Ngày 10/10 (giờ địa phương), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mở cuộc tranh luận về dự thảo nghị quyết lên án việc Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, hãng tin AFP cho hay.
Quyết định đưa vấn đề ra trước Đại hội đồng, nơi mỗi nước trong số 193 thành viên Liên Hợp Quốc có một phiếu biểu quyết và không ai có quyền phủ quyết.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Nga sử dụng quyền phủ quyết của mình trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào ngày 30/9 để ngăn chặn một đề xuất tương tự.
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Liên Hợp Quốc Olof Skoog đã phối hợp cùng Ukraine và các nước khác để soạn dự thảo nghị quyết phản đối Nga. Ông Olof Skoog cho biết động thái phản đối này là "vô cùng quan trọng".
Nhà ngoại giao Thụy Điển nói: "Nếu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế không phản ứng trước động thái của Nga, chúng ta sẽ ở trong một tình trạng bất ổn".
Ông cho biết thêm việc Đại hội đồng không hành động sẽ khiến “cho các quốc gia khác cảm thấy họ có thể tự do làm bất cứ điều gì tương tự hoặc công nhận hành động của Nga".
Hình ảnh tại một cuộc họp ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: AA.
Một bản dự thảo nghị quyết được AFP công bố có nội dung lên án "hành động sáp nhập bất hợp pháp" của Nga đối với các khu vực Donetsk, Lugansk, Zaporozhye và Kherson của Ukraine sau khi cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh rằng những hành động này "không có giá trị theo luật pháp quốc tế". Nó kêu gọi tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế và các cơ quan không công nhận các cuộc sáp nhập, đồng thời yêu cầu rút quân ngay lập tức khỏi Ukraine.
Đáp lại, Nga đã gửi một bức thư tới tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó khẳng định động thái của phương Tây "không liên quan gì đến việc bảo vệ luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc".
"Họ chỉ theo đuổi các mục tiêu địa chính trị của riêng mình", bức thư do Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia viết. Ông cũng cho rằng Mỹ và các đồng minh đang đặt một "áp lực khổng lồ" lên các quốc gia thành viên khác.
Trước đó vào ngày 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật hoàn tất việc sáp nhập 4 tỉnh ly khai Ukraine vào Nga. Trong khi đó, diễn biến chiến dịch quân sự đặc biệt đang theo hướng bất lợi cho Nga khi lực lượng của họ đã phải rút khỏi nhiều vị trí vào thời điểm Ukraine thực hiện cuộc phản công.
Được biết, sau khi sáp nhập các tỉnh ly khai Ukraine, Nga tuyên bố sẽ chiến đấu và bảo vệ các khu vực này, đồng thời đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine, đặc biệt tại Bắc Kherson và Tây Lugansk.
Bích Thảo (Theo AFP)