(ĐSPL) – Các nhà thiên văn học vừa phát hiện ra một hành tinh khổng lồ có tới 4 Mặt Trời và cách Trái Đất 125 năm ánh sáng.
Theo tin tức trên Los Angeles Times, hành tinh này có kích thước lớn gấp 10 lần sao Mộc nhưng không hề có bề mặt cho phép tàu vũ trụ hạ cánh.
Được biết, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra hành tinh này có tên gọi 30 Ari nhiều năm trước. Tuy nhiên, mãi đến gần đây, nhờ ứng dụng hệ thống quan sát Robo-AO, kính thiên văn từ Đài Thiên văn Palomar, San Diego, Califorlia, Mỹ các chuyên gia đã phát hiện ra hành tinh mới này được chiếu sáng bởi 4 Mặt trời.
Sơ đồ hệ thống 30 Ari gồm 1 hành tinh và 4 Mặt Trời. (Ảnh NASA). |
30 Ari là một hệ thống gồm 4 sao và một hành tinh cách Trái Đất khoảng 136 năm ánh sáng và khoảng cách từ hành tinh chính tới địa cầu là 125 năm ánh sáng. Thời gian ước tính để hành tinh chính hoàn thành một vòng quay xung quanh 30 Ari B là 355 ngày.
Ngoài ra, khoảng cách từ hành tinh này tới Mặt trời gần nhất (gọi là sao 30 Ari B) cũng gấp gần 30 lần quãng đường từ Trái đất tới Mặt trời (gần 4,48 tỷ km).
30 Ari trở thành hệ thống hành tinh với 4 Mặt trời thứ hai từng được phát hiện trong vũ trụ. Hành tinh đầu tiên sở hữu tính chất tương tự là KIC 4862625, được phát hiện vào năm 2012.