Tình hình vận chuyển buôn bán hàng lậu hàng cấm trên tuyến biên giới Tây Nam đang diễn ra hết sức “nóng”. Các đầu nậu còn phù phép có hóa đơn, chứng từ cho hàng lậu để qua mặt cơ quan chức năng.
Nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc được gắn mác Việt Nam và đưa vào nội địa tiêu thụ. Ảnh minh họa: VOV |
Hàng cấm về phố
Có mặt tại khu vực biên giới ở một số khu vực vốn là điểm nóng về buôn lậu từ trước tới nay, như Tây Ninh, An Giang, Long An, PV báo ĐS&PL ghi nhận nhiều hoạt động của các đối tượng buôn lậu. Điển hình như tại một số cửa khẩu của tỉnh Long An, các đối tượng buôn lậu luôn sẵn sàng trực chiến để có thể đưa hàng tuồn vào nội địa Việt Nam.
Thông tin với PV, đại diện BĐBP tỉnh Long An cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều vụ việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Hàng hoá nhiều trong số này là các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu”.
Mới đây, ngày 4/8/2019, đội Kiểm soát Hải quan (cục Hải quan tỉnh Long An) đã phát hiện 1 xe tải cỡ lớn đang lưu thông từ hướng biên giới Vĩnh Hưng về nội địa Việt Nam (theo Quốc lộ 62). Tiến hành dừng xe để kiểm tra thì tài xế bất tuân và lực lượng kiểm soát đã truy đuổi đến tận TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh Tiền Giang, đội Kiểm soát đã ngăn chặn được phương tiện. Qua kiểm tra phát hiện chiếc xe tải này chở số lượng lớn máy lạnh, máy giặt, máy điều hòa và đồ gia dụng các loại đã qua sử dụng (thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu).
Tài xế xe tải Lê Duy Khang cho biết, chỉ là người chở thuê cho một chủ hàng tại TP.HCM nhưng không rõ địa chỉ. Hiện cục Hải quan Long An đang phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 12/4, cũng tại tỉnh Long An, trên tuyến Quốc lộ 62 (thuộc địa bàn xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa), lực lượng cảnh sát giao thông đã bắt giữ phương tiện vận chuyển 54 bộ máy điều hòa, 27 nồi cơm điện, 4 máy massage, 5 âm li... đều đã qua sử dụng.
Ngày 4/4, cũng trên tuyến Quốc lộ 62 (thuộc địa bàn xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa), lực lượng quản lý thị trường tỉnh Long An đã bắt giữ xe tải đang vận chuyển 230 cục nóng, 226 cục lạnh của máy điều hòa, gần 300 CPU máy tính, 5 ghế massage, 20 loa do nước ngoài sản xuất và đều đã qua sử dụng (thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu).
Thực tế, không chỉ tại Long An, một số địa phương khác cũng đang “nóng” về tình trạng vận chuyển hàng cấm. Mới đây, chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh cũng đã có văn bản thông báo tìm chủ sở hữu lô hàng là nồi cơm điện các loại đang gửi tại kho của công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn - Tây Nam. Lô hàng này có số lượng là 800 cái của công ty Nhuận Phát (có địa chỉ tại ấp Thuận Tây, xã Thuận Lợi, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh).
Trước đó, chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài đã nhiều lần gửi giấy mời công ty này đến để giải quyết hàng hóa nêu trên nhưng đại diện công ty không đến. Do đó Chi cục đã thông báo mời công ty Nhuận Phát đến để làm việc nhằm giải quyết dứt điểm số hàng nêu trên. Trong trường hợp đại diện công ty không đến làm việc Chi cục sẽ xử lý lô hàng theo quy định của pháp luật.
Hàng lậu có chứng từ
Ngoài mặt hàng là điện máy, điện lạnh, điện gia dụng thì “mặt hàng truyền thống” xưa nay ở khu vực biên giới Tây Nam là đường cát, thuốc lá lậu và ma tuý... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, các đối tượng này hàng ngày, hàng giờ, tìm đủ mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng và tổ chức vận chuyển hết sức tinh vi. Đặc biệt một khi thực hiện buôn bán, vận chuyển, các đối tượng đều có lực lượng cảnh giới tại các điểm chốt của lực lượng chức năng nhằm theo dõi rồi thông báo tình hình cho nhau.
Đại tá Lại Xuân Trường, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Bình, tỉnh An Giang cho biết: “Hiện nay tình hình buôn lậu hết sức phức tạp, ví như trước đây đường cát nhập lậu ở biên giới về, chủ hàng mới tìm cách đóng bao bì sản xuất trong nước hoặc bao bì không có nhãn mác”.
“Tuy nhiên gần đây, đường cát khi vào biên giới chủ hàng đã đóng nhãn mác, bao bì của các nhà máy đường sản xuất trong nước từ trước đó ở bên kia biên giới và có luôn hóa đơn, chứng từ nên lực lượng chức năng rất khó xử lý. Mặc dù biết đó là đường nhập lậu tuy nhiên không đủ chứng cứ để bắt giữ và xử lý”, Đại tá Trường cho biết thêm.
Chỉ riêng tại đồn cửa khẩu Long Bình, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện bắt giữ 38 vụ cùng 10 đối tượng, tạm giữ gần 45 tấn đường cát, gần 2.000 gói thuốc lá nhập lậu, hơn 50 tấn phế liệu. Hay như hồi cuối tháng 4/2019, lực lượng chức năng ập vào kho nông sản của bà Phạm Thị Ly (tổ 2, ấp An Khánh, xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang) với nhiều nghi vấn. Khi nhiều đối tượng đang bốc vác bao tải màu trắng từ vỏ lãi (một loại thuyền nhỏ, chạy bằng máy-PV) lên kho của cơ sở này, ngay khi lực lượng chức năng tiếp cận thì các đối tượng điều khiển phương tiện chạy sang bờ phía Campuchia để tẩu thoát.
Tiến hành kiểm tra kho nông sản của bà Ly, lực lượng chức năng phát hiện 130 bao đường cát (loại 50kg/bao) với tổng trọng lượng 6,5 tấn. Đáng chú ý, trên bao bì này có in hàng chữ: “Cơ sở chế biến kinh doanh đường cát Ngọc Bích có địa chỉ xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra không có người đứng ra nhận số hàng nêu trên. Nguyên nhân các vụ việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu được xác định là do một phần cư dân biên giới bị các đối tượng lợi dụng, lôi kéo để thuê mướn vận chuyển trái phép.
Ông Nguyễn Tấn Bửu, Phó Cục trưởng cục Hải quan An Giang cho biết: “Thời gian tới yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các loại phương tiện cá nhân, phương tiện vận chuyển hàng hóa, phương tiện vận chuyển hành khách qua lại biên giới, cửa khẩu. Hằng ngày, sử dụng chó nghiệp vụ và các trang thiết bị chuyên dùng vào công tác kiểm tra các phương tiện qua lại biên giới nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ các vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu”.
Đồng quan điểm, đại diện ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389 tỉnh Long An) cho hay: “Các đối tượng buôn lậu đã thuê người mang vác hàng hóa qua bên giới, sau đó sử dụng ô tô, xe tải để đưa hàng về các điểm để tiêu thụ. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là thuốc lá, đường cát, trong đó, thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ số lượng nhiều là hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng đã qua sử dụng”.
“Điều này cho thấy, mặt hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng đã qua sử dụng đang được các đối tượng buôn bán hàng cấm nhắm tới. Đây là loại mặt hàng mang lại lợi nhuận nên các đối tượng đang bất chấp để vận chuyển, buôn bán”, vị đại diện cho hay.
Hay như tại Tây Ninh, năm 2018, lực lượng hải quan Tây Ninh đã phát hiện, bắt giữ 267 vụ việc vi phạm, trị giá gần 30 tỷ đồng. Trong đó số vụ bắt giữ qua công tác kiểm soát chống buôn lậu là 93 vụ, trị giá trên 21 tỷ đồng. Trao đổi với PV, một lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cho rằng: “Thời gian qua, mặt hàng điện máy, điện lạnh, điện gia dụng đã qua sử dụng (thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu) bị lực lượng hải quan TP.HCM kiểm soát chặt chẽ và đã phát hiện nhiều vụ việc, bắt giữ nhiều đối tượng, hàng hóa liên quan nên có khả năng các đối tượng này chuyển về khu vực biên giới các tỉnh Tây Nam để hoạt động.
Do đó, cần phải có phương án để phối hợp nhịp nhàng, nhằm bịt đường đi của hàng cấm, tránh để Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp, tiêu thụ các sản phẩm không còn hiệu quả sử dụng, gây ô nhiễm môi trường”.
Bắt giữ 26kg ma tuý Chuyên án số ML119 do cục Điều tra chống buôn lậu (tổng cục Hải quan) xác lập ngày 8/3/2019 đã triệt phá lượng lớn ma tuý. Theo đó, vào lúc 16h ngày 13/4/2019, lực lượng phối hợp đã tiến hành bắt giữ 1 xe ô tô, cùng 2 đối tượng vận chuyển tại khu vực Bến đò Đồng Ky (xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang). Tang vật thu giữ tổng cộng 26kg ma túy các loại (gồm: 8,2kg ma túy tổng hợp và 17,8kg ma túy đá). |
Chí Thanh
Bài đăng trên báo Đời sống& Pháp luật giấy số 126