Độ tuổi vị thành niên kéo dài từ 13 – 17 tuổi. Do đang trong quá trình phát triển và dần trưởng thành, lứa tuổi thanh thiếu niên luôn tò mò muốn khám phá và học hỏi rất nhiều điều về đời sống xã hội.
Có thể nói, cuộc sống đối với trẻ ở lứa tuổi này đầy mới lạ, vấn đề nào cũng có thể thổi bùng khát khao muốn hiểu biết và làm theo của các em. Tuy nhiên, việc làm theo khi chưa có nhận thức đầy đủ rất dễ khiến trẻ ở lứa tuổi vị thành niên đi vào con đường sai lầm.
Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội hiện ngày càng phổ biến và đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội trong việc giữ liên lạc, góp phần giúp con trẻ cải thiện các mối quan hệ thực, học được cách đồng cảm… nhưng cũng chính các nền tảng này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường.
Theo quan điểm của Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, xã hội vốn có rất nhiều điều mới lạ, thật giả lẫn lộn, người lớn còn dễ bị lừa bởi các thông tin trên mạng xã hội, sa vào những tin tức có mục đích câu view, tin tưởng điều giả hơn điều thật. Với những đặc điểm của lứa tuổi và giới tính, tác động của mạng xã hội đối với trẻ vị thành niên lại càng phức tạp hơn.
Một số tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với lứa tuổi vị thành niên có thể kể đến như nghiện mạng xã hội, trầm cảm, làm giảm sự tự tin, gia tăng hành vi liều lĩnh… Bắt nạt trên mạng cũng là một ảnh hưởng tiêu cực của “thế giới ảo” đối với trẻ, tuy xảy ra trên không gian ảo nhưng để lại hậu quả thực.
Theo thông tin trên trang web của Unicef Việt Nam, nghiên cứu cho thấy nạn nhân của bắt nạt trên mạng có nguy cơ dùng rượu bia, ma túy và trốn học cao hơn các học sinh khác. Trẻ còn có thể bị điểm kém, cảm thấy tự ti về bản thân và gặp các vấn đề về sức khỏe cao hơn. Nếu nghiêm trọng, bắt nạt trên mạng còn dẫn đến tự tử.
Với những đặc điểm của lứa tuổi và giới tính, tác động từ mạng xã hội đối với thanh thiếu niên lại càng phức tạp hơn. Ảnh minh họa
Thời gian qua, truyền thông đã rất nhiều lần đưa tin về những vụ trẻ gặp tai nạn hoặc tử vong do làm theo các thử thách nguy hiểm trên TikTok; tự tử vì sức ép vô hình đến từ các nền tảng mạng xã hội, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các gia đình, nhà trường và cả xã hội.
Theo nghiên cứu mới do các nhà khoa học ở Đại học Cambridge (Anh) thực hiện, trẻ em gái 11 – 13 tuổi và trẻ em trai 14 – 15 tuổi là hai nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi mạng xã hội. Kết quả nghiên cứu không chứng minh mạng xã hội gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe tâm thần nhưng các chuyên gia cho rằng các nền tảng này tạo điều kiện hình thành tổn thương với bé trai và bé gái ở các thời điểm khác nhau.
Trước những tác động của mạng xã hội đối với lứa tuổi vị thành niên, Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng cần phải thực hiện biện pháp giáo dục, không chỉ đối với trẻ em mà cả với người lớn như bố mẹ, thầy cô. Bố mẹ có học thức và hiểu biết, bản thân gia đình có nề nếp về giáo dục con, mục tiêu giáo dục rõ ràng thì chắc chắn biết cách dạy con và biết làm gương.
“Nguyên lý giáo dục trẻ em là ông bà, bố mẹ phải gương mẫu, hành động theo đúng chuẩn đạo đức của xã hội và theo chuẩn tử tế của con người nói chung. 99% kết quả giáo dục con trẻ là nhờ ông bà, bố mẹ mẫu mực về đạo đức, sự hiểu biết và trách nhiệm xã hội. Muốn con thế nào thì bố mẹ phải làm mẫu như vậy, nếu nói nhưng bản thân lại làm sai thì không thể giáo dục được con.
Vấn đề giáo dục thì phải hỏi ông bà, bố mẹ, thầy cô. Trẻ vốn là như vậy, yêu thương con thì định hướng cho con sớm, chủ yếu bằng hành động gương mẫu thay vì chỉ nói”, Chuyên gia Lê Thị Túy chia sẻ.
Thêm vào đó, trong xã hội phát triển như hiện nay, bố mẹ cần không ngừng học hỏi về công nghệ thông tin.
“Giáo dục cho bố mẹ, thầy cô hiểu đặc điểm tâm lý của lớp trẻ ngày nay. Nhiều bộ ngành liên quan đến trẻ em, giáo dục cũng cần hiểu đặc điểm của lứa tuổi thanh thiếu niên, phải có điều tra nghiên cứu để nắm được con số cụ thể, trên cơ sở đó đề xuất các chính sách, trong đó có chính sách giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục trong các tổ chức xã hội như đoàn thanh niên, đội thiếu nhi… Luật pháp cần có chế tài cụ thể, nhà trường cũng cần giáo dục trẻ về cả học tập và kỹ năng sống”, Chuyên gia Lê Thị Túy cho biết thêm.
Trong khi đó, Giáo sư Sarah-Jayne Blakemore, nhà tâm lý học tại Đại học Cambridge, gợi ý các phụ huynh nên đặt giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội cho con, bảo đảm chất lượng giấc ngủ của thanh thiếu niên và trẻ nhỏ.
Bà cho rằng, điều quan trọng là phải giáo dục trẻ từ sớm về hàng loạt vấn đề mà trẻ có thể gặp phải như nội dung độc hại, bắt nạt trên mạng, áp lực đồng trang lứa khi nhìn thấy những hình ảnh quá hoàn hảo của những người xung quanh.
Đinh Kim