Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hậu quả khôn lường khi “con dấu quyền lực” trao nhầm người

(DS&PL) -

Từ khi chủ trương xã hội hóa được triển khai, việc hành nghề công chứng đã phát triển nhanh chóng.

Từ khi chủ trương xã hội hóa được triển khai, việc hành nghề công chứng đã phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, sự thiếu điều chỉnh kịp thời từ phía các cơ quan quản lý đang khiến hoạt động của những văn phòng công chứng trở nên sai lệch, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Làm giả hồ sơ để có “con dấu quyền lực”

Mới đây, sở Tư pháp tỉnh Bình Phước đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh về hành vi làm giả, lập khống nhiều hồ sơ của văn phòng công chứng (VPCC) Nguyễn Huy Vinh trên địa bàn. Thậm chí, sự việc có sự liên quan của 1 thanh tra viên của chính cơ quan này.

Theo hồ sơ, vào tháng 10/2018, sở Tư pháp tỉnh Bình Phước nhận được 3 hồ sơ đăng ký thành lập VPCC. Sau khi tổ chức chấm điểm, vì bị từ chối nên đại diện VPCC Nguyễn Thị Cẩm Tú đã đưa đơn khiếu nại. Tuy nhiên, khi sở Tư pháp tỉnh Bình Phước mời đến làm việc thì người đại diện liên tục vắng mặt nên đơn khiếu nại đã bị bác bỏ. Khi bà Nguyễn Thị Cẩm Tú tiếp tục khiếu nại lần thứ hai, nhận thấy dấu hiệu bất thường, sở Tư pháp đã thành lập tổ công tác để xác minh. Từ đó, cơ quan chức năng đã phát hiện bà Tú có sự gian dối trong giấy tờ, khai man lý lịch về hộ khẩu thường trú.

Đồng loạt kiểm tra các hồ sơ nhân sự mà bà Tú trình lên để đăng ký thành lập VPCC Nguyễn Thị Cẩm Tú, các cán bộ sở Tư pháp tỉnh Bình Phước phát hiện, tất cả các hồ sơ của công chứng viên, kế toán, nhân viên pháp lý... đều được chứng thực bởi công chứng viên Trần Thanh Hậu, VPCC Nguyễn Huy Vinh.

Qua làm việc với cơ quan chức năng, ông Hậu khai nhận đã ký khống các hồ sơ này khi nhận được từ ông Nguyễn Tuấn Cảnh, Thanh tra viên sở Tư pháp tỉnh Bình Phước. Kết quả xác minh của sở Tư pháp cũng chỉ ra, ông Cảnh đã thu thập tài liệu rồi làm khống hồ sơ trong khi những người có liên quan là Đỗ Đình Hiến, Phạm Thị Lắm, Đặng Thị Yến không hề hay biết. Một nhân chứng khác là bà Trần Thị Lan, từng làm việc tại VPCC Nguyễn Huy Vinh cũng cho hay, VPCC này là hợp danh giữa ông Nguyễn Huy Vinh và ông Trần Thanh Hậu nhưng mọi việc đều do ông Cảnh điều hành.

Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước đã phát hiện nhiều sai phạm của các văn phòng công chứng trên địa bàn.

Từ đó, sở Tư pháp tỉnh Bình Phước đã chuyển tin báo về tội phạm đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh để điều tra, xử lý hành vi làm giả và tham lập khống nhiều hồ sơ, giấy tờ, tài liệu mang tên pháp nhân do Nhà nước cho phép thành lập là VPCC Nguyễn Huy Vinh để lừa dối hoạt động quản lý nhà nước của ông Cảnh và hành vi giả mạo trong công tác của ông Hậu. Đồng thời, ban Giám đốc sở Tư pháp cũng báo cáo Đảng ủy về dấu hiệu phạm tội của thanh tra viên Nguyễn Hữu Cảnh.

Cách đây không lâu, cơ quan này cũng đề nghị cơ quan công an điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự với 2 đối tượng làm giả hồ sơ tập sự hành nghề công chứng. Trong đó có liên quan đến công chứng viên Hoàng Lê Lan, Trưởng VPCC Hoàng Kim Vinh, nguyên Chánh án TAND tỉnh. Không chỉ riêng tại Bình Phước, hoạt động hành nghề công chứng còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương khác. Trong 3 năm (2016-2018), sở Tư pháp tỉnh Gia Lai đã tổ chức 18 cuộc thanh tra tại 20 tổ chức hành nghề công chứng. Qua đó đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 công chứng viên, 4 văn phòng công chứng (VPCC Xuân Thủy, VPCC Đak Đoa, VPCC Xuân Hiệp và VPCC Đức Cơ) với tổng số tiền là 53 triệu đồng.

