Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hạnh phúc làm mẹ của người phụ nữ không tay: "...Nó giờ là niềm hy vọng duy nhất của tôi”

(DS&PL) -

Dù sinh ra trong hoàn cảnh nghiệt ngã khi không có đôi bàn tay nhưng chị Trần Thị Cậy (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn quyết tâm chiến thắng số phận cùng nghị lực phi thường.

Dù sinh ra với hình hài không trọn vẹn nhưng chị Trần Thị Cậy vẫn quyết tâm vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường. Ở tuổi 37, chị Cậy đang sống trọn vẹn từng khoảnh khắc dưới mái nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười, nô đùa của cậu con trai bé bỏng - “tia sáng” hiếm hoi hiện diện trong đời chị.

Khát khao hạnh phúc của  người phụ nữ khiếm khuyết

Vào một ngày cuối thu, PV Đời sống & Pháp luật tìm về căn nhà nhỏ của mẹ con chị Trần Thị Cậy (Sóc Sơn, Hà Nội) và bé Trần Minh Khôi tại xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội. Khi PV đến nhà cũng là lúc chị Cậy vừa dọn rác ở vườn cây và đang cho đàn chim ăn. Nhìn chị khom người, thoăn thoắt dùng chân và một phần tay ngắn ngủi để múc thức ăn cho chim khiến người đối diện không khỏi thán phục. Dường như quá quen thuộc với phản ứng đó, chị chỉ cười xoà rồi nói: “Có gì đâu, làm nhiều rồi thành quen”.

Bên trong căn nhà nhỏ, cậu con trai Minh Khôi đang ngồi tập đánh vần từng chữ cái. Nhìn thấy người lạ, cháu vội sà vào lòng mẹ, mặt đỏ bừng. Hai cánh tay ngắn ngủi của chị Cậy bỗng vô thức khép lại như để che chở cho đứa con bé bỏng.

Chị Trần Thị Cậy và bé Trần Minh Khôi.

Kể lại đường đời của mình, giọng chị Cậy bỗng lạc đi. Sinh ra trong một gia đình bốn người con nhưng chỉ mình chị mắc dị tật. Sớm thích nghi với hoàn cảnh, chị phải tự học từng việc đơn giản nhất như cầm thìa, cầm đũa, mặc quần áo bằng phần tay cụt của mình.

"Chả trách ai được mà mình phải tự làm thôi. Dần dần cũng quen với việc quét nhà, rửa bát bằng chân, cánh tay cụt mình tự điều khiển, lựa nó để di chuyển đồ vật”, chị Cậy kể.

Đến tuổi lấy chồng, chị Cậy không khỏi tủi thân, mặc cảm vì thân hình khác người. Dù chẳng có ước mơ gì đặc biệt, nhưng khi nhìn những người con gái khác được hưởng thiên chức làm mẹ, chị cũng chạnh lòng và nghĩ đến bản thân. Thế rồi, chị cũng tìm được một chàng trai đem lòng yêu thương mình.

Hàng ngày, chị Cậy tự mình làm mọi việc bằng đôi bàn tay "chim cánh cụt".

Khi tình cảm mới chớm nở thì chị Cậy chủ động chia tay. Trong thâm tâm, chị sợ rằng bản thân sẽ trở thành gánh nặng cho chàng trai, khiến họ vất vả suốt đời. Mối tình của họ kết thúc cũng là lúc chị Cậy biết mình đang mang thai.

Được khuyên “bỏ” nhưng quyết không nghe theo

Đứng trước hai ngã rẽ: Giữ lại đứa bé hay chấp nhận bỏ nó đi, câu hỏi khiến chị Cậy không khỏi băn khoăn.

“Lúc đấy suy nghĩ nhiều lắm vì thân mình còn chưa lo nổi, huống gì chăm sóc một đứa trẻ, nhiều người cũng khuyên hay là bỏ thai đi cho đỡ vất vả”, chị Cậy kể lại.

Hơn nữa, chị lo sợ cháu bé sinh ra sẽ bị khuyết tật giống mình. Nhưng rồi chị cũng an lòng hơn vì sau khi đi thăm khám nhiều nơi, các bác sỹ khẳng định cháu bé phát triển bình thường.

