chúng tôi, họ còn thuê xe tải, chở cả khối đá đến lấp kín cổng vào, nhằm khiến chúng tôi không ra vào được nhà thì sẽ phải chuyển đi. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất của chúng tôi chính là về tài chính.
Không dưng tự nhiên chẳng được tiêu đồng nào mà lại “gánh” món nợ hơn 2 tỷ đồng trên vai, rồi mất nguyên căn nhà, không một xu dính túi. Người nào hiểu cho tôi còn đỡ, bên ngoài có những người ác miệng, cứ xầm xì bàn tán mãi về chuyện, tôi ngu nên mới bị mất nhà chỉ vì món nợ của “vợ” cũ…”, ông Nh. khép lại cuộc trò chuyện với những cái lắc đầu trong vô thức, như hiện rõ nỗi đau khổ trong lòng.
T.L