Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kiên Giang: Ngành Giáo dục và Đào tạo quyết tâm triển khai có hiệu quả việc đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu phát triển 

(DS&PL) -

Triển khai thực hiện việc đổi mới căn bản Toàn diện giáo dục và đào tạo, năm học 2020- 2021 toàn tỉnh Kiên Giang có 293/619 cơ sở giáo dục công lập với 10.151 phòng học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 47,33% (vượt 0,33% so với chỉ tiêu); trong đó có 643  trường học với 21.911 cán bộ, giáo viên và nhân viên. So với cùng kỳ năm học 2019-2020, giảm 12 trường; 293 lớp, do sắp xếp lại theo hướng tăng quy mô, giảm điểm lẻ. Đồng thời, so với cùng kỳ giảm 446 người trong đó có 50 CBQL, 221 giáo viên và 175 nhân viên. Ngoài ra, còn có 12 Trung tâm GDNN-GDTX không thuộc Sở GDĐT quản lý và hàng trăm nhóm trẻ gia đình.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trước thềm năm học 2021- 2022, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang đã có những giải pháp ứng phó như thế nào trước khó khăn thách thức của tình hình dịch bệnh? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Bảo - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo ngắn xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, nét nổi bật nào của năm học 2020 - 2021 tạo động lực cho năm học 2021 – 2022  trong  chỉ thực hiện chỉ đạo đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo? 

Ông Trần Quang Bảo: Thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 08-3-2016 của Tỉnh ủy Kiên Giang thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án “nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo tỉnh Kiên Giang đến năm 2020”. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, Sở đã triển khai thực hiện trong toàn Ngành Giáo dục và Đào tạo đạt được một số kết quả khả quan, một số chỉ tiêu của đề án thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán, chuyên sâu để phục vụ cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (vượt 369,6%); công tác tinh giản biên chế (vượt 0,8%); công tác phát triển đảng viên trong trường học vượt 13,64%. Theo đó chất lượng giáo dục cũng được khẳng định qua các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thuộc nhiều ngành học, đáng chú ý trong đó kỳ thi cấp quốc gia về lĩnh vực khoa học kỹ thuật đạt 01 giải ba ( với 11 giải, tăng 8 giải so với năm học trước), chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục tăng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,61% tăng 0,21% so với năm trước. 

PV: Theo ông những vấn đề gì mà ngành giáo dục tỉnh cảm thấy chưa đạt theo yêu cầu đề ra và còn tạo sự băn khoăn lo lắng, thậm chí bức xúc của người dân?

Ông Trần Quang Bảo: Công tác đào tạo lại giáo viên và đào tạo nâng chuẩn, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về giáo dục cho cán bộ quản lý các đơn vị; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, sự thừa thiếu giáo viên cũng làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục (thừa giáo viên Văn, Sử, Địa nhưng thiếu giáo viên Toán, Lý, Hóa), không thể lấy giáo viên thừa khối xã hội qua dạy khối tự nhiên được, cũng không lấy giáo viên thừa xuống dạy mầm non được, cũng không cho giáo viên nghỉ việc ngay trong 1 vài năm được. Việc lùi thời gian thực học chậm hơn 2 tuần so với khung thời gian năm học, ít nhiều ảnh hưởng thời gian hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học,  tâm lý lo lắng của người dân về tính an tòan  khi cho con em đến trường học…

PV: Để khắc phục những khó khăn về đội ngũ giáo viên và tâm lý lo lắng của người dân về chất lượng dạy và học, ngành giáo dục đã có những giải pháp gì trong năm học 2021 -2022?

Ông Trần Quang Bảo: Thời gian tới ngành giáo dục và đào tạo tỉnh  tiếp tục triển khai thực hiện đề án xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 theo Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 15-4-2021 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 105/UBND ngày 07/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, tham mưu UBND tỉnh kế hoạch nâng trình độ chuẩn đào tạo  cho giáo viên các cấp học; xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 đạt mục tiêu đề ra với quyết tâm chỉ đạo có hiệu quả tích cực hơn công tác đổi mới sáng tạo trong quản lý giảng dạy và học tập của học sinh, thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm lấy nêu gương của cán bộ quản lý các cấp làm cơ sở để tiến tới thực hiện mạng lưới giáo dục theo phương thức quản trị nhà trường.

PV: Ông có đánh giá gì đối với việc triển khai thực hiện đổi mới quản lý giáo dục giảng dạy và học tập trên địa bàn tỉnh trong năm học vừa qua, nhất là đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục các cấp?

Ông Trần Quang Bảo: Qua đánh giá kết quả chỉ đạo thí điểm đổi mới sáng tạo trong quản lý giảng dạy và học tập năm học 2020- 2021 của ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang cho thấy hiệu quả mang lại khá cao, bước đầu tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ quản lý, đội ngũ giáo viên và nhân dân. Trước hết, nó giúp cho việc tuyển chọn sử dụng đội ngũ quản lý giáo dục trong Nhà trường một cách bài bản chuyên nghiệp hơn, từ đó phát huy được năng lực trí tuệ của đội ngũ quản lý thúc đẩy đội ngũ này bộc lộ thực tâm, thực tài cống hiến lâu dài cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Đồng thời tạo được sự chủ động cao trong tìm tòi sáng tạo với quyết tâm cao, tận lực, tự tin vì sự nghiệp, tự nhận thấy trách nhiệm đầy đủ hơn về vai trò trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp chung và trách nhiệm của bản thân đối với sự phát triển của đơn vị ở địa phương, qua đó tạo được sự gắn bó với người dân để cùng có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục ở địa phương.

