Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh: Nga không để Saudi "muốn làm gì Qatar thì làm"

(DS&PL) -

Như những nước khác, Nga cũng bị bất ngờ bởi cuộc khủng hoảng chính trị ngoại giao mới ở vùng Vịnh xung quanh Qatar

Như những nước khác, Nga cũng bị bất ngờ bởi cuộc khủng hoảng chính trị ngoại giao mới ở vùng Vịnh xung quanh Qatar. Nhưng Nga không thuộc diện bị liên quan và ảnh hưởng trực tiếp.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga là bên thích hợp nhất để thúc đẩy hòa giải ở vùng Vịnh

Nga có thể cứ ở bên ngoài quan sát vụ việc diễn biến để xác định đối sách thích hợp và thời điểm thích hợp để tung ra đối sách, bởi Nga là đối tác bên ngoài duy nhất có vai trò trong việc giải quyết khủng hoảng. Nhưng đồng thời trong tình thế các bên liên quan trực tiếp kia càng khó khăn, khó xử thì Nga càng dễ bề được lợi.

Thực chất cuộc khủng hoảng xung quanh hiện tại ở vùng Vịnh xoay quah mối quan hệ giữa Ả rập Xê út và Qatar.

Ngày 14/6 vừa qua, tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Quốc vương Ả rập Xê út Salman bin Abdulaziz al-Saud. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã công du Nga. Moskva tỏ ý sẵn sàng giúp Doha, nhưng Qatar cho rằng chưa bị khó đến mức phải nhờ cậy đến Nga.

Hai sự việc này thôi đã đủ để cho thấy Nga có kênh tác động tới cả hai bên và đã bắt đầu dọn đường cũng như chuẩn bị dư luận, tỏ ý sẵn sàng đứng ra đảm trách vai trò trung gian hòa giải khi được cả hai phía chấp nhận hoặc khi hai phía buộc phải đi vào hòa giải.

Mà hiện đang ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các bên liên quan quan tâm đến chữa cháy nhiều hơn là chủ ý tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa. Điển hình nhất là việc chính Riyad ngỏ ý sẵn sàng "cứu trợ nhân đạo" Qatar, còn Mỹ vẫn ký thỏa thuận cung ứng 36 phi cơ tiêm kích F-15 trị giá tổng cộng 12 tỷ USD cho Qatar. Ai cũng duy trì dư địa để lùi khi lùi có lợi hơn là tiến tiếp.

Không phải như thế sao khi Ả rập Xê út, Ai Cập, Bahrain, Tiểu các vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Yemen đối đầu và căng thẳng như thế với Qatar thì Nga vẫn có quan hệ hợp tác tốt đẹp với những quốc gia này và với cả Qatar.

Họ cùng với Mỹ và Israel đối phó Iran thì quan hệ của Nga với Mỹ tuy có tồi tệ nhưng cũng đâu có đổ vỡ, trong khi với Israel và Iran lại rất tốt đẹp.

Thổ Nhĩ Kỳ có căn cứ quân sự ở Qatar, hợp tác với Nga và Iran về quân sự và chính trị, ngoại giao ở Syria nhưng về cơ bản không cùng hội cùng thuyền với Iran.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) đã điện đàm với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani hôm 6/6, trao đổi các vấn đề hợp tác song phương (Ảnh minh họa)

Vai trò trung gian hòa giải trong chuyện này xem ra chỉ thích hợp nhất đối với 2 đối tác là Nga và Kuwait. Kuwait có lợi thế là cùng ở trong tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) như Ả rập Xê út, Bahrain, UAE và Qatar, nhưng làm sao thần thế được bằng Nga đối với các nước khác, nhất là đối với Mỹ.

Nga còn có lợi ích chiến lược thiết thực hiện tại cũng như lâu dài ở khu vực này mà việc thực hiện nó không thể không bị tác động bởi cuộc khủng hoảng hiện tại xung quanh Qatar.

Căng thẳng ngoại giao cho thấy nội bộ GCC có rạn nứt, liên minh do Mỹ vừa thành lập chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) không đoàn kết.

Như thế, cả tổ chức lẫn liên minh không thể mạnh và hiệu quả, vai trò và ảnh hưởng của những cường quốc quân sự thế giới và những nước có trọng lực chính trị như Nga càng thêm quan trọng. Nga càng có cơ hội thuận lợi để trở thành tác nhân không những không thể bỏ qua được mà còn quyết định tới việc sắp xếp trật tự chính trị an ninh và ổn định cục diện quyền lực ở khu vực này.

Những khó khăn chờ đón Nga

Nga cũng có không ít khó khăn mới. Nội bộ thế giới Ả rập và Hồi giáo phân bè kéo cánh huynh đệ tương tàn nhau đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ của quá trình cực đoan hóa và bạo lực hóa trong thế giới Hồi giáo, làm cho cuộc chiến chống khủng bố và chống IS thêm khó khăn và phức tạp, những đối thủ chính trị của Nga có thêm điều kiện và cơ hội để can dự và tác động vào nội chính những nước này.

Chống khủng bố và cuộc chiến với IS ở Syria hiện là bộ phận quan trọng trong toàn bộ chiến lược địa chính trị toàn cầu của Nga. Sâu xa ở phía sau là vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới của Nga, là vị thế quốc tế thuận lợi để Nga xử lý mọi mối quan hệ của mình với những đối tác khác, kể cả Mỹ.


Can dự càng sâu và tham chiến trực tiếp càng lâu ở khu vực này thì áp lực thành công càng lớn đối với Nga.

Giống như Mỹ, Nga không thể đơn độc giải quyết được ổn thỏa mọi vấn đề, mà họ cần đồng minh và đối tác. Khủng hoảng xung quanh Qatar này làm cho việc tập hợp lực lượng trở nên khó khăn, phức tạp và nhạy cảm hơn.

Hiện tại, tuy tỏ ra thụ động đứng ngoài cuộc nhưng trong thực chất Nga không hề bàng quan. Điều có thể chắc chắn là Nga sẽ không để cho Ả rập Xê út và đồng minh muốn xô đẩy Qatar như thế nào cũng được và không để cho Mỹ muốn làm gì thì làm với Iran.

Nga không ngăn cản được phe kia đã khuấy động nên cuộc khủng hoảng này, nhưng sẽ không để họ lợi dụng nó để gây tổn hại đến lợi ích chiến lược thiết thực trước mắt cũng như lâu dài của Nga ở khu vực này và trên thế giới.


Tin nổi bật