Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hàng chục hộ dân có nguy cơ mất nhà, đất đã sinh sống gần 40 năm?

(DS&PL) -

Toàn bộ 20 hộ dân tại khu phố 5 (phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM) có nguy cơ mất trắng nhà, đất bởi những quyết định sai luật, sai chỉ đạo của UBND quận.

Toàn bộ 20 hộ dân tại khu phố 5 (phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM) có nguy cơ mất trắng nhà, đất bởi những quyết định sai luật, sai chỉ đạo của UBND quận.

Đột nhiên bị thu hồi đất "

Theo thông tin ghi nhận của PV, 20 hộ dân sống thành 2 dãy phố thuộc khu phố 5. Những hộ dân này, có người định cư trước năm 1975, có người tạo lập từ việc được cấp đất trước năm 1990 (là cán bộ ngân hàng) và có người mua lại từ người khác.

Theo họ, thời điểm mới đến đây tạo lập chỗ ở, sau nhà có con rạch (thuộc rạch nhánh của rạch Bần Đôn). Đến những năm 1980, hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố và huyện Nhà Bè, các hộ dân tiến hành lấp một phần (trên dưới 24m2) rạch Bần Đôn, lấy đất sản xuất, mở rộng nhà ở, công trình phụ. Sau đó, quận 7 thực hiện làm đường rộng 8m nên cắt một phần phần đất lấp rạch, phần còn lại người dân vẫn sử dụng bình thường.

Việc các hộ dân sử dụng phần đất trên được ghi nhận tại Báo cáo số 45/BC-UB/2002, ngày 17/12/2002 của UBND phường Tân Thuận Tây. Cụ thể, Báo cáo 45 ghi rõ: “Trong các năm từ 1978 đến 1998, các hộ dân do khó khăn về kinh tế đã tự ý khai thác cơi nới diện tích phía sau nhà để tăng gia sản xuất, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc và sinh hoạt”.

Cuộc sống của những người dân tại đây diễn ra bình yên trong gần 40 năm qua. Nhưng đến giữa năm 2011 - 2012, UBND quận 7 bất ngờ ra hàng loạt quyết định buộc các hộ dân phải tháo dỡ các căn nhà vì cho rằng xây dựng trái phép, vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đặc biệt, năm 2018, 2019 xuất hiện 3 “người lạ” tìm đến khu phố 5, gặp các hộ dân, nói rằng đất này là của họ, do công ty Mía đường cấp. Tuy nhiên, những “người lạ” này lại không cung cấp được Quyết định cấp đất, hay bất kỳ giấy tờ gì chứng minh đất thuộc sở hữu của họ. Các hộ dân thông báo với những “người lạ” này, nếu có tranh chấp thì khởi kiện ra tòa, để tòa định đoạt.

Ra quyết định trái quy định?

Theo những hộ dân, trong các biên bản ra năm 2011, 2012 có nội dung chung chung, không nêu rõ đối tượng bị lấn chiếm. Thời điểm ra biên bản là năm 2011, 2012 nhưng trong đó ghi thời gian vi phạm trước đó rất lâu như năm: 1972, 2005, 2007…?

Hàng loạt quyết định cưỡng chế với từng hộ dân được ban hành trong năm 2012 với lý do xây dựng nhà, công trình không phép. Trong những lần làm việc suốt thời gian qua, các hộ dân thừa nhận việc xây dựng không phép. Tuy nhiên, những công trình này được làm trước 1/7/2004 nên phải được cấp phép tồn tại theo chỉ thị của UBND TP.HCM, Quyết định số 54/207/QĐ-UB ND ngày 30/3/2007 của UBND TP.HCM, Công văn số 6414/UBND- ĐTMT ngày 7/12/2009 của UBND TP.HCM, Công văn hướng dẫn số 5144/HD-LS để giải quyết các công trình xây dựng trái phép trên địa bàn TP.HCM, do liên sở Xây dựng – Tài nguyên & Môi trường ban hành ngày 30/6/2010.

