Theo báo An Ninh Thủ Đô, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp của đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhân T.T.N (38 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau nhức các khớp toàn thân.
Đáng chú ý, các khớp bàn, ngón tay của bệnh nhân sưng đau nhiều, tím, loét, hoại tử đầu ngón tay. Người bệnh cho biết tình trạng đau nhức càng tăng khi trời chuyển lạnh. Qua kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud biến chứng nhiễm trùng trên nền xơ cứng bì toàn thể, viêm da cơ.
Được biết, hội chứng Raynaud là tình trạng co thắt của các mạch máu, gây giảm lưu lượng máu đến các ngón tay. Trong một số trường hợp, hội chứng này khiến lượng máu đến tai, ngón chân, núm vú, đầu gối hoặc mũi giảm đi.
Các bác sĩ da liễu chia sẻ, hội chứng Raynaud khiến vùng bị ảnh hưởng chuyển sang màu trắng, sau đó là màu xanh, thường kèm theo cảm giác tê hay đau. Khi được tưới máu trở lại, các vùng này chuyển sang màu đỏ và nóng rát. Hiện tượng như vậy thường kéo dài vài phút, cũng có thể là vài giờ.
Giai đoạn xanh tím (trái) và giai đoạn trắng, lạnh ở người mắc hội chứng Raynaud. Ảnh: An Ninh Thủ Đô
Biểu hiện của hội chứng Raynaud
VietNamNet dẫn lời bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Nhi – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay hội chứng Raynaud có 2 loại là nguyên phát và thứ phát. Trong đó, thể thứ phát xảy ra do các bệnh lí sẵn có, có cả bất thường về cấu trúc và chức năng mạch máu. Bệnh thường gặp trong các bệnh mô liên kết (50%) như xơ cứng bì, lupus ban đỏ hệ thống...
Việc dùng thuốc như thuốc điều trị đau nửa đầu, thuốc tránh thai,... hay những người phải tiếp xúc với rung động quá mức từ máy móc, chấn thương lạnh do công việc… cũng tăng nguy cơ phát triển bệnh. Ở người cao tuổi, bệnh mạch máu tắc nghẽn là nguyên nhân thường gặp của hiện tượng Raynaud.
Hiện tượng lạ thường gặp ở các ngón tay, đối xứng 2 bên, đặc biệt là ngón trỏ và ngón giữa, có thể thấy ở ngón chân, lưỡi, mũi, tai, tiến triển qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn “trắng, lạnh” do co thắt tiểu động mạch nên mạng lưới mao quản không nhận được máu đến đầu ngón.
- Giai đoạn “xanh tím” do ứ trệ máu tại các tiểu tĩnh mạch nên đầu ngón tay xanh tím và đau buốt.
- Giai đoạn “đỏ, nóng” do mở các cơ tròn tiền mao mạch, máu đến nhanh và nhiều, làm đầu ngón tay nóng đỏ.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phú Thọ, các cơn co thắt trong hiện tượng Raynaud thường khởi phát khi tiếp xúc với lạnh, căng thẳng, stress và giảm khi không còn tiếp xúc. Bệnh thường nặng hơn về mùa đông và giảm nhẹ vào mùa hè.
Người bệnh thường cảm giác tê bì, có thể đau buốt đầu ngón. Nếu hội chứng Raynaud kéo dài, nặng thì có thể biến chứng như sẹo rỗ, loét, hoại tử đầu ngón, gây nhiễm trùng hoặc cần phải cắt cụt.
Điều trị hội chứng Raynaud như thế nào?
Điều trị hội chứng Raynaud có thể dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Nguyên tắc đầu tiên là người bệnh cần tránh lạnh, hạn chế sử dụng nước và ra ngoài vào mùa lạnh, bên cạnh đó dùng các phương tiện phòng hộ như găng tay, tất chân, mặc ấm. Vào mùa nóng, bệnh nhân cần tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Ngoài ra, bệnh nhân cần tránh các cảm xúc mạnh, kể cả vui hay buồn; tránh chấn thương, nhiễm khuẩn; không lao động nặng; tránh các công việc có thể gây chấn thương ngoài da; bỏ thuốc lá.
Nếu cơn co mạch ảnh hưởng đến công việc, chất lượng cuộc sống, không đáp ứng với điều trị không dùng thuốc, bệnh nhân cần được đánh giá để sử dụng các loại thuốc phù hợp.
"Bệnh nhân mắc Raynaud thường rất lo lắng về bệnh và tình trạng da căng cứng gây ngứa, khó chịu, mất ngủ", bác sĩ Nhi nói, đồng thời cho biết thêm nếu cần thiết thì bác sĩ có thể kê thêm kem dưỡng ẩm, thuốc an thần cho bệnh nhân.
Đinh Kim (T/h)