Trong nhiều chuyến thăm tới các nhà máy bán dẫn và sản xuất xe điện (EV), Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng kỳ vọng về một nền kinh tế đi đầu trong quá trình chuyển đổi công nghiệp.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và giới chuyên gia lại dự đoán nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ đối mặt với giai đoạn khó khăn.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Herten, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Kinh tế đối mặt với thách thức
Sau khi rơi vào suy thoái vào đầu năm, kinh tế Đức có thể sẽ tụt lại phía sau so với các đối thủ cạnh tranh trong Khu vực đồng euro (Eurozone) vào cuối năm nay.
Hiện chỉ có Chính phủ Đức dự đoán GDP của nước này sẽ tăng trưởng trong năm nay, trong khi các viện kinh tế lớn và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang dự báo về mức giảm từ 0,2-0,4% của nền kinh tế này.
Đà tăng của lạm phát và lãi suất cùng với quá trình phục hồi chậm lại của Trung Quốc (thị trường xuất khẩu chính của Đức) và sự gia tăng chi phí năng lượng đều đang đè nặng lên hoạt động của nền kinh tế lớn nhất Lục địa Già.
Ông Siegfried Russwurm, người đứng đầu nhóm vận động hành lang BDI, cho rằng kinh tế Đức đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức ngày càng lớn.
Tại hội nghị thường niên của BDI, ông Russwurm cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả các công ty vừa và nhỏ, đang nỗ lực chuyển một phần hoạt động của họ ra khỏi nước Đức.
Trên báo chí, nhiều bài viết đề cập đến nguy cơ kinh tế Đức trở lại thời kỳ trước năm 2000 khi nước này phải vật lộn để cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao.
Bên cạnh đó, kinh tế Đức cũng chịu ảnh hưởng khi những yếu kém về cơ cấu đang cản trở hoạt động kinh tế: bộ máy hành chính thiếu hiệu quả, mức độ số hóa thấp và tình trạng già hóa dân số có thể dẫn đến nguy cơ thiếu lao động. Theo ông Wollmershaeuser, nếu dân số giảm, GDP cũng sẽ không tăng.
Nghi ngại của giới chuyên gia
Sau khi nhậm chức vào cuối năm 2021, Thủ tướng Scholz đã chỉ ra một kỷ nguyên kinh tế khác cho nước Đức. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Đức vào tháng Ba, ông Scholz cho biết nỗ lực đạt được tình trạng trung hòa về khí hậu vào năm 2045 sẽ mang lại mức tăng trưởng như những năm 1950 và 1960, thời kỳ phát triển mạnh mẽ của kinh tế Đức trong giai đoạn hậu chiến.
Theo ông Scholz, khoản chi tiêu quy mô lớn là cần thiết để lắp đặt tua-bin gió mới, chế tạo xe điện, sản xuất thép ít gây ô nhiễm hơn. Điều này sẽ tạo ra một vòng tròn kinh tế tốt. Tuy nhiên, tầm nhìn về một thời kỳ hoàng kim kinh tế mới nhờ chuyển đổi sang năng lượng xanh khiến một số chuyên gia hoài nghi.
Ông Russwurm lưu ý việc chuyển đổi trước hết sẽ chứng kiến hàng tỷ euro đổ vào việc thay thế công nghệ nhiên liệu hóa thạch hiện có bằng các công nghệ tái tạo với chi phí tăng cao đáng kể. Điều này sẽ không tạo ra tăng trưởng kinh tế bổ sung trong ngắn hạn.
Ông Timo Wollmershaeuser thuộc Viện Ifo nhận định Đức sẽ chỉ gặt hái thành quả từ khoản đầu tư trên trong tương lai xa, khi quản lý hiệu quả việc giảm phát thải.
Các viện kinh tế lớn của Đức dự đoán kinh tế Đức sẽ tăng trưởng dưới 1% trong vài năm tới. Ông Marcel Fratzscher, người đứng đầu tổ chức tư vấn DIW, dự kiến trong thập kỷ này, kinh tế Đức có thể tăng trưởng yếu hơn đáng kể so với những năm 2010, giai đoạn thịnh vượng của nước này.
Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động chế tạo, Đức dường như phải chịu chi phí năng lượng tăng cao sau xung đột Nga-Ukraine mặc dù chi phí này đã giảm so với mức đỉnh ban đầu. Nga từ lâu đã là quốc gia cung cấp khí đốt chính cho Đức, với khối lượng lớn và giá tương đối thấp cho các tập đoàn công nghiệp lớn nhất của nước này.
Bà Ingeborg Neumann, người đứng đầu hiệp hội dệt may Đức, cho rằng trước chi phí năng lượng cao, tình trạng thiếu lao động, thủ tục hành chính cồng kềnh, hoạt động sản xuất tại Đức đã trở nên không còn hấp dẫn nữa.
Theo Vietnam+