Hầu hết mọi người đều cho rằng hôn nhân là một phần tất yếu của cuộc sống, nhưng mục đích kết hôn không phải lúc nào cũng là vì tình yêu nên mới muốn cùng nhau xây dựng gia đình. Với chị Đào Thị Thái (sinh năm 1989, quê Hải Phòng, hiện đang định cư tại tỉnh Cheongsong-gun, tỉnh Kyungsangbuk-do, Hàn Quốc), mục đích kết hôn của ban đầu của chị là muốn giúp đỡ gia đình mình có cuộc sống tốt hơn.
Nhớ lại ký ức hơn chục năm về trước, chị Thái cho biết, năm 2 tuổi, chị mắc bạo bệnh khiến đôi mắt bị màng trắng đến mức không còn nhìn thấy. Nhờ cậu mợ ruột cho tiền chạy chữa, một mắt của chị nhìn lại bình thường, còn một bên mắt bị dại. Cùng năm đó, cha của chị đột ngột qua đời. Để có tiền cho con ăn học, mẹ của chị phải gian nan làm đủ nghề. Thế nhưng, Thái cũng chỉ có thể học đến lớp 9.
Chị Thái kết hôn với anh Cho Wang Sik. Ảnh: Vietnamnet.
“Hoàn cảnh khi ấy buộc tôi phải liều. Chị dâu tôi bị tai nạn giao thông mất năm 2005, khi ấy các cháu vẫn còn nhỏ lắm, anh trai chịu cảnh gà trống nuôi con vô cùng vất vả. Vì vậy lúc đó tôi nghĩ, nếu tôi sang được Hàn Quốc thì sẽ có cuộc sống tốt hơn, giúp đỡ được các cháu phần nào”, chị Thái chia sẻ trên Đời sống Gia đình.
Thời điểm đó, ở quê Thái có “mốt” lấy chồng ngoại quốc thông qua mai mối. Các cô dâu Việt phần lớn là những người tuổi đôi mươi, có gia cảnh khó khăn, ôm mộng lấy chồng nước ngoài để đổi đời. Còn các chú rể được mai mối hầu hết đều đã luống tuổi, thuộc dạng “ế có thâm niên”, hoặc có khiếm khuyết nào đó nên khó có thể tìm đối tượng kết hôn.
Biết vậy, nhưng vẫn trông đợi vào vận may, năm 2008, Thái đăng ký một chương trình mai mối. Thái được giới thiệu cho một anh nông dân lớn hơn mình 19 tuổi tên là Cho Wang Sik (sinh năm 1971). Tất cả thông tin cô biết về chồng tương lai, đó là “ông chú” ngót nghét 40 tuổi trước mặt mình có gương mặt hiền lành, nhà có vườn táo, đến từ tỉnh Gyeongsang Bắc.
“Tôi và chồng cách nhau 19 tuổi. Chúng tôi không có thời gian hẹn hò, tìm hiểu nhau, mà chỉ thông qua giới thiệu của những người mai mối. Khi nghe anh giới thiệu là nông dân, tôi nghĩ anh ấy có thể sẽ là người thật thà. Nhà anh có ruộng vườn, nếu chăm chỉ làm việc có thể sẽ có cuộc sống tương lai đảm bảo.
Khi nói chuyện, tôi cũng cảm thấy anh hiền lành, chân chất. Anh đã lớn tuổi nên sẽ có nhiều kinh nghiệm sống, tôi cảm thấy yên tâm khi ở bên cạnh anh, nên gật đầu đồng ý”, Thái kể lại.
Sau khi cả hai đồng ý đến với nhau, chị Thái và anh Wang Sik làm lễ đính hôn ở khách sạn, ngay vào đêm hai người gặp nhau lần đầu tiên. Bên ngoại, chị mời các bác các cô đại diện đến dự lễ đính hôn tại khách sạn. Trong buổi lễ đính hôn, quy định của công ty môi giới là chú rể phải trao tặng cho mẹ vợ là 2.000 USD (hơn 48 triệu đồng).
“Đêm hôm đó, tôi đã đánh cược với cuộc đời của mình, vì không ai biết được số phận sau khi sang Hàn Quốc sẽ như thế nào như. Nhưng từ đó đến nay đã 15 năm, tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định ngày hôm ấy. Thậm chí, tôi còn cảm thấy lựa chọn đó là sáng suốt vì tôi đã không gửi gắm nhầm người”, chị Thái khẳng định.
Năm 2009, 6 tháng sau khi học tiếng Hàn và chờ đợi hồ sơ hoàn thành, chị Thái đã được nhập cảnh vào Hàn Quốc. Lễ cưới khi ấy cũng được tổ chức rất đầy đủ, trọn vẹn.
Lễ cưới khi ấy cũng được tổ chức rất đầy đủ, trọn vẹn. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam
"Lễ cưới tổ chức ở gia đình với hơn 100 mâm cỗ, bố mẹ đẻ của mình không qua được. Gia đình chồng rất tâm lý, bố mẹ chồng mình mời người làm mối đại diện cho họ nhà gái. Bố mẹ chồng tổ chức tiệc cưới đầy đủ, mang lại cho mình cảm giác không lạc lõng, cô đơn. Trong tiệc cưới có 1-2 người chị Việt Nam, có cả hình thức tung hoa rất vui nên mình không cảm thấy thiếu thốn tình yêu nơi xa xứ", chị Thái tâm sự.
Khi biết vợ bị bệnh về mắt, anh cũng hết lòng chăm lo. Anh thuốc thang và đưa vợ đến bệnh viện kiểm tra. Tuy nhiên, con mắt bị hỏng chỉ có thể đeo kính áp tròng.
Thời gian đầu đặt chân đến Hàn Quốc, chị Thái không gặp nhiều trở ngại về ngôn ngữ vì đã học một lớp tiếng Hàn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chị được trung tâm hỗ trợ người nước ngoài của tỉnh Gyeongsang Bắc cho giáo viên đến tận nhà dạy tiếng Hàn. Khi vốn tiếng Hàn đã trôi chảy, chị Thái trò chuyện, chia sẻ được với chồng nhiều hơn. Chị còn tham gia nhiều cuộc thi hát tiếng Hàn và đạt được giải cao.
Năm 2015, chị Thái lập fanpage “Cô dâu Việt tại Hàn Quốc” để kết nối các phụ nữ lấy chồng ở Hàn Quốc, cũng như chia sẻ vui buồn trong tháng ngày sống tại xứ sở Kim chi. Hiện tại, trang fanpage của chị có đến hơn 350.000 lượt người theo dõi.
“Trong hộp thư của trang “Cô dâu Việt tại Hàn Quốc” có rất nhiều bạn đang sinh sống tại Hàn gửi câu hỏi về nhiều vấn đề, trong đó có những yêu cầu nhờ giúp đỡ… Tôi biết đến đâu, làm được gì thì đều nhiệt tình giúp đỡ họ”, chị Thái cho biết.
Chị từng hỗ trợ một trường hợp bị lừa đảo lấy lại tiền, quyên góp tiền mai táng một người đàn ông mất ở Hàn Quốc đưa về Việt Nam, nhiều cô dâu Việt liên hệ xin quần áo hoặc các vấn đề khác…., theo Vietnamnet.
Hai vợ chồng lúc đầu chưa có nhiều tình cảm, nhưng chồng vẫn chủ động lập một tài khoản riêng để gửi tiền về cho gia đình Thái, đưa thẻ cho vợ chủ động chi tiêu. Năm 2010, chị sinh cậu con trai đầu lòng. Sau đó 2 năm, chị sinh thêm bé trai thứ hai. Cả hai bé đều khỏe mạnh, đáng yêu và học giỏi.
Năm 2010, chị sinh cậu con trai đầu lòng. Sau đó 2 năm, chị sinh thêm bé trai thứ hai. Ảnh: Vietnamnet.
Dù chỉ đến với nhau thông qua mai mối nhưng sau khi kết hôn, chị Thái và chồng vẫn có được cuộc hôn nhân mặn nồng. Chồng chị không rượu bia. Anh hiền lành, nhường nhịn, dành cho tình yêu thương đặc biệt cho chị.
Sang tới đất Hàn, Thái mới biết anh chồng nông dân của mình không hề “bèo bọt”. Cô lập tức bị choáng ngợp, vì là nông dân, nhưng nhà chồng Thái ở Gyeongsang Bắc có rất nhiều ruộng đất, táo và ớt trồng bạt ngàn. Không chỉ vậy, quy mô nông nghiệp của nhà chồng cũng rất hoành tráng, đủ loại máy móc, tiện nghi.
Khác với hình dung của chị Thái, việc làm nông của nhà chồng cô không quá vất vả, dùng nhiều loại máy móc để thay thế sức người ở nhiều công đoạn. Cày bừa, cắt cỏ, bón phân, xịt thuốc, hái táo trên cao... đều bằng máy hết.
“Mỗi gia đình làm nghề nông ở đây đều đầu tư, sắm sửa từ 5 đến 10 máy móc nông nghiệp hiện đại. Con người chỉ làm việc vận hành và một số công đoạn cần bàn tay con người như thu hoạch trái, vặt tỉa lá… nên cũng không vất vả như mình tưởng tượng ban đầu”, chị Thái cho biết.
Sau 15 năm ở bên “ông chú” nông dân, Thái cũng chủ động vun vén cho công việc đồng áng. Ảnh: ĐS&PL.
Sau 15 năm ở bên “ông chú” nông dân, Thái cũng chủ động vun vén cho công việc đồng áng. Ngoài ruộng vườn được bố mẹ chồng cho, vợ chồng chị Thái sau đó đã cố gắng mua thêm đất. Diện tích canh tác cứ thế mà rộng thêm, đến nay đã rộng tới 42 triệu m2.
Không chỉ thế, nhà chị còn nuôi ong làm mật, có xưởng sản xuất nước ép táo, nước ép rau củ làm từ nông sản vườn nhà. Hiện chị Thái có hơn 125.000 người theo dõi trên mạng xã hội, nên “tiện thể” chị bán hàng online các mặt hàng nông sản, nhân sâm Hàn Quốc.
Chị Thái nói: “Hiện tại, tôi thấy rất mãn nguyện và may mắn khi được sống cùng một người chồng tốt, biết lo tương lai, có trách nhiệm với gia đình. Anh là bờ vai cho tôi tựa vào cả cuộc đời”.
Hiện chị Thái có hơn 125.000 người theo dõi trên mạng xã hội, nên “tiện thể” chị bán hàng online các mặt hàng nông sản, nhân sâm Hàn Quốc. Ảnh: ĐS&PL.
Chia sẻ về bí quyết giữ lửa hôn nhân của mình, cô dâu Việt nói: “Đến nay đã 15 năm trôi qua, tôi rất mãn nguyện với sự lựa chọn năm đó của mình và chưa bao giờ hối hận về quyết định đó. Tôi cảm thấy tổ ấm hiện tại là một nơi trú ngụ an toàn. Chồng là bờ vai cho tôi tựa vào cả cuộc đời này.
Nhưng tôi nghĩ, muốn hôn nhân hạnh phúc bền lâu thì cần phải có sự cố gắng từ cả hai vợ chồng. Với phụ nữ, theo tôi điều quan trọng nhất là phải nhìn được cuộc sống trong gia đình mình, thấu hiểu được đức tính của mỗi người để dung hòa cân bằng cuộc sống. Phải biết chấp nhận cuộc sống hiện tại và vun đắp để tổ ấm của mình càng ngày càng hạnh phúc và ấm áp, ngọt ngào hơn. Hiện tại với tôi mỗi ngày trôi qua là một ngày vui, tôi trân quý mỗi ngày. Đấy là những kỷ niệm đẹp nhất mà tôi đang muốn duy trì. Giờ sang năm mới, tôi chỉ mong gia đình mình vẫn mãi hạnh phúc như vậy là đủ rồi”.