Ngày 1/8/2020 tới đây, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) sẽ chính thức được thực thi. Điều này đồng nghĩa với việc: 85% số dòng thuế đánh trên hàng hoá Việt Nam tại 27 nước thành viên EU sẽ lập tức về 0. Song, phải làm sao để hàng Việt tự tin nắm lấy cơ hội chinh phục thị trường 460 triệu dân này là điều không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn khá nặng nề.
Khe cửa hẹp "thoát bão" Covid
So sánh hiệp định EVFTA là một "cuộc hôn nhân ngoại nhiều bỡ ngỡ" của doanh nghiệp Việt Nam, nhà báo Tạ Bích Loan – Trưởng ban VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam – đã nhận được nhiều cái gật đầu tâm đắc tại một hội nghị bàn về Hiệp định này của bộ Công Thương diễn ra mới đây.
Ảnh minh họa. |
Thông thường, nói đến hôn nhân là nói đến ý nghĩa tốt đẹp vì nó đã đưa hai người xa lạ trở nên gắn bó mật thiết với nhau, đưa hai gia đình trở thành một gia đình lớn có chung nhiều quyền lợi lẫn trách nhiệm. EVFTA cũng vậy, ngay khi Hiệp định có hiệu lực (ngày 01/8/2020), EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Điều này đặc biệt ý nghĩa vì đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, nhất là khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Ở chiều ngược lại, khi hàng hoá EU dễ dàng xâm nhập thị trường Việt Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho người dân Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm tới 7,72% sau khoảng 12 – 13 năm.
Được biết, với 27 quốc gia, dân số 460 triệu người, GDP hằng năm đạt khoảng 16.000 tỷ USD, EU hiện là thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo tổng cục Hải quan, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU đạt 41,7 tỷ USD, ngang bằng với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, chủ yếu là điện thoại và linh kiện, sau đó đến máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, nông lâm thủy sản, dệt may, giày dép, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng...
Tuy nhiên, EU có thu nhập đầu người 36.000 USD/năm, cao hơn 3 lần thu nhập đầu người của Trung Quốc là 10.000 USD nên thị trường này hết sức khó tính, đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao đối với hàng hoá Việt Nam.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (bộ Công Thương) nhận định việc Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA là ra "biển lớn", hay nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì EVFTA ví như "đường cao tốc" nối Việt Nam với EU, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để tham gia một cách chơi mới.
Giải bài toán mang tên phát triển sau "đòn đau" từ Covid - 19
Xin kể lại câu chuyện sau đây để minh chứng cho một khó khăn điển hình của hàng Việt khi chuẩn bị tham gia "sân chơi" EVFTA. Năm 2018, khi phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch công ty Cổ phần Bagico, là một doanh nghiệp nội đóng tại Bắc Giang, chuyên xuất khẩu nông sản Việt Nam, tôi được bà Thực chia sẻ những nhận định hết sức thực tế về thị trường xuất khẩu.
Bà Thực nói: "Nông sản Việt như cô gái quê danh giá chỉ biết ngồi nhà chờ người ta đến hỏi và mua đi".
Nhận định này hàm ý nói đến sự thụ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho nông sản, trong đó có một phần nguyên nhân là do sự liên kết của người sản xuất nông nghiệp khá rời rạc, mạnh ai nấy làm. Điều này khiến cho nông sản Việt ngày càng tụt hậu, bị xếp xuống hạng bình dân ở thị trường nước ngoài.
Câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra đối với gạo Việt khiến gạo Việt chất lượng cao đang bị dán mác ngoại, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hạnh Hiếu – Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, một doanh nghiệp đang sở hữu 30 sản phẩm gạo Việt Nam khác nhau.
"Gạo chuẩn bị gặt thì có đơn vị khác vào mua, họ làm các khâu tiếp theo rồi dán mác ngoại vào, đây là một nỗi niềm đau xót cho nông dân Việt Nam. Mong muốn của chúng tôi là một ngày nào đó, Lào Cai sẽ là vùng nguyên liệu của Mỹ, Sơn La là vùng nguyên liệu của Pháp chẳng hạn và chúng tôi sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu khắt khe của họ" – CEO Nguyễn Thị Hạnh Hiếu nói.
Thứ trưởng bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. |
Thế nhưng, một điều có vẻ nghịch lý là, trong suốt 5 năm qua kể từ ngày Hiệp định EVFTA đàm phán xong (năm 2015) cho đến nay chuẩn bị đi vào cuộc sống, Thứ trưởng bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, mục hỏi đáp về EVFTA trên Cổng thông tin điện tử của bộ Công Thương không nhận được một câu hỏi hay thắc mắc nào của doanh nghiệp Việt Nam.
"Tuyệt đại đa số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hoạt động theo phương thức bán FOB (ngồi nhà chờ người ta đến mua thì mình bán) và nhập CNF (nhập hàng từ cảng), do đó ít quan tâm đến EVFTA. Và hẳn là sau đây sẽ có nhiều doanh nghiệp than thở rằng EVFTA ký kết xong rồi mà tôi chẳng có được lợi ích gì" – ông Trần Quốc Khánh nói.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, cũng cho hay, hiện tại hiểu biết về Hiệp định EVFTA của cộng đồng DN Việt Nam không nhiều. Hơn nữa, khả năng thay đổi để thích hợp với EVFTA cũng khá hạn chế khi có tới 40% DN khó cải thiện điều kiện lao động; 55% DN khó đầu tư vào công nghệ mới; 59% DN khó đáp ứng yêu cầu nội địa hóa...
