Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hàng tỷ cổ phiếu dự kiến được bơm ra thị trường

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Khoảng 15 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đang có kế hoạch phát hành thêm tổng cộng gần 8,5 tỷ cổ phiếu.

Theo chuyên trang An ninh Tiền tệ, thống kê sơ bộ, 15 cái tên trên sàn chứng khoán đang có kế hoạch phát hành thêm tổng cộng gần 8,5 tỷ cổ phiếu. Càng gần mùa Đại hội cổ đông, các kế hoạch phát hành, tăng vốn lại càng xuất hiện nhiều.

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 tới đây, HĐQT Hòa Phát đề xuất phương án thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 10%, tương ứng công ty sẽ phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng. Tương tự, 2 công ty chứng khoán là Vietcap, FPTS cũng có tờ trình tăng vốn trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 sắp diễn ra.

Vietcombank, VietinBank, Novaland dẫn đầu về số lượng phát hành thêm. Ảnh: An ninh Tiền tệ

Một số trường hợp khác đang triển khai có thể kể đến như HSC, phát hành 69 triệu cổ phiếu trả cổ tức và chào bán 228,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; HAGL chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu. Còn lại, đa phần các kế hoạch đã được ĐHĐCĐ, HĐQT thông qua trước đó nhưng doanh nghiệp chưa triển khai và dự kiến sẽ được thực hiện thời gian tới. 

Ở nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán),  2 "ông lớn" ngành ngân hàng là Vietcombank và VietinBank đều dự kiến sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích quỹ của năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vietcombank dự kiến sẽ phát hành thêm 2,17 tỷ cổ phiếu trong khi VietinBank sẽ phát hành 1,16 tỷ cổ phiếu mới.

"Bộ đôi" đầu ngành chứng khoán là SSI và VNDirect cũng có kế hoạch tăng vốn "khủng" thông qua thưởng cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ, ESOP. Trong đó, SSI đã được cổ đông "bật đèn xanh" thông qua bằng văn bản cuối năm ngoái còn kế hoạch của VNDirect đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua.

Theo thông tin trên báo Vietnam Plus, theo Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (DSC), cuộc đua tăng vốn giữa các công ty chứng khoán có dấu hiệu "nóng" trở lại trong giai đoạn cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, khi có tới 7 công ty chứng khoán lớn công bố phương án tăng vốn điều lệ. Tổng giá trị tăng vốn dự kiến là khoảng 17.000 tỷ đồng, chủ yếu được sử dụng để mở cung margin (vay ký quỹ), bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và đầu tư khác.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp tăng vốn để bù lại dòng vốn đang bị “đóng băng” do nắm giữ lượng lớn trái phiếu. Nhìn chung, các đợt tăng vốn có thể coi là chiến lược đi trước đón đầu làn sóng tăng của thị trường chứng khoán trong năm 2024 với sự hồi phục của các doanh nghiệp và vận hành hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin điều hành và quản lý giao dịch trên thị trường chứng khoán của Hàn Quốc).

Theo DSC, mảng cho vay ký quỹ còn nhiều động lực tăng trưởng. Xu thế hy sinh một phần lợi nhuận mảng môi giới sẽ còn tiếp tục trong năm 2024, bù lại các doanh nghiệp có thể thu hút tệp khách hàng mới và tạo tiền đề cho mảng margin.

Tuy nhiên, các đợt tăng vốn diễn ra liên tục trong giai đoạn 2022-2023 đã khiến cung margin mở rộng, tỷ lệ dư nợ cho vay/vốn chủ sở hữu toàn ngành mới ở mức 68%. Với ngưỡng cho vay tối đa là 200%, dư địa cho vay năm 2024 là khá lớn. Lợi nhuận từ mảng margin 5 năm gần đây luôn đóng góp 35-45% vào lợi nhuận gộp của các công ty chứng khoán. Vì vậy DSC kỳ vọng mảng cho vay margin sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhóm chứng khoán.

Tuy nhiên, việc tăng vốn nóng trong bối cảnh thanh khoản thị trường chưa thực sự sôi động trở lại có nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong ngắn hạn.

Tốc độ tăng lợi nhuận chậm hơn tốc độ tăng vốn đã khiến chỉ số ROE (Tỷ số lợi nhuận trên tài sản) trung bình của nhóm công ty chứng khoán niêm yết trên HOSE và HNX giảm xuống mức rất thấp. Cần vài năm để dòng tiền tăng vốn được hấp thụ. Vì vậy, chỉ số ROE sẽ duy trì ở mức thấp trong giai đoạn 2024-2025, DSC nêu quan điểm.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật