Chứa chất kịch độc?
Loạt sản phẩm kem đánh răng nhập khẩu như Twin Lotus của công ty Twin Lotus - Thái Lan; Crest của công ty P&G; Sensodyne, Aquafresh của công ty GlaxoSmithKline (GSK) và một số sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đang bắt đầu len chân vào thị trường. Đáng chú ý nhất là hai nhãn hàng của GSK hiện đã bắt đầu có chỗ đứng tại thị trường kem đánh răng Việt. Khoảng năm 2009, kem đánh răng Sensodyne được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam với hai loại Freshmint và Cool Gel là loại kem đánh răng dành cho "răng nhạy cảm". Đây là một ẩn số, vì người tiêu dùng rất nhập mờ khi nhà sản xuất đưa ra cái gọi là sản phẩm cho "răng nhạy cảm".
Tiếp đó, năm 2010, GSK tiếp tục đưa nhãn hàng kem đánh răng Aquafresh: Aquafresh Cavity Protection (ngừa sâu răng hiệu quả) và Aquafresh Extra Fresh (thơm mát vượt trội) cũng bắt đầu bước chân vào thị trường Việt. Hiện, công ty này cũng đang chú trọng đầu tư vào các hạng mục quảng cáo qua truyền hình, kèm theo đó là hàng loạt chương trình khuyến mãi sản phẩm tặng kèm cốc, bình uống nước, giảm giá...
Với những dòng chữ nước ngoài như thế này, người tiêu dùng khó biết trong thuốc đánh răng có chất gì. |
Mặc sức các loại kem đánh răng vô tư phát triển, việc kiểm tra, thông tin chất lượng của các sản phẩm này ra sao, cơ quan quản lý chất lượng về các mặt hàng này hầu hết đều bỏ ngỏ. Người tiêu dùng thì rơi vào ma trận kem đánh răng và với tâm lý "hàng xách tay" vừa rẻ vừa chất lượng vì nó được mang từ nước ngoài về sẽ hơn sản phẩm Việt Nam nên các loại kem đánh răng này vẫn có chỗ đứng và "tự tung, tự tác" trong các siêu thị tại một số thành phố lớn, số khách hàng còn lại thì cái nào quảng cáo hay là mua.
Tại một số quốc gia tiên tiến như Mỹ, hoặc một số các nước EU, các dòng sản phẩm về kem đánh răng đều phải tuân thủ về tỉ lệ các chất có trong kem đánh răng theo tỉ lệ nhất định và hầu hết đều được khuyến cáo trên các sản phẩm.
Tại Việt Nam, theo khảo sát của PV, hầu hết các tuýp kem đánh răng hàng xách tay chỉ có một số dòng giới thiệu trên cạnh vỏ tuýp, còn lại thành phần hóa học của các loại thuốc này chủ yếu ghi bằng tiếng nước ngoài. Người tiêu dùng hoàn toàn mù mờ về các loại chất lượng sản phẩm của nhóm này. Các sản phẩm kem đánh răng bán cho người tiêu dùng Việt chỉ có một bảng liệt kê dài dằng dặc, cơ man các loại chất.
Những chất đó, PV đem so sánh với tài liệu mà hãng thông tấn nước ngoài CNN đã đăng tải thì nó là thuốc nhuộm màu xanh số 2 FD&C có trong nhiều loại kem đánh răng, được trung tâm Khoa học vì lợi ích công cộng ở Mỹ (theo CNN) cảnh báo là có thể liên quan đến khả năng học tập, hành vi, có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng và là nguyên nhân của các vấn đề sức khỏe khác. Chất sodium lauryl sulfate có thể gây ăn mòn da, kích ứng và loét lở.
Nụ cười có còn tươi nếu sử dụng kem đánh răng có chứa nhiều chất độc hại. Ảnh minh họa |
Các thí nghiệm tại trường đại học Chất độc Mỹ cho thấy, chất Sodium lauryl sulfate có thể dẫn đến trầm cảm, tiêu chảy và tử vong. Triclosan - một thành phần chống vi khuẩn được liệt kê như là một loại thuốc trừ sâu cũng sử dụng trong kem đánh răng và xà phòng OTC tay. Cơ quan bảo vệ môi trường đã yêu cầu tiến hành thêm các nghiên cứu về tác động của triclosan lên tuyến giáp và estrogen. Chất ngọt nhân tạo saccharin và aspartame được dùng nhiều trong kem đánh răng cũng được trung tâm Khoa học của Mỹ liệt vào danh sách các chất phụ gia tránh sử dụng.
Chưa có tiêu chuẩn rõ ràng
Kem đánh răng ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới cơ bản là một sản phẩm vệ sinh bình dân với giá bình dân. Thế nhưng, gần đây, thị trường lại xuất hiện thêm nhiều mặt hàng mới được coi như "siêu" kem đánh răng được quảng cáo với những lời có cánh và giá cả cũng không hề rẻ.
