Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khuyến khích học sinh lớp 2 trang bị tài liệu gần 300 trang: Sở Giáo dục và Đào tạo đang “áp đặt”?

(DS&PL) -

Thông tin sở GD&ĐT Hòa Bình và Thái Nguyên yêu cầu các cơ sở giáo dục trang bị tài liệu tư tưởng Hồ Chi Minh với gần 300 trang đang khiến dư luận băn khoăn. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là cách làm không hiệu quả, có thể gây phản ứng ngược.

Không phù hợp với học sinh tiểu học

Trước những băn khoăn của dư luận về văn bản của sở GD&ĐT 2 tỉnh Thái Nguyên, Hòa Bình yêu cầu các trường trang bị tài liệu tham khảo cho học sinh từ lớp 2 trở lên có giá 85.000 đồng gồm 276 trang, các chuyên gia giáo dục cũng bày tỏ nhiều ý kiến.

Trao đổi với PV Đời sống và Pháp luật, TS. Vũ Thu Hương (chuyên gia giáo dục) cho rằng: “Trước hết, về mặt nội dung của tài liệu này, là không phù hợp với học sinh lớp 2, và rõ ràng cũng không phù hợp với học sinh tiểu học.

Khi đọc những nội dung về tư tưởng và quan niệm, để có thể nhận thức được, ít nhất học sinh phải có khả năng tư duy logic. Trong khi đó, khả năng tư duy logic chưa được hình thành một cách trọn vẹn ở học sinh tiểu học, cho nên các con không sử dụng được khả năng tư duy logic.

TS. Vũ Thu Hương

Tư duy logic khác biệt so với khả năng học hỏi của học sinh tiểu học ở chỗ, chẳng hạn, khi chỉ quả táo, học sinh tiểu học sẽ biết đó là quả táo, nhưng không bao giờ biết được quả táo này gồm những chất gì, từ đâu mà ra, ăn vào có làm sao không, cảm giác ăn sẽ như thế nào… đứa trẻ ở độ tuổi này không tư duy đến như thế.

Cũng giống như hỏa hoạn, khi chúng ta bảo cháy, thì đứa trẻ sẽ biết là cháy, nhưng có thể đứa trẻ sẽ không cần biết cái gì cháy, cái gì gây ra cháy, nguyên nhân và hậu quả… Đứa trẻ chưa có nhu cầu để tìm hiểu về những điều đó.

Vậy nên, những nội dung thuộc về quan niệm, cần phân tích, thì đòi hỏi phải có tư duy logic mới có thể hiểu được, nội dung này chắc chắn không phù hợp với học sinh tiểu học”.

“Về nhiệm vụ của giáo viên, ở bậc tiểu học, họ cần hiểu học sinh, cần song hành để biết mình nên làm gì với học sinh, hơn là cần những cái gọi là thay đổi về mặt tư duy, tưởng tượng… Tức là, giáo viên chắc chắn có thể hiểu được tư tưởng, và muốn thay đổi tư tưởng cũng rất tốt, rất hay, nhưng cái họ cần hơn cả, chính là hiểu học sinh.

Vì vậy, khi làm việc với giáo viên tiểu học, tài liệu đó nên ở mức độ ngắn gọn nhất có thể để giảm bớt công việc của họ, để họ đỡ mất thời gian. Bởi vì, công việc của họ cần tìm hiểu học sinh hơn.

Bên cạnh đó, nhắc đến số trang, không thể đánh giá đơn thuần qua gần 300 trang sách, bởi, sách ở nước ngoài cho trẻ cũng có thể lên đến mấy trăm trang. Tuy nhiên, cái khác ở đây là cách trình bày và diễn đạt. Sách ở nước ngoài có thể đến mấy trăm trang nhưng lượng chữ chỉ chiếm rất ít, trong khi có rất nhiều hình ảnh sinh động, cho trẻ dễ tiếp cận, dễ cảm nhận, dễ nhớ và dễ hiểu.

