Sau chầu nhậu thứ nhất, mọi người bàn nhau hùn tiền đi nhậu “tăng hai”. Lúc này, một người trong nhóm tên Đ. lớn tiếng nói sẽ bao hết anh em nhậu tiếp nhưng bị cáo Tiếp lại nói phải “campuchia” nên cả hai xảy ra cự cãi. Trong lúc ngồi nhậu “tăng hai”, Tiếp nhớ lại việc Đ. hỗn với mình nên bỏ nhậu, quay về nhà lấy dao tìm Đ. rồi tấn công khiến nạn nhân suýt mất mạng.
Đang nhậu, nhớ lại mâu thuẫn cũ nên cầm dao đi “giải quyết”
TAND TP.Cần Thơ hôm 14/2 đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án giết người đối với bị cáo Trần Thanh Tiếp (51 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ). Nạn nhân của vụ án – Anh Trần Quốc Đ. (47 tuổi) bị Tiếp cứa cổ gây đứt động mạch chủ, nhưng thoát chết.
Gần 6 tháng trước, nếu không được đưa đi cấp cứu kịp thời, và không may mắn, có lẽ anh Đ. đã không thể có mặt trong phiên xử bị cáo Tiếp tội Giết người mà anh là bị hại. Cáo trạng truy tố Tiếp nêu rõ, trưa 2/9/2019, Tiếp cùng anh Trần Quốc Đ. và khoảng 10 người khác tổ chức uống rượu tại sân chung cư trung tâm thương mại Cái Khế (quận Ninh Kiều, Cần Thơ).
Đến khoảng 15h30 cùng ngày, Tiếp đề nghị mọi người hùn tiền lại để đến quán La Cà (đường Trần Văn Khéo, phường Cái Khế) để uống rượu tiếp. Trong khi nhiều người đồng ý thì anh Đ. phản đối và định đánh nhau với Tiếp nhưng được mọi người can ngăn.
Bị cáo Trần Thanh Tiếp tại tòa sáng 14/2. Ảnh: Tuổi trẻ |
Do mâu thuẫn nên anh Đ. không đi nhậu nữa mà bỏ về nhà ở gần đó. Bị cáo Tiếp cùng với Trần Thanh Hiếu (em ruột Tiếp) và 3 người nữa đến quán La Cà nhậu tiếp “tăng 2”.
Đến khoảng 17h40 cùng ngày, trong lúc đang uống rượu cùng mọi người thì Tiếp nhớ lại mâu thuẫn với anh Đ. nên ra lấy xe máy chạy về nhà lấy dao đi tìm Đ. để giải quyết mâu thuẫn.
Khi tới trước một căn nhà ở chung cư Trung tâm thương mại Cái Khế, Tiếp thấy anh Đ. đang ngồi phía trước nhà nên Tiếp cầm dao tới cứa vào vùng cổ anh này rồi lên xe đến quán La Cà kể lại sự việc cho những người nhậu chung biết. Đ. được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ với vết thương vùng cổ rất nặng, đứt động mạch chủ... Rất may, nạn nhân được cấp cứu kịp thời nên thoát chết, nhưng tổn hại sức khỏe 12%.
Sau khi gây án, Tiếp bị bắt giữ. Vợ và người thân của Tiếp biết Tiếp gây ra chuyện lớn nên tức tốc đến bệnh viện, thanh toán tiền cấp cứu, viện phí cho anh Đ. và mong được nạn nhân tha thứ.
Quá trình điều tra, vợ của Tiếp lại bồi thường thêm cho anh Đ. số tiền 100 triệu đồng nữa với mong muốn được anh Đ. tha thứ và Tiếp được giảm một phần hình phạt.
“Bị hại nhỏ tuổi hơn nhưng hỗn quá”
Bị cáo Tiếp đã nói như vậy khi được HĐXX hỏi sao lại cứa cổ bạn nhậu suýt chết.
Tiếp cho rằng, bị cáo, bị hại và một số người khác đã nhậu nhiều rồi. Bị cáo cũng không còn đủ tỉnh táo để phân biệt được việc nên làm hay không nên làm. Lúc ngồi nhậu “tăng hai”, bị cáo thấy tức bởi bình thường, Đ. cũng lễ phép, nhưng hôm nhậu lại hỗn, dám xưng “mày – tao” với bị cáo, trong khi bị cáo lớn hơn Đ. 4 tuổi.
“Nhậu thì nhậu, tức thì tức nhưng không hỗn. Anh phải ra anh, em phải ra em chứ không được ăn nói ngang hàng, hỗn như vậy. Bị cáo chỉ tức Đ. vì Đ. hỗn, lại còn thách thức bị cáo. Trong lúc giận quá mất khôn mới thực hiện hành vi phạm tội, chứ anh em trước đó không có mâu thuẫn gì cả. Sau đó, bị cáo hối hận nên nói với vợ giúp bị cáo bồi thường cho Đ., được đồng nào hay đồng đó”, bị cáo Tiếp phân trần.
Được HĐXX hỏi, nạn nhân Đ. cho rằng, khi cả nhóm rủ nhau đi nhậu tiếp, Đ. nói muốn lo toàn bộ chi phí cho bữa nhậu tăng hai vì quý mến anh em. Tuy nhiên, anh Tiếp lại cứ đòi trả một nửa số tiền nhậu nên mới dẫn đến mâu thuẫn. Vì anh em mâu thuẫn, Đ. thấy không thoải mái nên đi về, không nhậu nữa. Tưởng chuyện thế là kết thúc, ai ngờ Tiếp giận dai và khiến anh suýt chết.
Nói lời sau cùng trước khi tòa vào nghị án, bị cáo quay xuống xin lỗi anh Đ., xin lỗi vợ mình đã "khổ vì chồng" và mong vợ ở nhà chăm hai con tốt. Bị cáo mong tòa xử án nhẹ nhất để sớm được về nhà lo cho gia đình.
Hôm ra tòa, bị cáo Tiếp và bị hại Đ. đối mặt nhau, nhưng họ không hằn học nhau. Bị cáo Tiếp tỏ ra hối hận vì việc mình đã làm và mong bị hại bỏ. Khi HĐXX hỏi có bồi thường cho bị hại thêm không, Tiếp quay xuống hỏi ý kiến vợ. Và khi thấy vợ gật đầu, Tiếp đồng ý bồi thường thêm cho anh Đ. 50 triệu đồng nữa.
“Bị cáo phải ngồi tù, không thể đi làm để bồi thường cho bị hại được, nên vợ phải lo. Bị cáo xin lỗi vợ đã khổ vì chồng, mong vợ tha thứ và nuôi dạy các con chung được ăn học nên người. Bị cáo cũng xin lỗi bị hại, mong được bị hại tha lỗi và mong được pháp luật khoan hồng, tuyên mức án thấp để sớm có cơ hội làm lại cuộc đời”, bị cáo Tiếp nói lời sau cùng.
Sau giờ nghị án, HĐXX cho rằng, bị cáo chỉ vì mâu thuẫn nhỏ đã dùng dao tấn công vào vùng cổ của bị hại. Hành vi của bị cáo là hết sức nguy hiểm, thể hiện tính côn đồ, muốn tước đoạt mạng sống của bị hại. Việc bị hại không chết là do được cấp cứu kịp thời và điều trị hiệu quả. Hậu quả hành vi của bị cáo để lại nặng nề cho bị hại, cần thiết phải áp dụng hình phạt đủ sức răn đe. Tuy nhiên, xét bị cáo phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt, có ông bà là người có công cách mạng nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Sau khi cân nhắc, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Tiếp 9 năm tù về tội Giết người. Ngoài ra, HĐXX cũng công nhận việc bị cáo tự nguyện bồi thường cho bị hại số tiền 150 triệu đồng, trong đó có 100 triệu đồng đã nộp cho công an nên bị cáo còn phải tiếp tục nộp thêm 50 triệu đồng.