Lớp học đặc biệt chỉ dành cho những trẻ em khuyết tật. Thầy giáo đứng lớp là người mang quân hàm xanh và cô giáo thì chưa từng qua một lần đào tạo sư phạm.
Thầy giáo Chính và cô giáo Ly hướng dẫn các em viết chữ ở lớp học tình thương. |
Tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có một lớp học vô cùng đặc biệt. Học sinh ở đây là đều là trẻ em khuyết tật đủ mọi lứa tuổi. Thầy cô đứng lớp chưa từng được đào tạo qua chuyên ngành sư phạm. Và còn đặc biệt hơn khi lớp học là một căn phòng nhỏ ngay tại Đồn biên phòng Bình Minh.
Vào các buổi chiều thứ ba, năm và sáu hằng tuần đều nghe tiếng đánh vần, đọc bài ê, a vang lên trong căn phòng nhỏ tại đồn.
Thượng úy Lê Văn Chính, người trực tiếp đứng lớp học đặc biệt này, cho biết anh nhiều lần chứng kiến các em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương, thân thể không lành lặn, không được đến lớp như những bạn cùng trang lứa. Điều này khiến anh lên ý tưởng thành lập lớp học.
Thế rồi lớp học tình thương dành cho 8 trẻ khuyết tật, hồn nhiên, ngây ngô chính thức ra đời vào tháng 11/2018.
“Tất cả các em ở đây đều là học sinh đặc biệt, khuyết tật về trí tuệ và chân tay. Các em lần đầu tiên đến lớp, việc tiếp xúc với con chữ như một tờ giấy trắng. Vì vậy, để giúp các em nhận biết được mặt chữ là một hành trình dài với nhiều khó khăn, vất vả”, thượng úy Chính tâm sự.
Có những trường hợp rất đáng thương, như: Em Trần Nguyễn Văn Thành, sinh năm 2005, trú tại thôn Tân An, xã Bình Minh. Mẹ sinh ra em và chịu cảnh đơn thân vì bị người đàn ông mình yêu thương phụ bạc. Đáng thương hơn là em bị động kinh, không gửi được em cho ai nên hằng ngày, hai mẹ con bồng bế nhau ra cảng cá Tân An xin cá để sống qua ngày. Cứ thế, cuộc sống của hai mẹ con phụ thuộc vào lòng trắc ẩn của mọi người và 700.000 đồng hỗ trợ từ địa phương cho người khuyết tật.
Bên thôn Hà Bình, xã Bình Minh là trường hợp của em Trần Thị Hoa, sinh năm 2008. Em Hoa có 3 anh em, anh đầu bị khuyết tật, bản thân em bị bệnh động kinh. Bố mẹ em không có công ăn việc làm ổn định.
Nhận được báo cáo của Đội Vận động quần chúng, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Bình Minh đã họp bàn và quyết định mở lớp học tình thương dành cho những học sinh khuyết tật với mục đích để các em được đến lớp học chữ và trang bị những kiến thức, kỹ năng sống cơ bản, đồng thời giúp các em bớt thiệt thòi, tự tin hơn trong cuộc sống.
Lớp có 8 học viên ở độ tuổi từ 10 đến 30 (đa số ở độ tuổi 10 - 12), mắc bệnh đao (down), thiểu năng trí tuệ hay bị khuyết tật, khả năng nhận thức kém. Học viên nhiều tuổi nhất là anh Nguyễn Văn Trung (30 tuổi).
Dù chỉ có 8 học sinh, nhưng lớp học vẫn duy trì 2 giáo viên phụ trách. Đứng lớp dạy học, giáo viên chính là Thượng úy Lê Văn Chính, Đội phó Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng và chị Đặng Thị Mỹ Ly, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Bình Minh (không cố định).
Thiếu tá Lê Văn Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Minh cho biết: “Ngay khi lớp học tình thương khai giảng, Đồn Biên phòng Bình Minh đã vận động kêu gọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị xây dựng “Hũ gạo tình thương”, tiết kiệm mỗi tháng 300.000 đồng hỗ trợ các em trong việc học tập”.
Thượng úy Lê Văn Chính tâm sự: “Thuyết phục học trò đồng ý ra lớp là niềm vui lớn, nhưng còn khó khăn không nhỏ đó là công tác biên soạn giáo án giảng dạy sao cho phù hợp với các cháu. Thật sự mà nói đối với một cán bộ biên phòng càng khó khăn gấp bội. Sau nhiều trăn trở, chúng tôi đã liên hệ với trường tiểu học và mẫu giáo trên địa bàn xã để nhờ được sự giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm”.
Lúc đầu, các thầy cô phải mất hơn 1 tháng để các em làm quen với lớp, với bạn. Tháng đầu tiên mở lớp, thầy giáo chưa dạy chữ mà tập hát, tổ chức hoạt động vui chơi để thu hút học sinh. “Ban đầu có một số em rất khó gần. Sau nhiều lần nói chuyện, các em quen dần, xem thầy như người thân, háo hức đến lớp hòa nhập với bạn bè”, anh Chính kể.
Khi các em đã quen thì mới bắt đầu hành trình dạy chữ. “Có em phải mất hơn 4 tháng mới đọc được 24 chữ cái như em Hoàng. Có học sinh gần một tháng mới viết xong chữ ă”, Thượng úy Chính nói.
Cứ như thế, lớp học tình thương của Đồn Biên phòng Bình Minh đã giúp các em khuyết tật được học chữ, được biết đến thế giới bên ngoài nhờ tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm của những người lính mang quân hàm xanh.
Ông Nguyễn Quang Điểu, trú tại xã Bình Minh, là phụ huynh của em Nguyễn Quang Văn, tâm sự: “Trước đây, con trai tôi luôn tự ti vì mình không được như các bạn. Gia cảnh nghèo khó nên cháu cũng không có điều kiện tới lớp. Từ ngày các chú Biên phòng mở lớp dạy học các cháu khuyết tật, con tôi đã thay đổi. Được đến lớp học, tâm lý của cháu thoải mái hơn nhờ được tiếp xúc với bạn bè. Những điều các chú Biên phòng mang lại cho các cháu cũng như gia đình không gì có thể sánh được”.
Những lời tâm sự chứa chan cảm xúc và lòng biết ơn của một người cha có con bị khuyết tật phần nào cho thấy những giá trị nhân văn mà lớp học này mang lại cho những người vốn đã thiệt thòi.
Mộc Miên (T/h)