Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ tết đến xuân về. Người dân xã Phù Ủng cùng nhân dân trong huyện Ân Thi và tỉnh Hưng Yên lại nô nức về dự lễ hội truyền thống đền Phù Ủng, để tưởng nhớ tới công lao của Tướng quân Phạm Ngũ Lão, vị tướng tài ba đã góp phần cùng triều đình nhà Trần ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông.
Vùng đất địa linh sinh nhân kiệt
Cổng khu di tích dẫn vào đền Phù Ủng |
Hàng năm, lễ hội truyền thống đền Phù Ủng đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xã Phù Ủng (Ân Thi) nói riêng và của người dân xứ nhãn lồng Hưng Yên nói chung. Phạm Ngũ Lão là vị tướng văn võ song toàn, được Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo hết sức tin cậy, là người làm tướng ba đời vua nhà Trần có công lớn trong các cuộc chống ngoại xâm của dân tộc ta và bảo vệ biên giới phía Tây và phía Nam của tổ quốc. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Phù Ủng (1255- 1320). Từ một người dân thường, ông nuôi chí lớn tham ra chống giặc và được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tiến cử và trở thành một vị danh tướng lừng danh dưới thời nhà Trần, được sử sách ca ngợi.
Hàng năm, các lãnh đạo thường xuyên tới dâng hương tại đền Phù Ủng |
Thân thế, sự nghiệp và vai trò của tướng quân Phạm Ngũ Lão với vương triều nhà Trần đã được sử sách ghi nhận, mấy trăm năm nay được nhân dân tôn vinh và thờ phụng. Sau khi mất, ông đã được triều đình nhà Trần phong là "Thượng đẳng phúc thần" để tưởng nhớ tới ông, dân làng Phù ủng đã lập đền thờ ông ngay tại trên nền đất cũ của gia đình ở phía Tây làng Phù Ủng (bây giờ chính là đền Phù Ủng). Qua bao năm tháng, thăng trầm của lịch sử, đền thờ đã được nhân dân huyện nhà và khách thập phương gìn giữ, tu bổ. Năm 1988, đền Phù Ủng thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão đã được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia. Hàng năm, cứ đến ngày 11 tháng riêng âm lịch, lễ hội đền Phù Ủng được nhân dân địa phương, cùng hàng ngàn khách thập phương ngưỡng mộ, tổ chức trang trọng lễ hội truyền thống để nhằm tưởng nhớ tới công lao của ông.
Quy mô và nét đẹp trong lễ hội
Lễ hội Phù Ủng có nhiều trò chơi dân gian |
Trao đổi với lãnh đạo địa phương, ông Trần Duy Thanh - chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2020, lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức, hướng tới kỷ niệm 745 năm ngày tướng quân Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc giữ nước. Bởi là năm lẻ, cho nên quy mô của lễ hội năm nay được tổ chức vừa phải, nhưng vẫn giữ những nét đẹp truyền thống đặc trưng và trang nghiêm của lễ hội. Các khu di tích nằm trong quần thể của ngôi đền như: Lầu Tư Văn, Lầu Huê Văn và Lăng Vũ Hồng Lượng (thời hậu Lê) đã được chỉnh trang để đón du khách.
Điều đặc biệt, là ngày 13 là ngày hội chính, sẽ diễn ra các nghi lễ như (Đại lễ, Tế Nội tán, Ngoại tán). Lễ hội, được tổ chức sôi động với nghi lễ rước kiệu cung phi (công chúa Tĩnh Huệ) từ đền về Lăng Phạm Tiến Công (trình ông), sau đó rước về đến đền Phạm Ngũ Lão (trình cha). Như thường lệ, lễ hội truyền thống đền Phù Ủng được tổ chức từ ngày 11- 15 tháng riêng âm lịch, nhưng từ trước tết Nguyên đán đền đã được mở cửa, để phục vụ đông đảo du khách thập phương.
Phần lễ hội cầu mùa trong lễ hội |
Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay quy mô của lễ hội ngày càng được mở rộng (nhất là vào những năm chẵn). Lễ hội đền Phù ủng đã trở thành một lễ hội lớn đầu năm của tỉnh Hưng Yên cùng các tỉnh khác lân cận, chỉ sau lễ hội Chử Đồng Tử Tiên Dung ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Nhân dân từ khắp các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh...về tham dự.
Một nét đẹp đặc sắc trong lễ hội đền Phù Ủng là khi rước kiệu, nhân dân chui qua ngầm kiệu với ý nghĩa thực hiện được những điều ước mình mong muốn. Trong những ngày diễn ra lễ hội, còn có các trò chơi dân gian tương truyền hồi trẻ tướng quân Phạm Ngũ Lão đã chơi để rèn luyện sức khỏe như thi vật, múa rối, hát trống quân, hát chèo và hát quan họ. Các hoạt động thể thao văn nghệ lành mạnh cũng được tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi trong lễ hội. Có thể nói, lễ hội đền Phù Ủng là một lễ hội lớn, mở đầu cho một lễ hội mùa xuân ở tỉnh Hưng Yên.
Xuân Khiển