Ngày 30/8, Công an TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đang tạm giữ Nguyễn Hữu Tính (41 tuổi) và Nguyễn Văn Lộc (24 tuổi, cùng trú thị xã Gò Công Đông, Tiền Giang) để điều tra về hành vi lợi dụng mê tín dị đoan lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Hữu Tính và Nguyễn Văn Lộc thời điểm bị Công an TP.Kon Tum bắt giữ. Ảnh: TPO
Theo khai nhận, ngoài việc lừa, chiếm đoạt của bà P. (ngụ phường Trường Chinh, TP Kon Tum) 2 triệu đồng, cả hai còn đến nhà 3 hộ dân khác trên địa bàn TP.Kon Tum bán 35 thẻ nhang với số tiền hơn 1 triệu đồng.
Trước đó, bà P. trình báo, khi đang ở nhà thì có hai người mặc trang phục phật tử đi xe máy đến, nói bà bị “vong trẻ em” nhập cần phải cúng giải vong, nếu không sẽ mang họa.
Lo sợ, bà P. đồng ý và cho 2 người này cúng giải vong. Sau khi xong việc, 2 người này đòi bà P. phải đưa chi phí 16 triệu đồng. Do không có tiền nên bà P. chỉ đưa hai triệu đồng. Nghi ngờ bị giả danh nhà sư lừa đảo nên bà P. đã trình báo Công an TP Kon Tum.
Qua điều tra, Công an TP.Kon Tum nhanh chóng phát hiện, tạm giữ hai thanh niên trên đang ở một nhà nghỉ tại thành phố này. Công an thu giữ hai bộ quần áo phật tử, 240 bó nhang, đồ cúng, giấy tờ...
Theo Đại đức Thích Nhuận Pháp, Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam không có chủ trương và không cấp phép cho các Phật tử, sư, ni cô đến các hộ dân để kêu gọi quyên góp, bán các vật dụng để thờ cúng và “cúng giải vong”.
Những hành vi trên là giả mạo, lợi dụng lòng tin của phật tử để lừa đảo, làm xấu đi hình ảnh nhà Phật.
Công an TP.Kon Tum khuyến cáo, người dân không nên mê tín dị đoan, có niềm tin mù quáng vào những trò bói toán để tiếp tay cho các nghi can xấu lừa đảo. Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu hành nghề mê tín dị đoan trên địa bàn thì nhanh chóng thông báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời có biện pháp giải quyết phù hợp.
Cự Giải (T/h)