Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết: "Chúng ta sẽ xem lập trường của các quốc gia trên thế giới về vấn đề hòa bình ở Ukraine".
Theo kế hoạch, Đại hội đồng dự kiến sẽ thông qua một nghị quyết trong ngày 23/2 (giờ địa phương) do Ukraine và các nước phương Tây đề ra. Nghị quyết nhấn mạnh "sự cần thiết phải đạt được, càng sớm càng tốt, một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài" phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga và nói rằng Hiến chương đã quy định rất "rõ ràng". Ông trích dẫn: "Tất cả các thành viên phải kiềm chế trong quan hệ quốc tế để tránh mối đe dọa hoặc kiềm chế không được sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào".
Ukraine và các nước phương Tây hy vọng sẽ làm sâu sắc thêm sự cô lập ngoại giao với Nga bằng cách tìm kiếm số phiếu thuận đối với một số nghị quyết vào năm ngoái.
Phương Tây cho rằng cuộc chiến là hành động gây hấn vô cớ của một quốc gia với quốc gia khác. Trong khi đó, Nga chỉ trích cuộc xung đột hiện nay là một "cuộc chiến uỷ nhiệm" với phương Tây, những người đang viện trợ vũ khí cho Ukraine và áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt lên Nga.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia phát biểu trước Đại hội đồng: "Phương Tây đã phớt lờ những lo ngại của chúng tôi và tiếp tục đưa cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ngày càng đến gần biên giới của chúng tôi".
Ông Nebenzia cho biết Moscow "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc khởi động cái "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào ngày 24/2/2022 để bảo vệ những người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine và đảm bảo "sự an toàn và an ninh của đất nước chúng tôi bằng các biện pháp quân sự".
Dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc, không mang tính ràng buộc, nhưng mang trọng lượng chính trị, phản ánh yêu cầu của Đại hội đồng đối với Moscow về việc rút quân và chấm dứt chiến sự đã được đưa ra vào năm ngoái. Nga đã mô tả văn bản này là "không cân bằng và chống Nga" và kêu gọi các nước bỏ phiếu chống.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với các phóng viên rằng Ukraine đang thực hiện quyền tự vệ của mình như được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và rằng "khi bạn gửi vũ khí tới Ukraine, bạn đang giúp Ukraine bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc".
Ông Kuleba nói: "Nga đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc bằng cách tấn công chúng tôi. Khi bạn gửi vũ khí cho họ, bạn đang góp phần phá vỡ Hiến chương Liên hợp quốc và mọi thứ mà Liên hợp quốc ủng hộ".
Minh Hạnh (Theo Reuters)