Theo báo cáo thường niên về tiên lương của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), giá trị tiền lương thực tế trung bình hàng tháng trong năm 2022 đã giảm 0,9% so với năm ngoái. Con số này đánh dấu sự sụt giảm mức sống toàn cầu lần đầu tiên trong 15 năm qua.
Mức giảm mạnh nhất được ghi nhận ở các nước phát triển, nơi lạm phát tăng cao hơn. ILO cho biết tại các nước phát triển thuộc nhóm G20, chiếm khoảng 60% số lao động được trả lương trên thế giới, tiền lương thực tế đã giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ở nhóm các nền kinh tế mới nổi của G20, tăng trưởng tiền lương chậm ở mức 0,8%. Điều này phần lớn là do khả năng phục hồi của Trung Quốc, trong khi các quốc gia lớn khác như Brazil bị ảnh hưởng nặng nề.
Tiền lương thực tế toàn cầu lần đầu ghi nhận mức giảm trong 15 năm. Ảnh: ILO
Theo bà Rosalia Vazquez-Alvarez, tác giả chính của báo cáo, với tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức cao, bất chấp những hành động tích cực từ các ngân hàng trung ương, nhìn chung tiền lương thực tế toàn cầu trong năm 2022 vẫn có xu hướng giảm.
Bà Vazquez-Alvarez giải thích tỷ trọng của người lao động trong thu nhập toàn cầu đang giảm, đồng thời lưu ý rằng tăng trưởng năng suất, được đo bằng sản lượng trên mỗi công nhân, vào năm 2022 đã vượt xa mức tăng tiền lương với biên độ lớn nhất kể từ năm 1999.
ILO cho biết thêm ở những nơi mà năng suất lao động hiện đang vượt xa tiền lương, các chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa để bảo vệ người lao động khỏi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, ví dụ như thông qua cách quy định mức lương tối thiểu cao hơn. Điều này sẽ không có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao. Báo cáo chỉ ra: "Ở nhiều quốc gia, vẫn có khả năng tăng lương mà không sợ tạo ra vòng xoáy giá lương".
ILO cũng lưu ý rằng sự sụt giảm tiền lương thực tế gần đây đang làm trầm trọng thêm những mất mát mà nhiều người lao động phải gánh chịu trong đại dịch và tình trạng trì trệ lâu dài về mức sống ở một số quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, một trong bốn nền kinh tế G20.
Các ngân hàng trung ương đã theo dõi chặt chẽ xu hướng tăng của tiền lương, vì lo ngại rằng lạm phát cao sẽ trở nên nghiêm trọng nếu người lao động yêu cầu tăng lương để phù hợp với mức phí sinh hoạt ngày càng cao, thúc đẩy các công ty tiếp tục tăng giá khi hóa đơn tiền lương của họ tăng lên.
Mặc dù tiền lương đang giảm so với lạm phát nhưng về mặt danh nghĩa, chúng đang tăng với tốc độ chưa từng có ở nhiều quốc gia. Đây là điều mà nhiều ngân hàng trung ương coi là không phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát của họ.
Thống đốc Ngân hàng Anh Andrew Bailey ngày 29/11 cho biết các khoản lương thưởng ở Anh đạt mức khoảng 6,5%. Ông nhận định: "Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với những gì bạn mong đợi trong điều kiện bình thường".
Dù vậy, ông Bailey thừa nhận trong bối cảnh lạm phát và khủng hoảng chi phí sinh hoạt, ông "không thích điều này". Đồng thời, thống đốc Ngân hàng Anh nói thêm rằng các khoản thanh toán lương nên được cấu trúc theo cách bảo vệ có thể bảo vệ tốt hơn với những người có mức lương thấp nhất.
Philip Lane, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), hồi tuần trước bình luận ngay cả khi tăng trưởng tiền lương cao gây áp lực lên lạm phát trong 2-3 năm tới, điều này cũng không nhất thiết dẫn đến bất kỳ thay đổi lâu dài nào về động lực tiền lương.
Tuy nhiên, ông Lane nói thêm ECB cần nhanh chóng kiểm soát được lạm phát để mọi người có hành xử phủ hợp hơn.
Minh Hạnh (Theo Financial Times)