(ĐSPL) - Sáng kiến ôm 718 tỉ đồng gửi Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP. HCM ngay lập tức trở thành cái bẫy khi cán bộ ACB đặt nhầm lòng tin vào siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như.
Khai thác triệt để số tiền hoa hồng khủng và chênh lệch về lãi suất tiền gửi, các quan chức ngân hàng ACB, trong đó có "bầu" Kiên đã chỉ đạo 19 nhân viên dưới quyền ôm 718 tỉ đồng gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP. HCM. Sáng kiến này ngay lập tức trở thành cái bẫy khi cán bộ ACB đặt nhầm lòng tin vào siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như.
|
Sáng kiến đi trước thời đại đã khiến các bị cáo hầu toà khi sập bẫy của siêu lừa Huyền Như |
Chiêu trò ủy thác cá nhân của ngân hàng ACB
Năm 2010- 2011, ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) có chiến lược kinh doanh hợp lý nên đã huy động được nhiều tiền gửi của các tổ chức, cá nhân. Ngặt nỗi, ngân hàng ACB có dấu hiệu khó khăn trong việc cho vay. Trước khó khăn trên, thường trực Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng ACB (gồm ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải) và Nguyễn Đức Kiên đã ngồi họp với nhau, bàn phương sách giảm áp lực lỗ khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được. Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc ngân hàng ACB đã nghĩ ra diệu kế ủy thác cho các cá nhân gửi tiền VNĐ và USD tại các tổ chức tín dụng.
Theo đánh giá của của giới chuyên môn, đây là một kế sách đi trước thời đại, bởi vì vào thời điểm này chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh hoạt động này?! Tuy không tham gia HĐQT, nhưng với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB và đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03\% vốn điều lệ, Nguyễn Đức Kiên hoàn toàn ủng hộ. Tại biên bản cuộc họp thường trực HĐQT ngân hàng ACB ghi rõ: "Đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VNĐ và USD tại các các tổ chức tín dụng. Giao Tổng giám đốc kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng ủy quyền cho kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng ủy thác".
Vậy là, 19 nhân viên có gương mặt sáng giá trong ngân hàng ACB được lựa chọn ủy thác gửi tiền. Tên trong tài khoản là cá nhân, nhưng trên thực tế tiền là của ngân hàng ACB bơm vào.
Siêu lừa ra đòn hiểm
Cùng thời điểm này, Huỳnh Thị Huyền Như - cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank - chi nhánh TP. HCM đang nổi như cồn vì có nhiều khách hàng lớn và được biết đến là một doanh nhân (Huyền Như mở công ty riêng) thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, sở hữu hàng trăm tỉ đồng.
|
Trước toà, siêu lừa Huyền Như cũng thừa nhận ý đồ chiếm đoạt tiền của ngân hàng ACB. |
HĐXX thẩm vấn siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan. Theo lời khai của Như tại công đường, vào đầu năm 2011, Phó phòng quản lý quỹ ngân hàng ACB Huỳnh Thị Bảo Ngọc liên lạc qua điện thoại với Như, đặt vấn đề gửi tiền. Những lần giao dịch sau đó, hai bên thống nhất lãi suất theo thỏa thuận (bao gồm lãi suất ghi trong hợp đồng là 14\% và lãi suất ngoài hợp đồng). Đánh trúng tâm lý hám lợi của cán bộ ngân hàng ACB, Huyền Như đã bắt tay được với Phó phòng quản lý quỹ ngân hàng ACB. Theo thỏa thuận đôi bên, hồ sơ của 19 nhân viên ngân hàng ACB được ủy thác đều do một tay Huyền Như đảm nhiệm làm thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank. Ngay sau khi ngân hàng ACB chuyển tiền cho Vietinbank, Huyền Như trả ngay cho cán bộ ngân hàng ACB hơn 10 tỉ đồng tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Cao tay hơn, Huyền Như yêu cầu những nhân viên ngân hàng ACB nhận ủy thác gửi luôn số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng vào tài khoản tiền gửi của mình tại Vietinbank.
Bị hớp hồn bởi số tiền 718 tỉ đồng (làm tròn) của 19 nhân viên ngân hàng ACB mang đến một cách bất ngờ, Huyền Như trong lúc quẫn bách về tiền bạc nghĩ ngay đến việc chiếm đoạt. Sau nhiều đêm suy nghĩ, siêu lừa Huyền Như đã làm giấy tờ giả mạo, chiếm đoạt hết số tiền 718 tỉ đồng của ngân hàng ACB. Sự việc lừa đảo của Huyền Như bị bại lộ, bộ xương sống của ngân hàng ACB, trong đó có Nguyễn Đức Kiên phải hầu tòa vì tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Hậu quả ngân hàng ACB bị thiệt hại 718 tỉ đồng.
Xem clip siêu lừa Huyền Như thuật lại mánh khóe rút tiền của ACB:
Các bên đổ lỗi cho nhau
Quá trình tranh tụng tại Tòa, "bầu" Kiên, Lý Xuân Hải và các bị cáo khác cho rằng ủy thác cho cá nhân (nhân viên dưới quyền) gửi tiền của ngân hàng ACB tại các tổ chức tín dụng không vi phạm pháp luật. Trong khi đó, đại diện ngân hàng Nhà nước thừa nhận vào thời điểm các bị cáo phạm tội, chưa có văn bản hướng dẫn về việc ủy thác cá nhân gửi tiền. Do vậy, các tổ chức tín dụng muốn ủy thác cá nhân gửi tiền thì phải có hướng dẫn của ngân hàng Nhà nước. Đằng này, ngân hàng ACB ủy thác khi chưa có hướng dẫn của ngân hàng Nhà nước, là vi phạm Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Trong phiên tòa sáng thứ Bảy (ngày 24/5), luật sư bào chữa cho "bầu" Kiên và các bị cáo bị truy tố về nhóm tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã đưa ra nhiều câu hỏi, hướng vào mục đích đưa ngân hàng Vietinbank phải có trách nhiệm với khoản tiền 718 tỉ đồng của ngân hàng ACB bị Huyền Như chiếm đoạt trái phép. Song, phía ngân hàng Vietinbank không chấp nhận, cho rằng ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Lỗi này do cá nhân Huyền Như gây ra thì Huyền Như phải gánh chịu.
Thông tin trong ngày xét xử thứ năm “đại án bầu Kiên” cho thấy, phía ngân hàng ACB đang làm các thủ tục cần thiết để khởi kiện Vietinbank ra Tòa, đòi khoản tiền 718 tỉ đồng như trên đã nói.