Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhức nhối nạn phù phép hàng lậu mùa cận Tết

(DS&PL) -

Các thương buôn thường đặt hàng từ Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia... theo yêu cầu với đủ chủng loại, màu sắc, kích cỡ, giá nào cũng có rồi tìm cách nhập về Việt Nam.

Các thương buôn thường đặt hàng từ Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia... theo yêu cầu với đủ chủng loại, màu sắc, kích cỡ, giá nào cũng có rồi tìm cách nhập về Việt Nam chuẩn bị cho dịp cuối năm. Hay cao siêu hơn, có những nơi còn gắn mác các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới để phân phối, bán lại kiếm lời.

Nhập hàng

Trong vai người đang đi tìm nguồn hàng thực phẩm cung ứng dịp Tết, PV báo Người Đưa Tin không khó để có thể tiếp cận được các đầu mối chuyên hàng lậu. “Sao biết được số điện thoại của tôi”, người tên Thắng ở quận Tân Bình, TP.HCM nói. Khi biết PV là người đang đi tìm nguồn hàng là các loại hạt bán Tết, Thắng cho biết: “Hiện nguồn cung các loại hạt thì nhiều lắm, nhưng anh lấy loại nào: Giá, kích thước hạt, loại 1, 2 hay 3…”.

Chưa đợi câu trả lời của PV, Thắng bồi tiếp: “Dù giá rẻ hay đắt thì hàng đều chuẩn, bề ngoài bóng đẹp, bắt mắt, hạt đều và to”. Theo đó, người này báo giá, hạt hướng dương khoảng 20.000 đồng/kg, thậm chí có loại còn rẻ hơn, chỉ khoảng 16.000 – 17.000 đồng/kg. Còn hạt dưa cũng chỉ 30.000 đồng/kg, hạt bí cũng có giá hơn 30.000 đồng/kg….

Tuy nhiên, trên thị trường, khảo sát nhanh của PV tại một số điểm đang cung ứng loại hàng này đang có giá từ 70.000 đến 120.000 đồng/kg, tuỳ loại. Còn hạt dưa cũng đang dao động từ 70.000 đến 300.000 đồng/kg, tuỳ loại. “Hàng này của Trung Quốc đưa về. Còn giá trên là giá dành cho các mối sỉ và giao hàng tận kho tại TP.HCM cho anh”, Thắng cho biết thêm.

Mặt hàng thời trang và phụ kiện cũng được xem là trọng điểm của tình trạng buôn lậu trong dịp này

Bên cạnh thực phẩm, hàng thời trang cũng được xem là “trọng điểm” trong mùa Tết. Ông Nguyễn Văn K., người từng kinh doanh mặt hàng này cho biết: “Hàng thời trang và phụ kiện giá rẻ, hàng trôi nổi trên thị trường có thương hiệu chỉ rất ít. Thường thì, các đầu mối nhập hàng của Trung Quốc, đưa về các chợ đầu mối, sau đó tiến hành “mông má” lại rồi phân phối cho các điểm bán lẻ. Hoặc các đối tượng này làm hàng giả, hàng giả ngay ở trong nước rồi tuồn ra thị trường”.

“Tại TP.HCM, hàng thường được tập trung đưa về chợ An Đông (quận 5) và chợ Tân Bình (quận Tân Bình), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… cùng một số kho, xưởng khác. Từ đây, hàng sẽ theo các thương lái về các chợ, trung tâm thương mại, các tỉnh thành… và cứ thế, hàng được phân phối lẻ đến tay người tiêu dùng, dù đã được đẩy lên cao nhưng vẫn có giá rất rẻ”, ông K. cho biết thêm.

Thực tế, dạo quanh các cửa hàng, shop thời trang cũng như các điểm bán nhỏ lẻ khác dọc đường Quang Trung, Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), Nơ Trang Long, Phan Đăng Lưu, chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ An Đông (quận 5), chợ Tân Bình (quận Tân Bình)… tại TP.HCM, dễ bắt gặp hàng gắn nhãn mác “hàng Việt Nam xuất khẩu”. Điều đáng nói, hàng này có khuyến mãi giảm giá rất lớn, thậm chí có nơi giảm giá đến 70%.

Liều như buôn hàng lậu

Những chiêu thức này không mới, bởi thời gian gần đây, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng và hàng hoá liên quan. Ngày 5/1/2019, lực lượng chức năng TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã kiểm tra chiếc xe thư báo mang biển kiểm soát 29C – 69519 do tài xế Lê Công Trình (25 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) điều khiển và phát hiện trên xe có chở nhiều sản phẩm là hàng lậu, hàng cấm.

Theo đó, kết quả kiểm tra cho thấy, các mặt hàng như: Quần áo, giày dép, mỹ phẩm… đều không có hoá đơn, chứng từ. Đặc biệt, đối tượng này còn vận chuyển pháo nổ, roi điện, cùng nhiều linh kiện lắp ráp súng hơi, cùng khoảng 1.000 viên đạn chì.

Khai báo với lực lượng kiểm tra, tài xế cho biết, xe thư báo là của một công ty giao hàng có trụ sở tại huyện Củ Chi (TP.HCM), Trình được lệnh đi giao cho khách ở các tỉnh, thành khác nhau ở khu vực Tây Nguyên. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

TS Nguyễn Trí Hải, trường đại học Kinh tế TP.HCM cho biết: “Ngoài ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ và tinh thần cho người sử dụng thì các loại hàng hoá này còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, vì không thể cạnh tranh.

Bởi, các đối tượng buôn gian bán lận chỉ cần mua giá rẻ từ đâu đó hoặc sử dụng một vài máy móc thô sơ nhưng có thể sản xuất hàng loạt trong khi đó, các doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền, công nghệ, nhân công, mặt bằng… rất tốn kém. Tình trạng này cũng đang góp phần giết chết các doanh nghiệp này. Từ đó suy ra, hàng giả, hàng nhái đang lũng đoạn, làm suy kiệt nền kinh tế”, chuyên gia này phân tích thêm.

Hàng lậu “đội lốt” được xe thư báo đi giao cho các tỉnh, thành để tung ra thị trường dịp cận Tết Nguyên đán.

Thông tin với PV, ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, thời trang… Lợi dụng vào tình hình nguồn cung hàng hóa nhiều, nhất là cung ứng cho các kho hàng, chợ truyền thống, điểm kinh doanh… nên các đối tượng buôn gian bán lận đã đẩy hàng hóa lậu, hàng giả, kém chất lượng…”.

Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Khi khai báo hải quan, các đối tượng thường khai sai tên hàng hóa nhập khẩu, trung chuyển (về số lượng, chủng loại, khai hàng hóa khác với hàng cấm…) để được ưu tiên đưa vào luồng xanh, tránh sự nghi ngờ của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn sử dụng doanh nghiệp “ma” hoặc các doanh nghiệp chuyên thực hiện buôn lậu, trốn thuế. Khi thực hiện hành vi buôn lậu xong thì tiến hành phá sản, tạm dừng hoạt động, không còn tại địa chỉ kinh doanh...”.

Để ngăn chặn tình trạng này, ông Bách cho biết: “Lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan sẽ tiến hành kiểm tra các điểm nóng, nhất là các chợ truyền thống, các bến bãi, kho hàng, trung tâm thương mại, siêu thị… nhằm có phương án xử lý. Đồng thời, sẽ tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng của các địa phương để truy xuất nguồn gốc hàng hóa”.

Theo Người đưa tin

Tin nổi bật