Đúng ra, khi kiểm tra, rà soát tình trạng nhà đất của các hộ dân đang ở, UBND quận 7 phải căn cứ vào Hướng dẫn số 5144/HD-LS ngày 30/6/2010 của liên sở Xây dựng - Tài nguyên & Môi trường, để xử lý theo hướng nhà xây dựng trái phép nhưng thuộc diện không bị cưỡng chế tháo dỡ. Mặt khác, đất của các hộ dân sử dụng làm đất ở từ trước ngày 15/10/1993, theo luật Đất đai thuộc trường hợp được công nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, UBND quận 7 từng thông tin thời điểm năm 2000, công ty Mía đường II đã cấp đất cho cán bộ công nhân viên của công ty đối với phần đất này. Việc này người dân không được kiểm chứng, cung cấp tài liệu. Tuy nhiên, nếu có việc cấp đất như UBND quận nói, thì việc này quá phi thực tế khi không khảo sát hiện trạng đất, không biết phần đất này đang thuộc về ai (Báo cáo số 45/BC – UB/2002) trước khi cấp.

Căn nhà gia đình ông Lê Đình Thơm.

Trò chuyện với PV, ông Lê Đình Thơm (sinh năm 1964, ngụ nhà không số, KP5) cho biết: “Năm 2000, gia đình tôi vào TP.HCM sinh sống. Không có chỗ ở nên cả nhà phải sống trên ghe, trôi nổi trên dòng kênh Tẻ, đến giáp Tết ghe bị chìm. Lúc này, thấy hoàn cảnh chúng tôi có khó khăn, nghèo khổ nên các ban, ngành đã cho gia đình tôi đến sống tại khu đất trống thuộc khu phố 5”.

Theo ông Thơm, đến năm 2003 gia đình ông sửa chữa cải tạo nhà thành nhà cấp 4 kiên cố hơn. Việc này không có giấy phép xây dựng, quá trình thi công, sửa chữa được cơ quan, ban ngành biết nhưng thuộc diện không bị cưỡng chế, tháo dỡ.

“Tuy nhiên, gần đây gia đình tôi và 19 hộ dân khác liên tục bị UBND phường Tân Thuận Tây yêu cầu tháo dỡ, di dời khỏi phần đất đang sinh sống, với lý do trả nhà đất lại cho cán bộ công nhân viên tổng công ty Mía đường II. Việc UBND phường Tân Thuận Tây thông báo thu hồi đất, không nói rõ là đất công hay đất giải tỏa? Những người xưng là người của công ty Mía đường không chứng minh được đất đã cấp cho họ và UBND cũng không chứng minh đất này thuộc dự án nào”, ông Thơm bức xúc nói.

Được biết, hoàn cảnh gia đình ông Thơm rất khó khăn. Gia đình thuộc diện có công với cách mạng, anh trai là liệt sĩ, bản thân ông là thương binh ở chiến trường Tây Nam, từng được Nhà nước phong tặng rất nhiều huân chương có công bảo vệ Tổ quốc. Sau khi xuất ngũ, ông Thơm tích cực tham gia phong trào phòng, chống tội phạm, bảo vệ khu phố. Ông từng bắt nhiều đối tượng phạm pháp, được Công an phường, quận ghi nhận, tặng thưởng.

Hiện nay, toàn bộ gia đình ông Thơm gồm 7 người đang sống trong căn nhà cấp 4 rộng 53m2. Toàn bộ chi tiêu sinh hoạt phụ thuộc vào nghề vá xe của ông, bởi vợ ông sức khỏe yếu, không thể đi làm. Nếu UBND quận 7 vẫn nhất quyết thực hiện cưỡng chế thì không biết gia đình một cựu chiến binh từng đổ máu hy sinh vì đất nước sẽ đi về đâu?

Nhận định về các quyết định do UBND quận 7 ban hành, luật gia, luật sư Trần Đình Dũng (đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Mục 2, Hướng dẫn số 5144/HD-LS ngày 30/6/2010 của Liên sở Xây dựng - Tài nguyên & Môi trường về việc giải quyết các công trình xây dựng trái phép (hiện đang có hiệu lực thi hành) trên địa bàn TP.HCM như sau:

