Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lai Châu: Thấy gì từ công tác mua sắm công tại Phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ?

(DS&PL) -

Những năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ tiêu tốn hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách vào việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị dạy học, trong đó một số gói thầu có dấu hiệu sản phẩm đội giá cao gấp 3 - 5 lần so với thị trường và nhập khẩu.

1 mã máy chiếu chênh lệch 1,1 tỷ đồng?

Đầu tư cho GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, được coi là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Vì vậy, lĩnh vực này cần phải được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước, đảm bảo nhu cầu tối thiểu để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; xây dựng và đổi mới chương trình giáo dục; hỗ trợ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…

Tuy nhiên, thực tế việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công tại môt số đơn vị trong ngành giáo dục đang còn bất cập, điển hình như vụ thông thầu tại sở GD&ĐT Quảng Ninh gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng do cựu Giám đốc Vũ Liên Oanh cùng 2 cấp dưới thực hiện. Hay vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" tại Sở GD&ĐT Hà Tĩnh vừa bị khởi tố hồi tháng 2/2023 vừa qua.

Trước thực trạng đó, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã triển khai chuyên đề nghiên cứu tìm hiểu công tác đấu thầu tại nhiều địa phương trên cả nước. Qua đó, để đóng góp những thông tin hữu ích, giúp các cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công. Đơn cử như tại phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ, Lai Châu.

Theo đó, ngày 09/12/2021, ông Phạm Văn Phôi - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ đã ký Quyết định số 288/QĐ-PGDĐT phê duyệt cho trung tâm Dịch vụ tổng hợp Hòa Thắng (phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) trúng gói thầu: Mua sắm trang thiết bị dạy học năm 2021 với giá 10.507.457.500 đồng (Mười tỷ, năm trăm linh bảy triệu, bốn trăm năm bảy nghìn, năm trăm đồng). 

Ông Phạm Văn Phôi đã ký Quyết định số 288/QĐ-PGDĐT.

Nghiên cứu ngẫu nhiên 59/314 sản phẩm trong gói thầu, PV nhận thấy mức giá chủ đầu tư phê duyệt cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu và thị trường.

Đơn cử, máy chiếu (Ký mã hiệu: P132; Hãng sx: INFOCUS/Trung Quốc) được nhiều đơn vị nhập khẩu về Việt Nam dao động từ 10,5 đến 17 triệu đồng (giá đã bao gồm 25% thuế VAT và nhập khẩu), nhưng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ phê duyệt tới 42.900.000 đồng. Khi so sánh với số lượng 36 cái mà chủ đầu tư cần mua, tổng chênh lệch giá gói thầu cao hơn 1,1 tỷ đồng.

Mô hình giải phẫu cơ quan nội tạng (bán thân) (Ký mã hiệu: ZZ201, Henan Zhizao Teaching instrument Co.,Ltd; Xuất xứ: Trung Quốc) có giá nhập khẩu 1.246.897 đồng (đã bao gồm 15% thuế VAT và nhập khẩu), còn trung tâm Dịch vụ tổng hợp Hòa Thắng trúng thầu với giá 6.299.000 đồng – cao gấp 5 lần.

Tổng số tiền chênh lệch của 5 sản phẩm dao động từ 1,1 - 1,3 tỷ đồng (sản phẩm nhập khẩu đã tính thuế).

Bên cạnh các mặt hàng nhập khẩu, PV cũng tham khảo từ thị trường và được biết, bộ vật liệu cơ khí có cùng yêu cầu kỹ thuật như chủ đầu tư đưa ra tại chương V- E-HSMT, đơn vị cung cấp báo giá 1.972.100 đồng, trong trung tâm Hòa Thắng chào thầu gấp hơn 3 lần (6.200.000 đồng). Khi phê duyệt mua sắm 26 bộ, phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ có thể phải mua giá cao hơn gần 110 triệu đồng.

Bộ vật liệu cơ khí có cùng yêu cầu kỹ thuật như chủ đầu tư đưa ra tại chương V- E-HSMT được đơn vị cung cấp báo giá 1.972.100 đồng.

Tương tự, giá vẽ (3 chân hoặc chữ A) cũng được phòng Giáo dục Sìn Hồ duyệt chi gấp 3 lần giá thị trường (617.000 đồng so với 194.250 đồng).

Một phần bảng so sánh giá do PV thực hiện, tổng số tiền chênh lệch so với giá thị trường của 54 sản phẩm lên tới hơn 2,1 tỷ đồng.

Trên thực tế, nhiều sản phẩm phổ thông dù có cùng thông số, chất lượng, yêu cầu kỹ thuật như nhau nhưng có thể chênh giá tùy thuộc vào thương hiệu và nhà sản xuất. Thêm nữa, khi đưa sản phẩm đến chủ đầu tư thì nhà thầu sẽ phải “gánh” thêm một số khoản phụ phí và bài toán lợi nhuận.

Thế nhưng, nếu tham khảo mức giá như PV khảo sát và tìm hiểu thì phòng Giáo dục Sìn Hồ đã có thể tiết kiệm cho ngân sách tới 3,4 tỷ đồng ở riêng gói thầu này. Điều đó cũng có nghĩa là trách nhiệm tiết giảm ngân sách của chủ đầu tư được nâng cao, hiệu quả.

Để rộng đường dư luận, trên tinh thần trao đổi thông tin thiết thực về giá trị hàng hóa, giúp công tác đấu thầu tại phòng Giáo dục huyện Sìn Hồ đạt hiệu quả hơn, PV đã liên hệ với đơn vị này nhưng không nhận được phản hồi.

“Cần xem lại khâu thẩm định giá”

Theo luật sư Lê Cao, hiện tại, pháp luật đã có quy định rất chặt chẽ về đấu thầu, luật về giá, thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị trúng thầu, năng lực nhà thầu và đặc biệt về giá đấu thầu.

Giá gói thầu được xác định là giá trị của gói thầu đã được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư theo quy định tại khoản 16, Điều 1, luật Đấu thầu 2013. Việc tính giá thầu được xác định trên quy trình chặt chẽ, rõ ràng và được thẩm định bởi đơn vị thẩm định giá tài sản.

Do đó, luật sư Cao cho rằng, trường hợp nếu xác định giá đấu thầu cao hơn thực tế thì cần xem xét lại đơn vị thẩm định giá có đúng hay không? Việc thẩm định giá cũng cần có tài liệu so sánh, đánh giá như giá các gói thầu tương tự, giá các đơn vị cung cấp, giá thị trường…

Nếu có căn cứ cho rằng, giá đấu thầu cao hơn thực tế, trong trường hợp này cần mời bên kiểm toán, đơn vị thẩm định giá khác thẩm định lại để đảm bảo tính khách quan. Theo quy định, nếu hành vi xác định giá thầu quá cao so với giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017).

Lê Vân

Tin nổi bật