Theo tìm hiểu, được biết, tiêu chuẩn với kem đánh răng hiện nay, hiện tại Việt Nam mới có hai hệ thống tiêu chuẩn dành cho kem đánh răng là TCVN 5816-2009 thay thế cho TCVN 5816-1994. TCVN 5816-2009 do tiểu ban Kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC106/SC7 Sản phẩm vệ sinh răng miệng biên soạn, tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đề nghị, bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Tuy nhiên, TCVN 5816-2009 lại không có các yêu cầu chất lượng và số lượng cụ thể đối với tính độc hại sinh học trong tiêu chuẩn này mà các tiêu chuẩn về an toàn lại được quy định trong tiêu chuẩn ISO/TR 7405 và ISO 10993-1. Hai tiêu chuẩn này mới đánh giá về tính độc hại sinh học và tính độc. Trong khi đó, hầu hết các sản phẩm kem đánh răng trong nước đều quảng cáo rằng, mình được... liên đoàn nha khoa thế giới chứng nhận mà không thấy chứng nhận nào của cơ quan quản lý Nhà nước sở tại trên vỏ sản phẩm.
TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên chuyên viên của viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: "Tình trạng kem đánh răng không nhãn mác trôi nổi trên thị trường hiện nay diễn ra phổ biến. Có nhiều loại kem đánh răng sử dụng bao bì là nhựa cao phân tử thay cho nhôm như trước kia. Điều đó sẽ làm người tiêu dùng khó phát hiện kem đánh răng đã hỏng, bởi ở những loại kem đánh răng không ghi trên bao bì hạn sử dụng khi không giữ ở độ pH trung tính nếu ở vỏ nhôm sẽ làm phá huỷ lớp vỏ, cho người tiêu dùng cái nhìn khách quan. Điều đó sẽ dẫn tới các sản phẩm không diệt được khuẩn, thậm chí có thể gây tổn hại men răng, tổn hại xương khi hàm lượng fluor quá cao".
Một tuýp kem đánh răng đạt chất lượng phải chứa đủ flo để có tác dụng làm răng chắc khỏe hơn và chống lại những tác động của a-xít trong thực phẩm đối với răng miệng. Ngoài ra, kem còn phải chứa những chất diệt khuẩn, gây tê, chất chống đóng cao răng, sodium bicarbonate, một số enzim có tác dụng tăng tính sát khuẩn của nước bọt và xylitol giúp tạo vị ngọt. Nói về vai trò của cơ quan chức năng trong việc chứng nhận chất lượng sản phẩm, theo tiến sỹ Thịnh, các cơ quan hữu quan của Việt Nam chưa có một cơ quan nào chuyên trách chứng nhận sản phẩm kem đánh răng an toàn đối với người sử dụng.
Vậy là tại Việt Nam hiện nay, cái tưởng chừng đơn giản như kem đánh răng cũng chưa có quy định rõ ràng về chất lượng của nó. Chẳng thế mà các hãng kem đánh răng nước ngoài thi nhau vào Việt Nam, "bóp nghẹt" doanh nghiệp trong nước bằng những quảng cáo mới toe là đánh vào thị hiếu người tiêu dùng. "Bây giờ, tôi đã biết, thủ phạm của răng miệng phần lớn là do kem đánh răng kém chất lượng chứ không phải do ăn nhiều kẹo, uống nhiều đường gây mảng bám...", bác Nguyễn Thành Tài (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) than thở. Câu hỏi đặt ra là, cơ quan chức năng nào của Việt Nam đã phân tích và đưa ra khuyến cáo cho người tiêu dùng Việt Nam về "kem ngoại" chưa để họ đỡ tiền mất, tật mang? Câu trả lời là chưa mà người tiêu dùng mua nó hoàn toàn dựa trên thói quen tiêu dùng, dựa trên những lời quảng cáo trắng răng, chói sáng, "răng nhạy cảm"... Đề nghị cơ quan kiểm định chất lượng cần vào cuộc để có một cuộc thanh tra toàn diện, công bố rõ ràng cho người tiêu dùng biết và lựa chọn. Cảnh báo hạt nhựa có trong kem đánh răng Trong một nghiên cứu mới đây về các hạt nhựa có chứa trong kem đánh răng tại thẩm mỹ viện Aesthetic Smiles ở Meridian (Mỹ), tiến sỹ Wade Pilling và nhân viên nhận thấy những phần tử nhựa nhỏ ẩn chứa phía sâu trong miệng bệnh nhân. Theo ông Wade Pilling: "Cơ thể sẽ cảm thấy các hạt nhựa như một phần thừa, tuy nhiên vi khuẩn sẽ bám vào đó và có khả năng gây bệnh nướu răng, viêm lợi hoặc một số bệnh tương tự". Trish Walraven, một thành viên nghiên cứu đã trao đổi với CNN rằng, ban đầu bà không biết đó là gì, nhưng sau đó, bà nhận ra và khuyến cáo cho cộng đồng nha khoa về hiện tượng này: "Chúng tôi đã làm một số thí nghiệm nhỏ bằng cách hòa tan kem đánh răng và quan sát những gì còn lại trong dung dịch và kết quả cho thấy còn khá nhiều hạt nhựa không hòa tan", (trích thông tin từ CNN). |