Trong bối cảnh hàng loạt nông sản của VN rớt giá, cái tên mắc-ca gần đây được nhắc đến nhiều hơn như một loại cây trồng có lợi nhuận cao và có thể mang về hàng tỉ USD mỗi năm. Nhưng đây là loại cây thế nào và có thật sự dễ dàng kiếm tiền như vậy?
Cây mắc-ca cần có chiến lược phát triển toàn diện để tránh cảnh "trồng - chặt". |
Mắc-ca là tên gọi phiên âm từ maccadamia, một loại cây thân gỗ lấy hạt có nguồn gốc từ Úc. So với các loại cây lấy hạt khác như hạnh nhân, óc chó, hạt điều, đậu phộng... thì mắc-ca có giá trị dinh dưỡng cao hơn.
Nhiều tiềm năng
Được du nhập vào Việt Nam hơn chục năm nay, hiện nay diện tích trồng mắc-ca trên cả nước đạt khoảng 1.600 ha, đứng vị trí thứ 11 trong số những nước trồng loại cây này. Các nghiên cứu đã khẳng định cây mắc-ca thích hợp trồng ở vùng Tây Bắc và Tây nguyên với diện tích lên đến hàng trăm héc ta đạt các điều kiện khắt khe để có thể trồng loại cây này.
Tại diễn đàn “Phát triển cây mắc-ca” vừa tổ chức đầu tháng 8 ở TP.HCM, nhiều nhà khoa học có tên tuổi đã khẳng định: So với cây cà phê thì mắc-ca có tuổi đời dài hơn, trồng một lần có thể thu hoạch cả trăm năm, mắc-ca có thể được sử dụng đa dạng từ thực phẩm cho đến mỹ phẩm. Với nhu cầu thế giới cao như hiện nay thì cho dù diện tích trồng mắc-ca trên toàn thế giới tăng lên 4 lần thì giá trị vẫn không thay đổi. Nếu quyết tâm khai thác được thành tựu chọn giống và kinh nghiệm kỹ thuật của Úc, Mỹ, Trung Quốc và các nước khác thì ưu thế về tài nguyên khí hậu và con người sẽ cho phép VN tạo được bước đột phá thứ hai sau cây cà phê. VN có thể trở thành quốc gia hàng đầu về năng suất và có thể cả về diện tích mắc-ca trên thế giới trong tương lai khoảng mấy chục năm tới…
Theo tính toán của một số nhà chuyên môn, mỗi héc ta trồng mắc-ca có thể cho 3 tấn hạt, với giá 3,5 USD/kg hạt thì người trồng có thể đạt thu được 200 triệu đồng/ha. Với diện tích có triển vọng phát triển cây mắc-ca 200.000 ha, sản lượng hạt hằng năm có thể đạt bình quân 5 tấn/ha (lúc cây trên 10 tuổi), tổng sản lượng mắc-ca khi định hình hằng năm có thể đạt 800.000 tấn hạt, chế biến được 250.000 tấn nhân. Giá trị thương mại có thể đạt gần 4 tỉ USD/năm.
Nhiều thách thức
Tuy nhiên, thực tế để có thể phát triển loại cây này thì không hề đơn giản. Thực tế mắc-ca là loại cây lâu năm, theo tính toán, nếu trồng ở Úc thì sau 12 năm mới bắt đầu hòa vốn, còn ở VN có thể nhanh hơn nhưng cũng mất từ 7 - 8 năm mới hòa vốn.
Kỹ thuật trồng mắc-ca cũng phức tạp. Ông Phạm Đức Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển KHCN nông lâm nghiệp Thành Tây, cho biết: “Thách thức lớn nhất đối với cây mắc-ca tại VN là thiếu quỹ đất và người dân còn chưa biết nhiều đến loại cây này. Cả thế giới đến nay mới chỉ có 80.000 ha trồng mắc-ca trong khi chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 200.000 ha thì rõ ràng hơi quá sức”.
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp, khuyến cáo: “Đây là cây trồng lâu năm, trồng một lần thu hoạch cả đời nên cần phải chọn giống tốt, đất tốt. Chất lượng cây giống tốt là quan trọng hàng đầu. Một số nông dân hiện nay ham mua cây giống rẻ tiền nhưng không đảm bảo chất lượng. Để phát triển tốt loại cây này thì các doanh nghiệp phải chủ động làm việc với nông dân, đầu tư chế biến ngay từ bây giờ thì mới có thể tận dụng cơ hội”.