Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, rằng Mỹ sẽ xem xét hành động quân sự phủ đầu nhằm vào Triều Tiên, đang làm dấy lên câu hỏi vốn đã ám ảnh các nhà hoạch định chiến lược quân sự ở Washington nhiều năm qua: Làm thế nào thực hiện hành động đó?.
Theo báo NY Times, Mỹ từ lâu đã dọa dùng đến vũ lực nhưng luôn ở trạng thái mập mờ, vì những tuyên bố như vậy chỉ dừng ở mức chuẩn bị cho chiến tranh chứ không phải hành động thực sự để ngăn chặn Triều Tiên.
Và có một lý do khiến Mỹ không hành động kể cả các chương trình vũ khí của Triều Tiên có vượt quá ranh giới đỏ.
NY Times trích dẫn lập luận của các nhà phân tích rằng, mọi kế hoạch đều chứa đựng rủi ro cao bởi có thể leo thang ngoài ý muốn tới một cuộc chiến toàn diện. Nó sẽ đặt hàng triệu người Hàn Quốc và Nhật Bản vào tầm bắn của Triều Tiên mà rất ít lợi thế được đảm bảo.
Các nhà chức trách đã nêu ra khả năng tấn công phủ đầu nhưng lựa chọn này chứng tỏ khủng hoảng sẽ càng trầm trọng hơn. Và những vấn đề liên quan một kế hoạch như thế cho thấy vì sao khủng hoảng vẫn chưa thể giải quyết được suốt 2 thập niên qua.
Một cuộc tấn công phủ đầu, nhìn chung, nằm ở 3 khả năng. Cũng như các tuyên bố trước kia của Mỹ, Ngoại trưởng Tillerson không nói rõ những lựa chọn nào đang được bàn bạc.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson - Ảnh: Reuters |
Cách thức tiến hành: Mike Mullen - cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - mô tả hồi tháng 9 tại Hội đồng Đối ngoại rằng một cuộc tấn công như vậy mang tính "tự vệ" hơn là phủ đầu. Theo ông, nếu Triều Tiên tỏ ra sẵn sàng phóng một tên lửa hạt nhân thì các cuộc tấn công của Mỹ "sẽ loại bỏ khả năng phóng ngay từ bệ phóng, hoặc hạ mục tiêu ngay khi chúng được phóng".
Thách thức: Tấn công các bệ phóng ngay khi mở không phải là điều dễ dàng. Trong thời chiến, Triều Tiên có thể sử dụng các bệ phóng di động, giấu ở nhiều địa điểm khác nhau như dưới hầm ngầm.
Rủi ro: Chắc chắn sẽ quá muộn để ngăn chặn tất cả các tên lửa hạt nhân từ lúc chúng bay khỏi mặt đất đến khi đáp xuống mục tiêu.
Tấn công một loạt để phá kho vũ khí
Cách thức: Tấn công các cơ sở tên lửa và hạt nhân sẽ làm trì hoãn chương trình tên lửa, và buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ. Có thể tấn công mạng đồng thời với tấn công vũ lực để hủy hoại các chương trình này và phá vỡ hệ thống chỉ huy quân sự.
Thách thức: Vì chương trình của Triều Tiên là tự phát triển chứ không nhập từ bên ngoài, nước này biết cách thay thế những cơ sở bị phá hủy. Và cũng rất khó có thể tấn công những tên lửa đang được giấu kín trên cả nước.
Rủi ro: Kể cả tấn công có giới hạn cũng có thể bị trả đũa. Một cuộc tấn công đủ rộng để phá hủy chương trình vũ khí của Triều Tiên có thể khiến nước này sợ bị xâm lược hoặc ám sát, tiềm tàng dẫn đến chiến tranh toàn diện.
Một cuộc chiến theo kiểu Mỹ
Cách thức: Mỹ sẽ khởi xướng một cuộc chiến để triệt hạ chính phủ Triều Tiên ngay tức khắc, giống như trường hợp Iraq năm 2003.
Thách thức: Triều Tiên có các kế hoạch chiến tranh được cho là yêu cầu tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân sâu rộng để ngăn chặn bất kỳ cuộc xâm lược nào.
Rủi ro: Triều Tiên gần như chắc chắn sẽ thành công trong việc phóng một số vũ khí hạt nhân và hóa học, tiềm tàng giết chết hàng triệu người.
