Những con gió mạnh cuốn khói mù của các vụ cháy rừng về Sydney dù đã hơn 10 ngày kể từ khi hỏa hoạn xảy ra.
Những tuần qua, các vụ cháy đã thiêu rụi gần 1 triệu héc ta đất canh tác và cây cối. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu bùng phát do ba năm hạn hán khiến khí hậu khô hạn.
Hiện lính cứu hỏa vẫn đang tiến hành công tác dập lửa gần 60 đám cháy ở bang New South Wales. Các nhà chức trách thông báo rằng tình trạng khói mù đang hoành hành ở một số khu vực của Sydney nguy hại gấp 10 lần so với nơi khác.
Cơ quan phòng cháy chữa cháy bang New South Wales cho biết tình trạng này sẽ vẫn tiếp diễn vì nguy cơ bùng phát hỏa hoạn ở bờ đông nước Úc do gió thôi mạnh.
Bộ Y tế Úc khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài.
Sydney chìm trong khói mù. Ảnh: The Telegraph |
"Với nhiều người, khói mù có thể dẫn tới đau mắt, mũi và cổ họng. Những người mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi hay dễ đau thắt ngực sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực của đợt ô nhiễm không khí này" - bác sĩ Richard Broom, giám đốc khoa Sức khỏe Y tế thuộc Bộ Y tế New South Wales cho biết.
Các vụ cháy rừng ở Úc khá phổ biến và là mối đe dọa đáng sợ. Những vụ cháy rừng trong năm nay đã lấy đi sinh mạng của ít nhất 4 người và thiêu rụi nhà cửa của 300 hộ dân.
Cơ quan phòng cháy chữa cháy bang New South Wales thông báo rằng lực lượng lính cứu hỏa đang làm việc hết mình không kể ngày đêm để ngăn chặn đám cháy. Nhiệt độ ở bờ đông nước Úc đã tăng lên đáng kể kể từ khi vụ việc bùng phát.
Các cột khói cao nghi ngút do cháy rừng. Ảnh: Global News |
"Hơn 1,300 lính cứu hỏa đang tham gia công tác dập lửa. Trước dự báo về đợt thời tiết khô hạn và nhiều gió sắp tới, các nhân viên đang tích cực thực hiện các hoạt động dự phòng đảm bảo đám cháy không lan rộng. Hiện có 7 khu vực bị phong tỏa do cháy rừng" - trích một thông cáo của Cơ quan phòng cháy chữa cháy bang New South Wales.
Cháy rừng vào mùa khô khá phổ biến tại đất nước chuột túi. Ngày 11/11 vừa qua, giới chức nước này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp do cháy rừng. Tại Sydney, từ khi thang đánh giá về độ nguy hiểm của cháy rừng được đưa ra vào năm 2009, đây là lần đầu tiên giới chức nước này phải nâng dự báo lên mức "thảm họa" để cánh báo người dân.
Minh Hạnh (Theo Reuters)