Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khi nào phải ghi tên "cô dâu/chú rể tương lai" vào giấy xác nhận độc thân?

(DS&PL) -

Theo luật sư, việc ghi tên người dự định cưới vào giấy xác nhận độc thân để phòng ngừa việc một số người lợi dụng để tiến hành thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư, việc ghi tên người dự định cưới vào giấy xác nhận độc thân để phòng ngừa việc một số người dân lợi dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để tiến hành thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Mẫu Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân từ trước đến nay không phải ghi tên người dự định cưới.

Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 04/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/7/2020 và sẽ thay thế Thông tư 15/2015/TT-BTP hiện hành.

Một nội dung được khá nhiều người dân quan tâm và chia sẻ trên các trang mạng xã hội là quy định khi xin giấy xác nhận độc thân phải ghi tên người dự định cưới.

Cụ thể, theo Điều 12 của Thông tư, trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một (01) bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn.

Với những trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, không phải để đăng ký kết hôn thì khoản 4 điều 12 quy định: Người yêu cầu không phải đáp ứng điều kiện kết hôn; trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ mục đích sử dụng, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn. Số lượng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp theo yêu cầu. Ví dụ: Giấy này được cấp để làm thủ tục mua bán nhà, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn.

Nói về vấn đề này, Luật sư Mai Quốc Việt - Công ty Luật FDVN nhận định, quy định này không phải là mới, điều này được thể hiện tại khoản 5, Điều 25 Thông tư 15/2015/TT-BTP và nay sắp được thay thế bởi Thông tư 04/2020/TT-BTP (theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 04/2020/TT-BTP).

Trên thực tế, khi tiến hành xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn thì cán bộ hộ tịch cấp phường, xã luôn yêu cầu nêu rõ mục đích để xin xác nhận và thông tin của người dự định mà mình sẽ kết hôn.

"Mục đích của quy định này, theo tôi cơ quan chức năng đang phòng ngừa việc một số người dân lợi dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để tiến hành thực hiện hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Việt nói.

Tuy nhiên, việc ghi các thông tin của người dự định kết hôn, nhưng chưa có một cơ sở chắc chắn để cho rằng, “đối phương” cũng đồng ý với những nội dung xác nhận để kết hôn. Điều này, dẫn đến việc, có người sẽ lợi dụng để thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến các quyền nhân thân khi người dự định kết hôn không đồng ý.

Liên quan đến tính hợp lệ, khả thi của quy định này, luật sư Việt cho hay, Thông tư 04/2020/TT-BTP đang hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch 2014 và Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Như vậy, về cơ sở pháp lý, các văn bản này phải thống nhất, phù hợp với nhau.

Tuy nhiên, Luật Hộ tịch 2014, Nghị định 123/2015/NĐ-CP không có quy định bắt buộc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sử dụng vào mục đích kết hôn phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn. Do đó, có sự chồng chéo trong quy định của pháp luật, tính không đồng bộ.

Ngoài ra, cũng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, việc kết hôn là sự đồng thuận, tự nguyện giữa Hai bên, việc cơ quan nhà nước ghi nhận nội dung mang tính khẳng định, bắt buộc là không đúng quy định. Bởi, có thể tại thời điểm này các bạn nam nữ có thể có tình cảm và muốn tiến tới quan hệ hôn nhân, nhưng việc thay đổi trong tương lai là hoàn toàn có thể. Vậy nên, việc xác nhận nội dung cụ thể về đối tượng kết hôn, rồi sau đó nếu thay đổi phải làm lại giấy xác nhận. Điều này rất tốn kém chi phí của xã hội.

"Theo tôi, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ cần thể hiện nội dung tại thời điểm xác nhận, tình trạng hôn nhân của người đó là như thế nào, việc người khai nhận không trung thực, hoặc lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm thì cơ quan nhà nước có chế tài xử lý.

Việc không quản lý được và đưa ra các điều kiện rắc rối để người dân thực hiện là một sự 'bất lực' của cơ quan nhà nước", luật sư Việt nhấn mạnh.

Tiểu Phương

Tin nổi bật