Bán đất trả nợ cho con
Bà Thơm kể, năm 1998, hai vợ chồng bà vào Đắk Nông mua rẫy làm cà phê. Mấy năm sau, ông bà đón hai người con trai vào sống cùng. “Cuộc sống khó khăn nhưng hai con học hành giỏi giang, đều đỗ đại học nên vợ chồng tôi rất mừng. Nghĩ có ăn có học, đời con sẽ khá hơn”, bà chia sẻ.
Thế nhưng, khi vào đại học, cả hai người con đều không tập trung đèn sách mà ăn chơi đua đòi. Người anh mất 7 năm mới tốt nghiệp vì nợ môn còn người em bỏ dở từ năm thứ hai. Ở quê, vợ chồng bà Thơm không hề hay biết, vẫn cặm cụi làm lụng, hàng tháng gửi tiền cho con. “Có tháng nó xin thêm cả chục triệu, nói là học thêm cái này cái kia, tôi lại dồn góp vay mượn để gửi lên cho con. Không ngờ nó chẳng học hành gì, vay nặng lãi lấy tiền ăn tiêu. Chủ nợ tìm về tận nhà thì tôi mới hay chuyện. Vợ chồng tôi phải bán gian hàng ở chợ, gom góp hết vốn liếng được 90 triệu đồng để trả nợ cho con. Sau lần đó, tôi bàn với chồng để hai con về Bắc”, bà Thơm kể.
Vườn cà phê trong Tây Nguyên mà bà Thơm đã nhiều lần phải “bán non” vì trả nợ cho con.
Về Bắc Ninh năm 2011, hai con trai bà Thơm loay hoay tìm việc. Người anh ôm mộng làm giàu, vay mượn bạn bè để đầu tư kinh doanh nhưng không thành công. Để có tiền trả nợ, anh lại tìm đến tín dụng đen. Lãi mẹ đẻ lãi con, anh mắc nợ tới mấy trăm triệu đồng. “Lúc này nó mới báo với bố mẹ. Tôi đành phải bán vội cà phê non (bán cà phê tại cây, chưa chín với giá rẻ bằng một nửa lúc thu hoạch – PV), vay mượn để lấy tiền trả nợ cho con”, bà Thơm kể.
Sau lần đó, con trai hứa sẽ tu chí làm ăn, không bao giờ vay tín dụng đen nữa. Thế nhưng, chỉ yên ổn được mấy năm, anh lại đầu tư lan đột biến, bị lừa mất 200 triệu đồng. Không dám nói với gia đình, anh vay nặng lãi để trang trải. “Nó vay 200 triệu, chỉ trong thời gian ngắn cả gốc và lãi đã lên đến 400 triệu. Chủ nợ đến tận nhà đập phá đòi tiền. Vợ chồng nó vì thế mâu thuẫn, cãi vã suốt. Tôi lại phải bán một phần rẫy cà phê để trả nợ cho con”, bà Thơm thở dài nói.
Nặng gánh vì con
Mấy năm gần đây, cậu con cả đã tỉnh ngộ, chú tâm vào làm ăn, chăm lo cho gia đình, bà Thơm tưởng đã nhẹ gánh thì lại nghe con trai út báo nợ 150 triệu đồng. Chồng bà ốm đau, không lao động được nên mọi nợ nần đều do bà lo liệu, trang trải. “Con cả làm việc chỉ vừa đủ lo cho gia đình nên không giúp được gì. Còn chút đất, tôi phải bán nốt để trả nợ cho con. Rồi hai vợ chồng đưa nhau về quê, tôi đi làm thuê, bán rau bán cá cũng đủ tiền ăn hàng ngày”, bà Thơm kể.
Bà Thơm vẫn tiếc vườn cà phê và nhớ những ngày đi bẻ cành, chờ quả chín để thu hoạch
Năm 2019, cậu con út lại gây chuyện. Anh này bỏ nhà đi, để lại mảnh giấy ghi rõ tên người vay nợ, số điện thoại, địa chỉ. Tổng số nợ cả gốc cả lãi là 300 triệu đồng. “Nó còn ghi rõ đã hẹn ngày này, tháng này xuống nhà lấy tiền nợ từ anh trai”, bà Thơm nói.
Bà kể, trong nhà có cái tivi, chiếc xe máy cũ, chủ nợ đã siết hết. Bà nói mình không có khả năng trả nợ, hơn nữa, người vay là con trai bà, ai vay người ấy trả nhưng đám đầu gấu vẫn ngày ngày đến đập phá, đe dọa. “Hàng ngày tôi đi bán rau, làm thuê được vài đồng thì họ đến siết một nửa”, bà than thở.
Bà cho biết, dù không muốn nhưng có lẽ sắp tới sẽ phải bán nhà để trả nợ dứt điểm, có như vậy mới mong sống yên ổn. “Mấy chục năm trả nợ hộ con, phải bán hết cái này đến cái kia. Vợ chồng tôi đều đã có tuổi, giờ trong tay không có một thứ gì, sau này ốm đau chẳng biết cậy nhờ ai. Sợ chết cũng không có tiền mà mua quan tài mất. Con dại cái mang, nếu chúng nó không dính vào tín dụng đen thì vợ chồng tôi đâu đến mức khánh kiệt như thế này...”, bà Thơm cảm thán.
Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
N.H