Vào ngày 5/12 (giờ địa phương), Mỹ và một số nước đồng minh đã công bố biện pháp trừng phạt mới nhất chống lại Moscow liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine, đó là giới hạn giá dầu của Nga.
Biện pháp này đã được Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia thông qua, đồng thời áp đặt mức giá trần với dầu thô của Nga là 60 USD/thùng. Mức giá này sẽ được xem xét định kỳ để liên tục duy trì ở mức thấp hơn một chút so với mức do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đặt ra.
Thông tin về việc áp giá trần dầu Nga đã gây ra mối quan ngại về tác động của nó đối với thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, mức giá trần cũng có thể ảnh hưởng đến sinh kế của những người dân bình thường tại các quốc gia đã tham gia sáng kiến này.
Một tàu chở dầu đang neo đậu tại khu phức hợp Sheskharis ở Novorossiysk, Nga, ngày 11/10. Ảnh: AP.
Phản ứng của Nga
Cho đến hiện tại, phía Nga vẫn chưa công bố bất kỳ phản ứng nào liên quan đến động thái áp giá trần dầu của các quốc gia phương Tây.
Theo Sputnik, hiện tại Nga có ba lựa chọn. Đầu tiên, Nga sẽ cấm hoàn toàn tất cả hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sang các quốc gia áp giá trần. Đây là lựa chọn từng được các quan chức cấp cao của Nga đề xuất khi phương Tây cân nhắc về việc áp giá trần.
Hai lựa chọn khác liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu dầu theo hợp đồng bao gồm điều khoản trần giá và thực hiện một mức giá biểu thị sẽ xác định mức chiết khấu tối đa đối với dầu thô của Nga.
Ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ
Một số chuyên gia đã suy đoán rằng mức giá trần thực sự có thể khiến Nga thực hiện cam kết không bán dầu cho các quốc gia áp đặt biện pháp này, thay vì mua với giá thị trường.
Viễn cảnh nước Nga, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, sẽ giảm sản lượng khai thác dầu để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể sẽ đẩy giá dầu tăng cao, đồng thời gây bất ổn trên thị trường dầu mỏ.
Ngân hàng Commerzbank của Đức đã gợi ý rằng giá dầu thô Brent có thể tăng lên 95 USD/thùng. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi Nhóm các nước xuất khẩu dầu và các đối tác (OPEC +) đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu với số lượng 2 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm sau.
Bên cạnh đó, quyết định của Mỹ và các đồng minh về việc áp đặt giá trần đối với dầu của Nga dường như mâu thuẫn với chính nguyên tắc của thị trường tự do - điều mà các quốc gia áp đặt giá trần yêu cầu tuân thủ.
Ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân
Giá dầu tăng cao có thể khiến các "ông trùm" xăng dầu vui mừng khi chứng kiến lợi nhuận tăng vọt nhưng nhiều người dân có thể phải đối mặt với tình cảnh khó khăn như hóa đơn năng lượng và giá tiêu dùng ngày càng tăng. Dầu đắt hơn đồng nghĩa với việc nhiên liệu đắt hơn, khi đó chi phí vận chuyển tăng cũng kéo theo sự gia tăng của giá cả hàng hóa. Nhiều người sống ở các quốc gia áp đặt trần giá dầu của Nga giờ đây có nguy cơ phải chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ.
Các hạn chế do Mỹ và các đồng minh áp đặt đối với nhập khẩu dầu của Nga trước khi có giá trần đã khiến giá nhiên liệu và năng lượng tăng vọt ở Mỹ và châu Âu hồi đầu năm nay.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí buộc phải khai thác kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của quốc gia này để cố gắng ổn định tình hình.
Việc biện pháp áp giá trần dầu có hoạt động giống như kế hoạch của các quốc gia phương Tây hay không sẽ được giải đáp trong thời gian tới, tuy nhiên nó dường như sẽ không giúp người dân cải thiện cuộc sống hàng ngày.
Bích Thảo (Theo Sputnik)