Gần đây, việc dán nhãn phim lại "nóng" lên khi thông tin bộ phim "Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2" được cho là có cảnh "hở hang" vẫn "ung dung" ra rạp...
Khán giả “hoang mang” với bảng quy chiếu độ tuổi xem phim
Nhà sản xuất phim Lê Việt cho biết: “Vì quy định dán nhãn phim ra rạp mới có hiệu lực nên nhiều khán giả “hoang mang” với bảng quy chiếu độ tuổi chiếu phim ngoài rạp. Có người đồng tình, có người không, tuy nhiên mọi chuyện đều có quy định riêng. Những ý kiến trai chiều về phim ra rạp chứng tỏ khán giả vẫn còn rất yêu mến phim rạp, tuy nhiên, các nhà làm phim, các cơ quan quản lý cần phải xem xét công bằng với các bộ phim chuẩn bị ra rạp...”.
Theo đó, bộ phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 (tên tiếng Anh: Journey to the West: The Demons Strike Back) được ra rạp nhưng đã “vấp” phải những ý kiến trái chiều vì phim có cảnh bạo lực và hở hang. Theo nhà phát hành Việt Nam, bản phim chiếu ở rạp trong nước được giữ nguyên so với bản gốc.
Bộ phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 bị cho là có cảnh "hở hang" mà vẫn được dán nhãn P? |
Hai trường đoạn ở nửa đầu phim chiếu cảnh nhân vật ngực đầy trong váy mỏng. Ở trích đoạn bốn thầy trò Đường Tăng vào sơn trang do nhóm yêu nữ cai quản, họ gặp bốn yêu tinh người nhện hóa thân thành những cô gái ăn mặc hở hang, váy áo để lộ một nửa bầu ngực. Trang phục của họ được cho là tạo sự phản cảm khi đánh nhau với thầy trò Đường Tăng. Ngoài ra, phim có một số lời thoại bị nhận xét thô tục, không phù hợp với trẻ em.
Một cảnh trong phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2. |
Đạo diễn Trần Lê Hùng (hãng phim Hồng Phúc) cho biết: “Thấy phim Tây du ký: Mối tình ngọai truyện 2 bị nhiều khán giả phản ứng nên tôi cũng đi xem. Tôi thấy việc thẩm định dán nhãn vẫn còn thiếu công bằng, chưa chuẩn xác, phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 lại dán nhãn P (không giới hạn), trong khi phim này có cảnh được phản ánh là không hợp với trẻ em. Ở Mỹ cũng như các nước khác, phim này đều dán nhãn PG 13 (khuyến cáo phụ huynh rằng có một số hình ảnh không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi - PV), có nên chăng cục Điện ảnh cũng phải xem lại quy định dán nhãn với phim nước ngoài như vậy?”
Dán nhãn phim làm... tụt cảm xúc người xem?
Bên cạnh phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 “bị” khán giả phản ứng vì dán nhãn P, thì bộ phim 50 sắc thái đen cũng bị mang ra “mổ xẻ” vì bị cắt những cảnh nhạy cảm đến... 7 phút, có khán giả cho rằng, cảm xúc của họ bị... ngắt quãng khi xem 50 sắc thái đen ngoài rạp.
Diễn viên Thu Trang chia sẻ: “Hầu như ai cũng háo hức đến rạp để xem phim 50 sắc thái đen, tuy nhiên, xem mới biết rằng, những đoạn có cảm xúc nhất thì lại bị cắt. Những cảnh cắt trong phim không gây ảnh hưởng tới nội dung cốt truyện nhưng làm... tụt cảm xúc người thưởng thức. Nhiều trường đoạn bị vấp bởi các cảnh phim nóng bỏng đã bị cắt bỏ thô thiển, phá đi nhịp phim và không gian lãng mạn. Nên phim đã mất đi tính hấp dẫn vốn có như ở bản gốc...”.
Trả lời câu hỏi, 50 sắc thái đen bị cho là cắt quá đà khiến bộ phim mất đi nhiều ý nghĩa, đại diện cục Điện ảnh cho biết: “Với phim 50 sắc đen, hội đồng đã thẩm định kỹ lưỡng và buộc phải yêu cầu nhà phát hành lược bỏ những cảnh phim mang tính khiêu dâm, vì nó vi phạm luật Điện ảnh. Những cảnh yêu đương, tình dục phù hợp với quy định 18+ thì vẫn còn nguyên. Bởi vậy, tôi nghĩ những khán giả thích tìm hiểu ý nghĩa của những cảnh phim khiêu dâm không nên tìm xem loại phim này tại rạp Việt Nam, chứ không chỉ với trường hợp 50 sắc thái đen”.
Bộ phim 50 sắc thái đen bị cắt làm nhiều khán giả phản ứng. |
Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, ban đầu dự kiến sẽ có 4 phim Việt ra rạp là: Rừng xanh kỳ lạ truyện, Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh KungFu, Bạn gái tôi là sếp và Nàng tiên có 5 nhà. Những phim này được khởi chiếu từ 16/1/2017 đến 3/2/2017 (mùng 7 tết). Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có 3 phim chiếu vào những ngày Tết Nguyên đán, còn Bạn gái tôi là sếp lại lùi lịch chiếu đến mồng 7 Tết (3/2) tức là khi kỳ nghỉ tết đã kết thúc. Nhiều người cho rằng, việc phim Việt không còn sôi động như những năm trước là do có sự thiên vị cho tâm lý xem phim “sính ngoại” của khán giả?
Tuy nhiên, Ông Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia khẳng định: "Việc phim được trình chiếu hay không là do nội dung phim chứ không phải do phim gắn mác nội hay ngoại. Tuy nhiên, với bảng tiêu chí phân loại phim mới vừa áp dụng từ năm 2017 thì Hội đồng duyệt phim quốc gia vẫn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Việc dán nhãn phim là cần thiết vì các nước trên thế giới đã làm và rất thành công".
Ông Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia. |
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát- nguyên cục trưởng cục Điện ảnh cho biết: “Thông thường, cả hội đồng cùng xem phim cần kiểm duyệt. Xem xong mỗi phim, chủ tịch hội đồng xin ý kiến thảo luận, nhận xét của các ủy viên để biết được có điều gì cần lưu ý về nội dung, cảnh diễn có vi phạm luật điện ảnh hay nghị định không. Nếu không có gì nổi cộm, phim được thông qua. Nếu có, hội đồng làm theo luật, quy định độ tuổi phù hợp.
Đôi lúc, các thành viên trong hội đồng cũng tranh luận để đi đến điểm thống nhất, không một chiều. Trong các buổi duyệt phim, nếu có phim Việt thì bao giờ cũng được chiếu đầu tiên, cả hội đồng rất hào hứng xem. Nhiều hôm, tất cả ban lãnh đạo cục cùng xem chung với các thành viên hội đồng, đủ thấy phim Việt luôn được quan tâm, ưu ái”.
LẠC THÀNH - PHẠM THIỆU