Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Theo đó, sau khi nghe ý kiến báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND TP Hà Nội khẩn trương thu hồi cơ sở nhà đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ.
Khu "đất vàng" số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) có diện tích sử dụng gần 5.500 m2, là trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam.
Trước đó, theo kết luận của TTCP, Hãng phim truyện Việt Nam ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Cty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty, tổ chức chuyên nghiệp quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền. Sau kết quả này, công ty vận tải thủy Vivaso - đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim - xin thoái vốn.
Với vị trí đắc địa và có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng, việc định giá và sử dụng mảnh đất số 4 Thuỵ Khuê từng là vấn để gây tranh cãi trong việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Theo ghi nhận của PV, một số xưởng sản xuất của Hãng phim truyện Việt Nam đã gần như bị "bỏ hoang" từ lâu.
Nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng.
Hãng phim truyện Việt Nam từng gặt hái được thành công vào những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, trải qua thời gian, hãng ngày càng trở nên thất thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của một loạt các hãng phim tư nhân. Bỏ qua giá trị thương hiệu, dư luận cho rằng nhiều nhà đầu tư tham gia mua cổ phần VFS chỉ nhằm mục đích "thâu tóm" đất vàng.
Lô đất ngõ 151 Hoàng Hoa Thám thuộc quyền quản lý của VFS cũng được đánh giá là đất vàng, có giá trị cao.
Đây là lô đất nằm ở vị trí sau trụ sở Cục Điện Ảnh (Bộ Văn hoá Thể thao và Du Lịch).
Theo bảng giới thiệu, địa chỉ 151 Hoàng Hoa Thám là nơi làm việc của Trường quay Cổ Loa, Công ty Cổ phần Phim truyện I và Công ty TNHH Phim Studio A Việt Nam.
Năm 2008, để phục vụ cho việc thực hiện các bộ phim lịch sử chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH- TT-DL) quyết định triển khai dự án phục hồi, nâng cấp, cải tạo trường quay Cổ Loa giai đoạn 1 với tổng số vốn đầu tư hơn 106 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của PV, bên trong khuôn viên của Trường quay Cổ Loa xuất hiện nhà xưởng, kho bãi kinh doanh.
Trên thực tế, Trường quay Cổ Loa cũng không đáp ứng được kỳ vọng khi được đầu tư hơn trăm tỷ đồng nhưng chỉ phục vụ cho một số bộ phim như "Thái sư Trần Thủ Độ", "Huyền sử thiên đô"… rồi lại rơi vào quên lãng.
Hiếu Nguyễn