Các lô hàng này đều không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; hàng giả, hàng nhái được phát hiện, thu giữ trong đợt cao điểm chống gian lận thương mại dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết nguyên đán 2025.
Lô quần áo “fake” các thương hiệu nổi tiếng được cắt hỏng và mang đi tiêu hủy theo quy định.
Các hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy gồm: 115 sản phẩm phụ tùng xe máy các loại giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamaha; 4 đôi giày thể thao, 6 bộ quần áo, 15 cái quần, 11 mũ lưỡi trai, 70 đôi tất giả mạo các nhãn hiệu Adidas, NIKE và 95 kg thực phẩm bao gói sẵn các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Các phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu bị đập hỏng trước khi tiêu hủy theo quy định.
Được biết, từ ngày 15/12/2024 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 65,5 triệu đồng; số hàng hóa buộc tiêu hủy trị giá gần 31,9 triệu đồng.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, trong năm 2024 lực lượng QLTT cả nước đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ buôn lậu, hang giả, gian lận thương mại (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023).
Thu nộp ngân sách nhà nước trên 541 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2023), trong đó, trị giá hàng hóa tịch thu 220 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là 205 tỷ đồng.