Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hàng nghìn tấn hải sản nằm trong kho lạnh, doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa”

(DS&PL) -

Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến cho tôm cá tại thị xã Cửa Lò không thể bán được, khiến cho nhiều hộ kinh doanh rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất.

Lao đao duy trì hoạt động

Cứ mỗi ngày trôi qua, anh Phạm Văn Quyết, SN 1971, trú khối Hải Giang 2, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An lại thêm nóng ruột bởi gần 100 tấn tôm cá vẫn chưa tiêu thụ được từ đầu mùa hè cho đến giờ.

“Tôi tích trữ hàng hải sản để phục vụ 30/4 – 1/5. Thế nhưng, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư vào ngày 27/4 đã khiến du lịch Cửa Lò rơi vào tình trạng “đóng băng”. Cũng vì vậy, gần 5 tháng qua, số hàng của gia đình vẫn nằm trong kho chẳng thể nào bán được”, anh Quyết thở dài.

Gần 100 tấn hải sản không tiêu thụ được

Điều đáng nói, không bán được hàng nhưng mỗi tháng gia đình anh Quyết còn mất trăm triệu đồng chi phí tiền điện và lương công nhân.

“Gia đình tôi có 7 công nhân, mặc dù không có việc nhưng vẫn phải hỗ trợ tiền lương cho họ. Để chứa gần 100 tấn tôm cá, tôi phải sử dụng 2 kho đông, mỗi tháng cũng mất 30 triệu tiền điện”, anh Quyết rầu rĩ nói.

Người đàn ông này cho hay: “Mất gần trăm triệu mỗi tháng, vì vậy giờ tôi chỉ hy vọng dịch giảm đi để cuộc sống trở lại như trước, nếu không gia đình nguy mất”.

Hải sản của gia đình anh Quyết chủ yếu phục vụ cho nhà hàng, khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng... nhưng do dịch nên phải đóng cửa. Thậm chí, dịch bùng phát tại nhiều tỉnh nên cũng không thể vận chuyển đi bán được.

Mặc dù ki-ốt nằm ngay chợ Hải Sản nhưng hoàn cảnh của bà Trương Thị Tiến, SN 1956, trú phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò cũng rơi vào tình trạng tương tự.

“Sống ở khu du lịch quá nửa đời người, mở cửa hàng này cũng được 10 năm, nhưng chưa có lần nào thê thảm như năm nay. Cả mùa hè chỉ bán cầm chừng, không thu đủ vốn, trong khi bao nhiêu thứ chi tiêu. Cứ như thế này thì quán nguy mất”, bà Tiến nói.

Hiện nay, kho đông của bà còn hơn 30 tấn hải sản gồm tôm, mực, cá các loại... ước tính cũng khoảng 3 tỷ đồng. Mỗi tháng bà còn mất hơn chục triệu tiền điện để duy trì kho, tính từ đầu mùa hè đến nay ki-ốt của bà thất thu gần trăm triệu đồng.

Nín thở chờ dịch đi qua

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Lý, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Cửa Lò cho hay: “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hàng hoá lưu thông của người dân bị chậm lại. Thậm chí, một số hải sản không thể buôn bán được nên đang phải nằm trong kho đông lạnh chờ dịch đi qua”.

Hiện, khoảng 155 kho đông lạnh trên địa bàn thị xã Cửa Lò gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, các hộ kinh doanh đang phải chịu chi phí sản xuất rất lớn.

“Thị xã có nhiều xe đông lạnh chở cá đi các địa phương miền núi tiêu thụ. Tuy nhiên, xe luồng xanh chỉ được cấp phép đi đến duy nhất một điểm nên việc cung ứng hàng hoá khó tiếp cận khách hàng”, ông Lý cho hay.

Ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết, ngoài việc các hải sản không thể tiêu thụ được, trên địa bàn cũng đang có 300 tấn cá Vược, cá Hồng Mỹ đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không thể tiêu thụ do dịch COVID-19.

“Chúng tôi đã kết nối với một số doanh nghiệp đầu mối cung ứng, tiêu thụ thủy sản; một số tổ chức có nhu cầu tiêu thụ cá Vược, cá Hồng Mỹ để giúp người dân. Thế nhưng chừng đó vẫn chưa thể nào giải quyết được bởi số lượng cá đến kỳ thu hoạch rất lớn. Hiện, UBND thị xã Cửa Lò đã gửi văn bản đề nghị Sở Công Thương Nghệ An giúp đỡ”, ông Hùng nói.

Anh Ngọc

Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số Thứ 4 (156)

Tin nổi bật