Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Hôi của” cũng có thể bị phạt tù

(DS&PL) -

Sau khi bị rơi 30 triệu đồng và bị “hôi của”, những ngày qua Bảo Trân liên tục đi vay tiền để trả nợ.

Sau khi bị rơi 30 triệu đồng và bị "hôi của", những ngày qua Bảo Trân liên tục đi vay tiền để trả nợ. Người dân nơi xảy ra vụ việc bàng hoàng, thương cô gái vì không kịp can thiệp giúp đỡ cô do nhiều người quá tham. 30 triệu đồng cũng là số tiền làm lụng, tích cóp trong 1 năm của người mẹ đơn thân này.

Sau khi đánh rơi 30 triệu đồng, rất nhanh số tiền của Bảo Trân đã bị người đi đường lấy sạch.

Hoàn cảnh đáng thương

Bảo Trân (tên thật là L. T. N., 25 tuổi, quê Long An) - người đánh rơi số tiền - đã đăng trên mạng xã hội kể lại câu chuyện bị rơi tiền vào 11h30 ngày 28/1. Cụ thể, lúc này Bảo Trân rút 30 triệu đồng tích cóp một năm qua để mang đi trả nợ nhưng không may đánh rơi ở đường D4 thuộc phường Tân Hưng (quận 7, TP.HCM).

Từ khi xảy ra vụ việc, Trân vô cùng lo lắng, buồn bã, không dám về quê ăn Tết vì số tiền dành dụm trả nợ đã mất sạch. Cô cũng chưa dám cho gia đình hay tin. Bạn cùng phòng sau khi biết chuyện cũng động viên và giúp đỡ Trân xoay xở tìm cách kiếm lại số tiền đã mất.

Ngày 30/1, Bảo Trân cho biết: "Ngoài cô bán nước trả lại 4 triệu đồng, em vẫn chưa nhận được thêm một nghìn nào từ những người nhặt tiền. Trong clip cũng thể hiện rõ cô bán nước nhặt được nhiều nhất nhưng chỉ trả lại cho em 4 triệu đồng. Còn những người khác, công an đang trích xuất camera...".

Cô mong mọi người sớm trả lại tiền để còn trả nợ và chữa bệnh cho mẹ. Theo Trân, mẹ cô bị bệnh tiểu đường và trầm cảm nhiều năm nay, nhưng không có tiền chữa chạy. Bảo Trân gửi con nhỏ 7 tuổi nhờ ba mẹ chăm sóc để lên TP.Hồ Chí Minh bán quần áo thuê, mỗi tháng đều gửi tiền về.

"Số tiền 30 triệu đồng là tiền mồ hôi nước mắt em đi làm thuê suốt một năm trời, bây giờ bị mất, em không dám về quê. Từ hôm đánh rơi tiền, em chưa nói cho ba mẹ biết vì sợ cả nhà lo lắng. Trong sáng đánh rơi tiền, em khóc rất nhiều, vì dự tính sẽ về quê luôn vào buổi chiều hôm đó nhưng bây giờ không về quê được nữa, em rất nhớ con gái và thương mẹ đang bệnh", chị Trân nghẹn ngào.

Luật sư bình luận

Theo ghi nhận của PV, đoạn đường trên khá sầm uất, có nhiều quán ăn, quán cà phê,... Theo người dân sinh sống ở đây, một trong những người “lượm tiền” của cô gái được camera ghi lại đã bán nước trước chung cư trên đường D4 được vài tháng và chỉ bán vào buổi sáng.

Một người dân sinh sống trên đường D4 bàng hoàng trước sự việc. Bà chia sẻ, có chứng kiến vụ việc xảy ra nhưng vì mọi chuyện xảy ra quá nhanh nên không kịp can thiệp gì, chỉ cảm thấy tội nghiệp thay cho chủ nhân của số tiền. Bà cũng bất bình trước hành động "hôi của" của những người qua đường.

"Tiền ít tiền nhiều cũng là mồ hôi công sức của người ta. Ai đi làm mà chẳng cực, không giúp được thì thôi sao còn cướp bóc trên sức lao động của họ như vậy được”, bà nói.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Thu Nam (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trong trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì người thực hiện hành vi trên sẽ bị xử lý hành chính theo điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Theo quy đinh này, người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, luật sư Trần Minh Hùng (đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi "hôi của" có thể bị xử phạt theo Điều 176 Bộ luật Hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.

Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Luật sư Nam đồng tình với quan điểm truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 172 nếu số tiền chiếm giữ thỏa mãn quy định. Ông Nam cho rằng hành vi "hôi của" là việc làm xấu, cần phải bị lên án, xử lý. Trước đây từng có nhiều vụ việc "hôi bia" bị dư luận lên án mạnh mẽ, về sau có nhiều vụ người dân giúp chủ sở hữu nhặt lại hàng hóa bị đánh rơi rất đáng hoan nghênh.

"Chưa xét đến việc phạm pháp, nhìn dưới góc độ đạo đức thì trong lúc người ta gặp hoạn nạn, nếu mình không giúp được thì cũng đừng chiếm đoạt của họ. Số tiền cô gái làm rơi có khi là tiền trả nợ, tiền chữa bệnh, tiền nuôi con ăn học... Mình lấy của người ta thì khiến họ lâm vào tình cảnh khốn cùng. Việc làm đó rất xấu xí, tôi mong không ai hành xử như những người trong clip", luật sư Nam bày tỏ.

"Người nhặt tiền nên trả lại để tránh có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là hình sự. Đây là hành vi đáng lên án, không những vi phạm luật mà còn vi phạm đạo đức", luật sư Hùng chia sẻ.

Công Luân (t/h)

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số Thứ 3 (19)

Tin nổi bật