Vậy, mọi nguyên nhân có phải đến từ phía doanh nghiệp hay không? Câu trả lời là không. Bởi, cũng tại hội nghị bàn về cơ hội của EVFTA đối với doanh nghiệp Việt Nam diễn ra mới đây, bà Lê Thị Nụ - đại diện Công ty CP Đầu tư Wood Alliance, một doanh nghiệp đang xuất khẩu gỗ– cho hay, doanh nghiệp của bà gặp phải rào cản lớn nhất khi xuất khẩu gỗ là CO (Certificate of Origin: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá).
"Mảng CO là mảng khó khăn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ. Công ty tôi bắt đầu xuất gỗ đi Mỹ, Trung Đông, châu Mỹ và một số nước khu vực châu Á từ 2018 và gặp khó khăn khi xin cấp CO từ đó đến giờ. Có những đơn hàng đi Mỹ mất khoảng hơn 40 ngày nhưng xin cấp CO tại phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mất tới 2,5 tháng. Những trường hợp đó chúng tôi mất trắng lô hàng" – bà Nụ chia sẻ và mong muốn nhận được hỗ trợ về thủ tục cấp CO để thuận lợi hơn khi gia nhập EVFTA.
Ông Trần Việt Cường – Tổng Giám đốc công ty Sản xuất và Phân phối Cacao Đồng Nai. |
Ông Trần Việt Cường – Tổng Giám đốc công ty Sản xuất và Phân phối Cacao Đồng Nai thì băn khoăn về việc không chứng minh được có bao nhiêu lượng hàng và đang bị cạnh tranh mất lợi thế từ các quốc gia khác. Ông Cường đề xuất Nhà nước áp dụng nguyên tắc truy xuất nguồn gốc từng khâu bằng tem nhãn, cấp CO điện tử để doanh nghiệp dễ dàng thuận lợi hơn khi xin cấp CO để xuất khẩu hàng hoá.
Lớn lên từ "ao làng" vẫn đủ sức "đem chuông đi đánh xứ người"
Ngoài ra là hàng loạt những khó khăn cần tháo gỡ về thuế và thủ tục trong nước mà doanh nghiệp Việt yêu cầu cơ quan quản lý hỗ trợ để có thể tự tin gia nhập EVFTA.
Hay nói theo cách của nhà báo Tạ Bích Loan, EVFTA ví như anh "chồng ngoại" tuy giàu có nhưng nhiều khác biệt khiến "cô dâu" – doanh nghiệp Việt phải tìm cách thích nghi và hoà hợp. Điều này nếu nói một cách bi quan là "rào cản" nhưng nếu nói theo nghĩa tích cực thì là những "điều kiện" để doanh nghiệp Việt Nam có thể từ cái "ao làng" mà "đem chuông đi đánh xứ người" ở nơi "biển lớn".
Đầu tiên là những ràng buộc pháp lý. Để được EU thông qua EVFTA, Việt Nam đã chấp nhận 08 tiêu chuẩn cơ bản (công ước) của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động. Và cho đến nay Việt Nam đã phê chuẩn 7/8 tiêu chuẩn này.
Theo bộ Công Thương, hiện nay Chính phủ đã và đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh; từ đó đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như luật Đầu tư, luật DN, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật Đất đai, luật Xây dựng, luật Bảo vệ môi trường, bộ Luật lao động và một số Luật về thuế... để phù hợp với các quy định và tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ EVFTA đưa ra.
Tựu trung, để có thể đón lấy những cơ hội từ EVFTA, cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề và chưa khống chế được hoàn toàn thì "phần thưởng" EVFTA chỉ giống như một "khe cửa hẹp" để doanh nghiệp Việt lách qua.
Theo bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5/2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 2,8%, trong đó xuất khẩu giảm 0,9%, và nhập khẩu giảm 4,6%. Nếu tính riêng tháng Tư năm 2020, xuất khẩu giảm 27,1% và nhập khẩu giảm 16,4% so với tháng trước đó, và lần lượt giảm 13,9% và 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Bản thân các nước EU cũng đang bị suy giảm kinh tế vì Covid-19 và chưa có khả năng phục hồi ngay, có ý kiến nhận định một cách hình ảnh rằng trong cuộc chạy đua kiểu Rùa và Thỏ thì EU dường như đang là con Thỏ đã phải chạy chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch.
Do đó, tuy là "khe cửa hẹp" nhưng EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh, đạt được những thành tựu trong xuất khẩu nói riêng và phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tránh phụ thuộc vào thị trường cũ.
"Có nghiên cứu dự báo rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế Liên minh châu Âu có thể giảm 7% - 7,5% trong năm 2020. Chúng ta nhớ rằng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 khi kinh tế của EU giảm 4% thì xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã giảm hơn 13%". (Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế) |
Hoàng Yến
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (114)