Tại TP.HCM, sau khi bị phát hiện thuê người mở VPCC với giá 1 tỷ đồng rồi làm giả con dấu để hoạt động, đối tượng Nguyễn Thị Kim Nga đã bị TAND quận xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Cũng trong tháng Chín vừa qua, Thanh tra bộ Tư pháp đã có quyết định xử phạt bà Trần Thị Thảo (huyện Củ Chi, TP.HCM) là 9 triệu đồng, tước thẻ công chứng viên 12 tháng từ ngày 27/8 vì công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng, sở hữu riêng đối với tài sản khi tham gia giao dịch.

Yếu và thiếu cả chuyên môn lẫn đạo đức

Theo thống kê của bộ Tư pháp, cả nước đã có 2.400 công chứng viên hành nghề tại hơn 1.000 tổ chức hành nghề công chứng trên toàn quốc. Các tổ chức hành nghề công chứng phát triển khá mạnh mẽ ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố lớn khác. Kéo theo đó, số lượng, giá trị các hợp đồng, giao dịch thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng cũng tăng nhanh.

Cũng theo thống kê của bộ Tư pháp, số đơn khiếu nại, tố cáo phản ánh về hoạt động công chứng, công chứng viên ở các địa phương gửi về bộ có dấu hiệu gia tăng. Tại Hà Nội, TP.HCM, hiện tượng sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng không đúng quy định; thiếu chữ ký của công chứng viên hoặc người yêu cầu công chứng vào từng trang của hợp đồng giao dịch khi công chứng vẫn xảy ra. Thậm chí, tình trạng treo biển hiệu không đúng quy định, công chứng ngoài trụ sở... là bất cập tái diễn nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Chánh Thanh tra sở Tư pháp tỉnh Gia Lai cho biết, nội dung sai phạm của các tổ chức công chứng thường là không niêm yết lịch làm việc, thủ tục công chứng, nội quy tiếp người yêu cầu công chứng tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; không sử dụng các loại sổ sách theo quy định; lưu trữ hồ sơ công chứng và mua bảo hiểm cho công chứng viên không đúng quy định...

Đối với công chứng viên là những sai phạm trong việc công chứng hợp đồng, giao dịch không có căn cứ xác định quyền sử dụng, sở hữu riêng đối với tài sản khi tham gia giao dịch; chứng thực chữ ký trong trường hợp người yêu cầu chứng thực xuất trình bản chứng minh nhân dân không còn giá trị sử dụng; ghi lời chứng không đúng mẫu quy định...

“Điều khó khăn trong công tác quản lý VPCC là theo quy định, chúng tôi chỉ được thanh, kiểm tra 1 lần/năm và phải có kế hoạch chứ không được hậu kiểm. Thậm chí, trường hợp thanh tra đột xuất cũng phải có văn bản xin ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh cho phép mới được tiến hành”, ông Chiến trình bày.

Luật sư Nguyễn Văn Đức, đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo Điều 17, luật Công chứng, công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình. Việc công chứng này nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

“Thời gian qua, một số công chứng viên đã được bổ nhiệm “quá dễ dãi”, phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng quá rộng, thời gian đào tạo nghề quá ngắn nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu khi ra hành nghề. Vì vậy, cần phải sửa đổi luật Công chứng để hoạt động này phát huy tối đa hiệu quả, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch”, luật sư Đức đánh giá. Bà

Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng cục Bổ trợ tư pháp (bộ Tư pháp) nhận định: “Để nâng cao quản lý đối với hoạt động công chứng, chúng tôi đang nghiên cứu các biện pháp mang tính chất bổ trợ để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước như nâng cao điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, kiểm soát ngay từ khâu cấp chứng chỉ hành nghề công chứng”.

Hà Nhân 
Bài đăng trên báo giấy Đời Sống & Pháp luật số 41

Tin nổi bật