Đáng chú ý trong quá trình thực hiện đổi mới trong quản lý giáo dục nhiều cơ sở giáo dục các cấp đã thực hiện rất tốt việc công khai minh bạch trong mọi hoạt động  quản lý điều hành cũng như trong hoạt động giảng dạy và học tập nên nhận được sự  góp ý chân thành từ phía giáo viên và của tất cả những người dân với tư cách là người hỗ trợ, bảo trợ cho giáo dục ở mọi địa phương.

Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt một trong những điểm sáng trong thực hiện đổi mới về quản lý giảng dạy và học tập của tỉnh Kiên Giang (ảnh tư liệu )

Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cũng đặt ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi cán bộ quản lý giáo viên cần phải đổi mới tư duy, cơ chế và phương thức quản lý, phương thức giảng dạy, nếu không thực hiện điều đó, nhà trường sẽ trì trệ, tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì vậy người đứng đầu cơ sở giáo dục phải có năng lực quản trị thực sự, phải là người có tầm nhìn, xác định được chiến lược phát triển nhà trường; đưa mọi hoạt động của nhà trường đi vào kỉ cương, nền nếp, ổn định, đổi mới, sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài ở từng địa phương.

Để đạt được mục tiêu mong muốn đề ra, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cần phải quyết tâm hơn nữa trong thực hiện xây dựng đội ngũ quản lý giáo dục đào tạo các cấp đi vào chiều sâu, thực sự có năng lực tự chủ, năng động, sáng tạo, dám dấn thân, chấp nhận thử thách, biết hợp tác, biết chia sẻ, thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, trong đó tập trung xây dựng Người hiệu trưởng có tầm nhìn chiến lược.

Có ý thức học hỏi và thích ứng với các xu hướng đổi mới gắn với nâng cao phẩm chất lãnh đạo; có ý thức trách nhiệm về những thành công và thất bại; tìm ra cách thức mới để cải thiện môi trường dạy học, nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục. Thực sự biết lắng nghe, đề cao dân chủ, đồng thời phải có thái độ công bằng nhưng nhất quán; là người đáng tin cậy trong tiếp cận, xử lý các tình huống nảy sinh trong công tác quản lý, có năng lực cụ thể hóa các mục tiêu đổi mới sao cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, khả năng tiếp thu của học sinh. 

Trong đó chú trọng chỉ đạo thực hiện phương pháp giảng dạy theo định hướng giáo dục STEM trong thực hiện chương trình giáo dục, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh khối trung học gắn với tổ chức thường xuyên các cuộc thi KHKT nhằm khơi dậy tiềm năng khát vọng cho học sinh ngay từ khi còn ở bậc học phổ thông.

PV: Xin ông cho biết tình hình chuẩn bị cho năm học 2021- 2022 đến nay có những thuận lợi khó khăn gì? 

Ông Trần Quang Bảo: Chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, ngành giáo dục và đào tạo Kiên Giang có 10.151 phòng học, 2.894 phòng học bộ môn. Trong đó số phòng phục vụ cho giảng dạy và học tập kiên cố 10.657 phòng (tỷ lệ 81.69%); bán kiên cố 2.294 phòng (17.59%) và phòng học tạm 94 phòng (0,72%). Thiết bị giảng dạy trong những năm qua đã được các cơ sở quan tâm đầu tư thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị dạy học ngoại ngữ, thiết bị thực hành thí nghiệm…, cơ bản đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập. 

Trong thời gian Hè, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cở sở giáo dục thực hiện sửa chữa nhỏ, tu bổ lại phòng học, vệ sinh bảo trì thiết bị dạy học để chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. Đối với thiết bị dạy học lớp 2 và lớp 6 Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát lại thiết bị dạy học hiện có còn sử dụng được tiếp tục sử dụng. Đối với thiết bị không còn sử dụng được, thiết bị thiếu so với danh mục của Bộ GD&ĐT ban hành cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT đã tổng hợp, dự toán mua sắm trang thiết bị dạy học trong năm 2021. Do tình hình thực tế trong điều kiện dịch covid-19 phức tạp, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí một phần kinh phí cân đối trong khả năng ngân sách địa phương để mua sắm trang thiết bị dạy học lớp 2 và lớp 6 để phục vụ trực tiếp cho việc dạy và học, dự kiến thiết bị được mua sắm và trang bị cho các trường trong học kỳ I năm học 2021-2022. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo cũng phát động phong trào tự làm đồ dụng dạy học để hỗ trợ cùng thiết bị mới phục vụ cho năm học 2021-2022. 

PV: Để đáp ứng tốt cho yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới ông có đề xuất kiến nghị gì đối với TW, ngành Giáo dục và UBND tỉnh cũng như chia sẻ của người dân mà toàn ngành giáo dục đào tạo tỉnh đang phải đối mặt?

Ông Trần Quang Bảo: Trước hết, phải khẳng định là toàn ngành đang nỗ lực tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Vì vậy có khá nhiều vấn đề cần quan tâm như: Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học, trong quản lý, quản trị trường học; công tác dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đối với ứng dụng CNTT trong quản lý, quản trị trường học. 

Ngành giáo dục và Đào tạo tỉnh rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ phối hợp, xem xét, sớm tham mưu với Chính phủ bổ sung biên chế sự nghiệp cho các địa phương, đơn vị để kịp phục vụ cho năm học 2021-2022. Đồng thời, sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; bổ sung số lượng người làm việc giảng dạy các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông (tiếng Anh, Tin học cấp Tiểu học; Mỹ thuật cấp trung học).

Tú Thanh (thực hiện)

Tin nổi bật