(ĐSPL) - Áp-xe cổ khiến anh T. đau đớn, phải nhập viện trong tình trạng suy kiệt. Từ vị trí cổ, áp-xe âm thầm di chuyển xuống dưới rồi lan ra mọc những ổ dịch khắp vùng bụng nguy cơ mất mạng bất kỳ lúc nào.
Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc đó, các bác sỹ đã cùng bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật và điều trị hai tháng liên tiếp để cứu một mạng người. Nhờ thế mà anh đã thoát chết. Còn đối với ông C., đến giờ ông vẫn chưa hết ám ảnh mùi vị thuốc lá đã làm cho ông suýt mất mạng…
Suýt chầu tiên tổ vì một cái mụn ở cổ
Nhắc đến anh Hà Văn T. (37 tuổi, ngụ phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM), hầu hết các bác sỹ khoa Nội (bệnh viện Nhân dân Gia Định) đều không thể quên. Bởi, anh là trường hợp mắc bệnh áp-xe đặc biệt nguy hiểm nhất, mà bệnh viện vừa cứu chữa thành công.
Sau khi liên hệ với ban giám đốc bệnh viện, chiều 22/9, chúng tôi được bác sỹ Hồ Văn Hân (Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp) dẫn đi gặp anh T., thời điểm này gia đình anh đang chuẩn bị làm thủ tục xuất viện. Nhìn dáng vẻ ốm yếu, gầy gò của người đàn ông sắp bước vào tuổi trung niên này, chúng tôi không thể ngờ anh vừa trải qua 60 ngày chống chọi với căn bệnh áp-xe quái ác.
Bác sỹ Hồ Văn Hân cung cấp thông tin cho PV. |
Trao đổi với chúng tôi, anh T. bộc bạch: “Khoảng đầu năm 2015, tôi bị đau ngứa ở cổ, soi gương thì thấy có nổi mụn nhọt to, ửng đỏ. Tôi có mua thuốc uống và sát trùng vùng cổ, nhưng vẫn không khỏi. Tình trạng diễn biến xấu hơn khi ngay vị trí mụn nhọt chảy mủ sưng tấy. Vết thương làm tôi đau đớn, ăn ngủ không yên.
Ngày 21/7, tôi bị sốt cao, nên gia đình chuyển đến bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu. Lúc nhập viện tôi cảm thấy suy kiệt vô cùng, nửa mê, nửa tỉnh. Sau khi khám sàng lọc, các bác sỹ chẩn đoán tôi bị áp-xe. Đối với trường hợp của tôi, các bác sỹ cho biết, ban đầu áp-xe trải dài từ khoang hầu bên trái (vùng hầu miệng ở phía thực quản-PV) xuống trung thất sau, qua lỗ thực quản vào trong ổ bụng.
Nghe người nhà tôi nói, sau khi dùng máy kiểm tra, các bác sỹ thấy có dịch tự do trong ổ bụng với lượng ít, trong đó dịch quanh dạ dày có lẫn cả khí bên trong. Ngày 23/7, các bác sỹ tiến hành mổ cấp cứu thoát dịch ở cổ - trung thất. Sau hơn 2 giờ mổ, các bác sỹ đã làm thoát được mủ ở cổ và trung thất trên, đồng thời dẫn lưu bằng hai ống”, anh T. chậm rãi tường thuật lại.
Theo bác sỹ Hân, sau khi mổ được năm ngày thì anh T. tỉnh táo, nhưng vẫn còn sốt 39-400C. Xem xét thấy bệnh nhân có giọng biến đổi, khi uống nước thì bị chảy ra ở cổ, các bác sỹ chẩn đoán anh T. đã bị tổn thương thần kinh hồi thanh quản. Với những biểu hiện trên, các bác sỹ quan ngại, ổ áp xe vẫn chưa thoát hẳn.
Ngay trong ngày, các bác sỹ tiến hành kiểm tra áp-xe ở cổ và trung thất trên, thì thấy đã sạch mủ nhiều. Tuy nhiên, xuất hiện thêm các ổ tụ dịch khu trú trong ổ bụng phía trước gan, quanh lách, quanh gan, sau dạ dày. Các bác sỹ kết luận, nhiều ổ tụ dịch, ổ bụng cho thấy áp-xe cổ đã có hướng di chuyển xuống dưới, qua lỗ cơ hoành vào bụng.
Các bác sỹ bệnh viện Nhân dân Gia Định đang điều trị cho anh T. (ảnh: Bệnh viện Nhân dân Gia Định cung cấp). |
“Chiều 27/7, các bác sỹ tiến hành mở ổ bụng thám sát, dẫn lưu ổ bụng bằng sáu ống dưới hoành phải và trái, hố lách, hậu cung mạc nối phải, hố chậu trái. Trong suốt thời gian này, bệnh nhân được nuôi ăn bằng ống”. Được biết, trong suốt quá trình cứu chữa bệnh nhân ròng rã hai tháng trời, nếu chỉ bất cẩn, hay không kịp thời, bệnh nhân có thể biến chứng mà mất mạng. Tuy nhiên, bằng mọi nỗ lực của lực lượng y bác sỹ, bệnh nhân đã được cứu sống kỳ diệu.