Còn mấy trăm trang ở sách của chúng ta là chữ rất nhỏ và chỉ toàn đặc chữ là chữ… Chính vì vậy, số trang không phải là vấn đề, mà những gì thể hiện trong mấy trăm trang đó mới là vấn đề.

Tài liệu này đã có cả nội dung và cách thể hiện không phù hợp với học sinh, thì đứa trẻ chẳng thể thẩm thấu được điều gì, dẫn đến đây là việc không có ích cho học sinh tiểu học”, vị chuyên gia giáo dục nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT) cũng cho rằng: “Với một đứa trẻ lớp 2, lớp 3, còn nhỏ như thế, bê một quyển sách gần 300 trang đầy chữ như vậy thì đọc và hiểu thế nào? Sách dành cho trẻ con phải có ít chữ, chữ to và nhiều hình ảnh đan xen. Mặc dù, có thể nội dung tư tưởng dưới những khía cạnh đơn giản, cũng không thể truyền đạt qua quyển sách như vậy, hoàn toàn không thích hợp”.

Những lo ngại phía sau

Nhắc đến văn bản mà sở GD&ĐT 2 địa phương đề cập, TS. Vũ Thu Hương bày tỏ: “Về câu chuyện quản lý, tôi muốn nói ở đây là một cách quản lý áp đặt. Vì sao lại  đưa một công văn xuống, giới thiệu một tài liệu cho các cơ sở giáo dục. Vậy tôi muốn hỏi, tại sao những người làm trong ngành giáo dục lại chỉ được đọc có một tài liệu mà Sở giới thiệu xuống?

Nếu trong một công văn để giúp giáo viên thì Sở nên gợi ý cho họ nhiều tài liệu khác nhau, và giáo viên có quyền lựa chọn để tham khảo những tài liệu đó ở các hoạt động khác nhau của họ. Dù là người lớn hay trẻ em thì đều có quyền lựa chọn tài liệu để tham khảo.

Có thể hôm nay đọc một quyển, mai lại đọc thêm quyển khác, người này đọc quyển này, người kia đọc quyển kia, có người thích đọc ít sẽ chọn quyển khoảng 50 trang nhưng người thích đọc nhiều sẽ chọn quyển 500 trang chẳng hạn. Thậm chí, có người muốn tham khảo qua tài liệu audio hay video vì họ không có thời gian đọc... bởi vậy, phải giới thiệu đa dạng các đầu mục.

Còn ở đây, công văn giới thiệu về một cuốn sách và yêu cầu các giáo viên dạy bộ môn phải trang bị mỗi người một quyển như vậy là không hợp lý. Chưa hết, bản thân nội dung này đã có bản miễn phí trên mạng, nên trong công văn cần thể hiện rõ, giáo viên có quyền lựa chọn mua hoặc không. Tuy nhiên, trong trường hợp này, giáo viên vẫn chưa được quyền lựa chọn và công văn này chưa thực sự tôn trọng những người làm trong ngành giáo dục.

Chính vì không có sự lựa chọn, nên hiệu quả sẽ không cao. Nếu nhằm mục đích để giáo viên, học sinh thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh thì cách làm này sẽ không hiệu quả, thậm chí còn gây phản ứng ngược. Muốn truyền đạt hiệu quả thì phải có phương thức phù hợp”.

“Trước nay, chúng ta hay có kiểu ra những công văn một chiều, mang tính áp đặt, đến khi nhận được phản hồi, thực hiện không hợp lý, có nhiều điều bất ổn, thì lựa chọn ngay lập tức thu hồi. Trong khi, điều cần thiết là phải rút kinh nghiệm và thay đổi cách làm khác cho phù hợp”, TS. Vũ Thu Hương cho biết.

Trước những băn khoăn của dư luận về việc “giới thiệu” sách của sở GD&ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phân tích: “Vì sao các Sở lại hay làm như vậy? Có lợi ích gì ở đây? Trong khi, nếu giáo viên và phụ huynh học sinh thấy cần thiết, họ hoàn toàn có thể tự giác mua những tài liệu này chứ đâu cần Sở phải yêu cầu.