Bất kỳ một kế hoạch nào cũng đều phải đối mặt với một loạt vấn đề chung khó có thể vượt qua.
Vấn đề trả đũa
Trước thế vượt trội của Mỹ về quân sự, Triều Tiên có một lợi thế quan trọng: Sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Nước này sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công giới hạn nào bằng cách gây ra những thiệt hại mà kẻ thù khó chịu đựng được. Chẳng hạn, Triều Tiên có thể phát động tấn công mạng – như nước này bị tình nghi thực hiện năm 2003 chống lại hệ thống ngân hàng Hàn Quốc và năm 2014 chống lại hãng Sony Pictures.
Nước này có thể khuấy đảo nguy cơ xung đột, giúp ban lãnh đạo Triều Tiên huy động sức mạnh dân chúng. Người Mỹ, người Hàn Quốc hay người Nhật đều không sẵn sàng chấp nhận đe dọa chiến tranh bằng họ.
Mark Fitzpatrick, một học giả thuộc Viện Các nghiên cứu chiến lược Quốc tế, nhận định rằng các kế hoạch tấn công có thể đối mặt với sự phản đối gay gắt từ các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản, vì người dân hai quốc gia này "sẽ hứng trả đũa là chính". Và thực tế này làm hạn chế các lựa chọn quân sự của Mỹ.
Triều Tiên cũng chứng tỏ sẵn sàng dùng đến bạo lực nếu bị đẩy vào ngưỡng chiến tranh, điển hình là vụ nã pháo vào đảo Hàn Quốc và đánh chìm tàu Hàn Quốc năm 2010.
Vấn đề leo thang
Triều Tiên biết mình có thể thua trận. Nếu chiến tranh xảy ra, nước này sẽ kêu gọi trả đũa toàn diện và đến tận phút chót để ngăn chân người Mỹ.
Chiến lược này tạo ra một rủi ro khiến các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ chùn bước: Triều Tiên có thể chấp nhận một cuộc chiến dù giới hạn, như một sự tuyên chiến và phản đáp bằng sức mạnh vũ khí toàn diện.
Vì năng lực hạt nhân của Triều Tiên đang mạnh lên, khoảng cách giữa một cuộc tấn công đơn lẻ và một cuộc chiến tranh toàn diện bị thu hẹp. Và trường hợp một cuộc chiến toàn diện nổ ra thì giá của nó sẽ vô cùng khủng khiếp.
Khi còn là tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc, Tướng Curtis M. Scaparrotti từng nói trước một ủy ban quốc hội Mỹ năm 2016 rằng chiến tranh với Triều Tiên "sẽ tương tự cuộc chiến Triều Tiên và Thế chiến II - rất phức tạp, có thể gây thương vong rất lớn".
Các nhà phân tích không nghĩ Mỹ có thể áp dụng lại chiến lược giành thắng lợi nhanh chóng như kiểu ở Iraq năm 2003. Trong trường hợp chiến tranh, Triều Tiên sẽ tấn công hạt nhân vào các cảng và căn cứ không quân then chốt ở Hàn Quốc và Nhật Bản, ngăn người Mỹ xâm lược "ngay từ trứng nước".
Trong khi đó, các cuộc chiến hạt nhân và hóa học nhằm vào các trung tâm dân số lớn sẽ khiến toàn thế giới choáng váng. Phòng thủ tên lửa sẽ là một lựa chọn sử dụng hạn chế trước các tên lửa tầm ngắn, và không thể chống lại hàng trăm mảnh pháo của Triều Tiên cùng lúc, với nhiều trong số này nhắm tới Seoul.
Vấn đề chiến lược
Câu hỏi có lẽ hóc búa nhất là một kế hoạch như vậy có giúp Mỹ đạt được mục tiêu chiến lược hay không.
Theo giới phân tích, tấn công quân sự có thể là lựa chọn tồi để giải quyết vấn đề mang tính chính trị. Tấn công kiểu chiến tranh sẽ càng gây nguy hiểm. Tấn công dẫn tới chiến tranh sẽ dẫn tới giao đấu hạt nhân.
Việc Mỹ từ lâu vẫn duy trì các kế hoạch tấn công rõ ràng cho thấy tính cấp bách của cuộc khủng hoảng Triều Tiên cũng như mức độ khó giải quyết của nó.
Theo Thanh Hảo