“Nhiều người có đầy đủ chân tay còn đang phải đi cầu xin một đứa con mà chưa được. Mình hoàn cảnh như vậy, ông trời cho mụn con thì không thể bỏ nó đi được, tôi không can đảm làm điều đó”, với suy nghĩ đó, chị Cậy dặn lòng phải vững tâm cho chặng đường phía trước.

Tháng 6/2015, cháu Trần Minh Khôi chào đời. Kể từ khi có con, cuộc đời chị Cậy được thắp lên niềm hy vọng mới. Nhưng ẩn sau đó cũng là nỗi lo của thân phận người phụ nữ khi phải một mình nuôi con.

Thiếu vắng bàn tay người đàn ông, chị Cậy cùng bà ngoại bé Minh Khôi phải tự xoay xở mọi việc, từ bế ẵm, bú mớm, thay tã, tắm giặt cho bé. Cuộc sống không tránh khỏi những khó khăn bởi lúc đó chị vẫn chưa thể làm việc, mà hoàn cảnh người thân cũng chẳng dư dả để hỗ trợ chị.

5 năm trôi qua, bé Minh Khôi ngày nào giờ đã ra dáng một thiếu niên khoẻ mạnh, hoạt bát, lanh lợi nhưng cũng có phần già dặn so với lứa tuổi.

“Đời tôi khổ lắm rồi, giờ chỉ mong cháu lớn lên cứng cáp, biết nghĩ cho hoàn cảnh gia đình. Nó giờ là niềm hy vọng duy nhất của tôi”, ánh mắt chị Cậy sáng lên khi nói về Minh Khôi.

Không đao to búa lớn, tình mẫu tử thiêng liêng được chị Cậy thể hiện thông qua những điều giản dị nhất. Dù không biết chữ nhưng chị Cậy tự lên mạng Internet để tự học để dạy cho con mình. Người mẹ chưa một ngày tới trường giờ đây cũng ngồi mày mò từng con chữ, đánh vần từng từ với quyết tâm theo sát việc học của con.

Chị Cậy dành tình yêu thương vô bờ bến cho bé Khôi.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, chị Cậy không hề oán giận người bố của bé Minh Khôi. Chị tâm sự rằng bố của cháu bé vẫn quan tâm, hỏi thăm Khôi, đồng thời gửi hỗ trợ để nuôi cháu.

Những năm qua, câu chuyện của chị Cậy đươc nhiều người biết đến hơn thông qua mạng xã hội. Căn nhà nhỏ của chị được xây năm 2017, là thành quả của sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân và tấm lòng của các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện Sóc Sơn.

Ngoài ra, chị Cậy còn được địa phương hỗ trợ một đôi bò giống, giúp chị có thêm thu nhập để “rau cháo qua ngày”. Trong thâm tâm, người mẹ này luôn muốn phát triển thêm các ngành nghề khác để cuộc sống của bé Minh Khôi được đủ đầy hơn.

“Phải bám chặt lấy đàn bò để có thu nhập ổn định, rồi chị sẽ nuôi thêm chó hoặc trồng cây nhằm kiếm thêm thu nhập. Mình không thể ỷ lại vào tiền trợ cấp hàng tháng được”, chị tâm sự.

Căn nhà nhỏ của mẹ con chị Cậy tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Câu chuyện bị ngắt quãng mỗi lúc bé Minh Khôi cất tiếng gọi mẹ. Bất giác, Minh Khôi chỉ cho chúng tôi xem hình ảnh của các chú công an, bộ đội, rồi nở nụ cười rạng rỡ. Đó dường như cũng là nghề nghiệp mà em ước mơ được làm khi lớn lên.

Khi được hỏi về ước muốn của mình trong ngày 20/10, chị Cậy nghĩ một lúc lâu rồi nói: “Về phần mình thì không có ước muốn gì, chỉ mong rằng có sức khỏe để nuôi con. Rồi dần dần có thể kinh doanh, làm ăn thêm nhằm thoát cái nghèo, không phụ lòng của những người đã giúp đỡ mình”, chị bộc bạch.

Hiếu Nguyễn

Tin nổi bật