Lão nông U70 đi chăm người nhà thoát chết kỳ diệu
Mỗi năm đều có rất nhiều người chết do hệ lụy của việc hút thuốc lá. Trên thực tế tại TP.HCM nhiều bệnh viện như bệnh viện Ung Bướu, bệnh viện Nhân dân Gia Định mỗi năm đều tiếp nhận rất nhiều ca bệnh do hút thuốc lá mà ra. Trong rất nhiều ca bệnh tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, chúng tôi đặc biệt chú ý đến trường hợp của ông Nguyễn Kim C. (SN 1949, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh).
Trao đổi với chúng tôi, ông C. cho biết: “Trước đây sức khỏe tôi bình thường, không bệnh tật gì đáng kể. Thậm chí tôi còn làm lụng bình thường, chứ không yếu như những người khác. Sáng 19/7, tôi có chăm người nhà tại bệnh viện Đa khoa Thủ Đức. Sáng sớm hôm đó tôi còn đi mua đồ ăn thức uống bình thường, đến khoảng 8h sáng thì đột nhiên thấy khó thở, đau ở ngực, người tôi cứng đơ lại, tím tái mặt mày rồi ngất xỉu luôn”.
“Sau này các bác sỹ nói với tôi rằng, lúc đó tôi đã ngưng tim, ngưng thở. Rồi các bác sỹ tại bệnh viện Đa khoa Thủ Đức lập tức cấp cứu cho tôi. Sau khoảng 30 phút thì tôi có mạch đập trở lại. Ngay lập tức bệnh viện Đa khoa Thủ Đức chuyển tôi đến bệnh viện Nhân dân Gia Định để điều trị. Người nhà bảo tôi được chuyển tới phòng DSA (phòng chụp bằng kỹ thuật DSA) của bệnh viện này, nhằm giảm tải cho các bệnh viện khác như bệnh viện Chợ Rẫy, viện Tim TP.HCM” – ông C. bồi hồi kể lại.
Bác sỹ Hồ Văn Hân cho biết: “Lúc bệnh nhân C. được chuyển tới phòng cấp cứu của bệnh viện, thì bệnh nhân đang trong tình trạng mê, mạch đập 100 lần/phút, huyết áp 110/80. Tại đây, đội ngũ bác sỹ đã bóp bóng giúp bệnh nhân thở qua nội khí quản. Lúc này bệnh nhân được chẩn đoán xác định là nhồi máu cơ tim.
Các bác sỹ đã can thiệp mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân. Kết quả chụp mạch vành cho thấy tắc hoàn toàn nhánh động mạch vành lớn nhất. Bệnh nhân đã được đặt thành công 2 stent để tái thông mạch máu tim. Sau đó bệnh nhân tỉnh lại, tình trạng sức khỏe cải thiện dần và được cho xuất viện ngày 28/7/2015 sau 10 ngày điều trị. Hiện, bệnh nhân vẫn đang tái khám tại bệnh viện”.
Trao đổi với chúng tôi sau lần thoát chết hi hữu, ông C. cho biết: “Tôi tưởng đã chết sau lần ấy, thực sự không nghĩ lại may mắn đến vậy. Đây đúng là một điều thần kỳ đối với tôi. Ở nông thôn, những người ở lứa tuổi của tôi hầu như ai cũng hút thuốc. Riêng tôi, hơn 20 năm qua liên tục hút thuốc, mỗi ngày hút từ 10 điếu trở lên. Khi ngã bệnh, các bác sỹ bảo, nguyên nhân tắc động mạch vành của tôi là do hút thuốc, tôi mới thấy thuốc lá độc đến cỡ nào. Bây giờ tôi không dám hút nữa, tôi cũng khuyên những người đang hút thuốc nên bỏ và hãy lấy tôi làm gương”.
Phó giáo sư, bác sỹ Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc bệnh viện Nhân dân Gia Định:
Nguy cơ tử vong cao Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Phó giáo sư, bác sỹ Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ: “Trong sáu năm trở lại đây, bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận và điều trị khoảng 2.500 ca mắc bệnh mạch vành. Nguyên nhân dẫn đến bệnh này là do xơ vữa động mạch. Lớp nội mạch có thể bị phá huỷ do một số tác nhân như cao huyết áp, hút thuốc lá và mỡ máu cao. Trong đó, các chất độc có trong thuốc lá là tác nhân chủ yếu. Do vậy, hút thuốc là nguy cơ cao gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và tăng cholesterol máu. Những người hút thuốc sẽ có nguy cơ mắc bệnh mạch vành gấp 2-4 lần và tử vong nhiều hơn khoảng 70\% do bệnh này”. |
HOÀNG MINH - HẢI ĐĂNG
Xem thêm video:
[mecloud]tqXZHtNZyL[/mecloud]