Trước đây cũng từng có những tiền lệ xấu, như câu chuyện của bài tập, sách tham khảo, trong văn bản ở trên thì mang tinh thần “khuyến khích”, nhưng bên dưới có thể sẽ là được liệt kê sẵn vào danh mục sách cho học sinh vào đầu năm học mới và buộc phụ huynh phải bỏ tiền ra mua. Tôi cho rằng, dư luận hoàn toàn có cơ sở để e ngại chuyện đó.

Và để nói thêm ở đây, vì sao sở GD&ĐT lại yêu cầu các trường trang bị sách? Thông thường, Sở bán được bao nhiêu sách, sẽ được hưởng mấy chục phần trăm phí phát hành. Tuy nhiên, nếu chỉ vì cái phần trăm ấy mà đi động viên nhà trường, tác động giáo viên, phụ huynh phải mua, nhất là với vai trò những người làm trong ngành giáo dục, thì càng không thể chấp nhận.

Họ nghĩ gì khi để cho đứa trẻ đang cần đọc thông viết thạo đi ôm một quyển sách gần 300 trang toàn chữ? Quyển sách đó mua xong lại vứt ở một góc phòng thì quả thực là lãng phí. Không chỉ lãng phí với người mua sách, vì không dùng đến, mà còn lãng phí với xã hội. Bởi lẽ, có những người có nhu cầu đọc để nghiên cứu nhưng lại không tiếp cận được chẳng hạn”.  

Liên quan đến vấn đề này, trả lời phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật bằng văn bản vào chiều 8/12, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên Nguyễn Đức Thịnh thông tin: “Nhằm mục đích tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do bộ GD&ĐT tổ chức, hàng năm Thái Nguyên triển khai và tham gia Cuộc thi có chất lượng, hiệu quả; Bổ sung tài liệu cho tủ sách Bác Hồ trong các thư viện nhà trường và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường, sở GD&ĐT Thái Nguyên ban hành Công văn số 2179/SGDĐT-CTTT-PC ngày 29/9/2021 về việc triển khai, trang bị tài liệu Hỏi đáp “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong các nhà trường. Đây là tài liệu đã được bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và có Quyết định ban hành.

Sở GD&ĐT đã triển khai giới thiệu tài liệu Hỏi đáp “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến các phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc Sở. Các đơn vị đăng ký trực tiếp với công ty Cổ phần Môi trường và Thiết bị Giáo dục Việt Nam, sở GD&ĐT không yêu cầu giáo viên, học sinh phải mua tài liệu.

Thực tế hiện tại các đơn vị đã được cung ứng tài liệu với 698 cuốn để trang bị cho các nhà trường; không có giáo viên, học sinh đăng ký mua tài liệu. Sở GD&ĐT đã nhận được công văn số 443/CV-VEEAE ngày 25/11/2021 của công ty Cổ phần Môi trường và Thiết bị Giáo dục Việt Nam về việc Dừng phát hành tài liệu, kèm theo Quyết định số 343/QĐ-NXB ngày 30/11/2021 của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội về việc hủy quyết định xuất bản, thu hồi và sửa chữa sách. Công ty đang tiến hành thu hồi tài liệu. Ngày 6/12/ 2021 sở GD&ĐT đã có văn bản thông báo thu hồi Công văn số 2179/SGDĐT-CTTT-PC ngày 29/9/2021”.

Trước đó, Công văn 2179/SGDĐT-CTTT-PC ngày 29/9/2021 có đoạn nêu rõ: “Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện một số nội dung”, trong đó: nội dung ở mục 2 có nêu “Trang bị tài liệu Hỏi đáp Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ lớp 2 cho đến lớp 12”; nội dung ở mục 3 nêu rõ: “các đơn vị, trường học đăng kỹ tài liệu theo mẫu đính kèm Công văn, bản đăng ký gửi về sở GDĐT (qua phòng Chính trị, tư tưởng và Pháp chế theo địa chỉ email daoquangthanh.so@thainguyen.edu.vn”.

Tuệ Linh

Tin nổi bật