Cụ thể, đối với nhà ở riêng lẻ: Trường hợp xây dựng không phép, sai phép trước ngày 1/7/2004 (ngày luật xây dựng có hiệu lực thi hành), căn cứ Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành điều 121 của luật Xây dựng; Công văn số 29/QLN ngày 12/2/2027 của Cục Quản lý nhà – bộ Xây dựng thì các trường hợp nhà ở công trình xây dựng không phép, sai phép trước ngày 1/7/2004 được tồn tại (không phải ban hành quyết định xử lý vi phạm xây dựng), mà hiện nay phù hợp với quy hoạch, kiến trúc thì được xem xét cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ (hoặc một phần) diện tích phù hợp quy hoạch và kiến trúc đó. Việc xác định diện tích phù hợp quy hoạch, phù hợp kiến trúc trên bản vẽ sơ đồ do phòng Quản lý đô thị (phòng Công Thương) quận, huyện thực hiện.

Trường hợp xây dựng không phép, sai phép từ 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2006 (theo điểm h, khoản 1, Điều 8, Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ): Nhà được xây dựng trước ngày 1/7/2006, nhà không có tranh chấp, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch.

Đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật; Trường hợp nhà ở xây dựng từ ngày 1/7/2006 thì phải có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng, không có tranh chấp và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp nhà ở xây dựng trước ngày 1/7/2006 thì được xem xét cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ (hoặc một phần) diện tích phù hợp quy hoạch và kiến trúc đó. Việc xác định diện tích phù hợp quy hoạch, phù hợp kiến trúc trên bản vẽ sơ đồ do phòng Quản lý đô thị (phòng Công Thương) quận, huyện thực hiện.

Như vậy các công trình xây dựng không phép, sai phép trước ngày 1/5/2009 nếu không phải xây vi phạm lấn chiếm không gian, lấn chiếm đất đai, lấn chiếm chỉ giới xây dựng, lấn chiếm chỉ giới đường đỏ thì được phép tồn tại.

Liên quan đến các quyết định cưỡng chế, thu hồi đất do UBND quận 7 đã ban hành, PV đã trực tiếp liên hệ UBND quận 7 để tìm hiểu rõ hơn một số nội dung liên quan như: Nguồn gốc đất tại đường 11N, 13N, khu phố 5, phường Tân Thuận Tây; Đất này có thuộc dự án nào không; Đất thuộc sử đụng của ai; Các Quyết định cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm do UBND quận 7 ban hành có đúng với quy định của UBND và sở TN&MT TP.HCM; Nếu có xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất giữa công ty Mía đường thì cơ quan nào giải quyết.

Sau đó, UBND quận 7 có văn bản trả lời tạp chí ĐS&PL. Theo đó, UBND quận 7 khẳng định trước năm 1975, khu đất có diện tích 5.825m2 là của công ty đường Việt Nam mua lại từ Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và do công ty đường Việt Nam đăng bộ. Sau năm 1975, công ty đường Việt Nam đối tên thành liên hiệp Mía đường II rồi tổng công ty Mía đường II.

Về vấn đề xử lý vi phạm, UBND quận 7 cho rằng, các hộ dân nêu trên lấn, chiếm, xây dựng không phép tại khu đất bị UBND quận 7 xử lý theo đúng quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP và Nghị định 102/2014/NĐ-CP.

Hiện, UBND quận 7 chưa tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm và buộc các hộ dân trả lại đất đã lấn là do các hộ này khởi kiện quyết định hành chính của chủ tịch UBND quận. Hiện, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác đơn kháng cáo của 2 hộ dân và tiếp tục thụ lý các hộ còn lại.

Đặc biệt, trong văn bản trả lời này, UBND quận 7 ghi rõ: “Sau khi nhận được bản án của TAND cấp cao tại TP.HCM, UBND quận sẽ tổ chức thực hiện theo quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế của chủ tịch UBND quận”. Như vậy, ở đây phải chăng UBND đã biết chắc bản án tòa sẽ tuyên nên mới khẳng định sẽ cho cưỡng chế, mặc dù chưa biết bản án đó sẽ tuyên như thế nào?

Mới đây, UBND quận 7 ra thông báo “Phê duyệt dự toán kinh phí tổ chức thực hiện Quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự đô thị” đối với ông Lê Đình Thơm. UBND quận 7 thông báo cho gia đình ông Thơm phải chịu tất cả chi phí cho hoạt động cưỡng chế, phá dỡ công trình như trên. Tổng chi phí ông Thơm phải chịu là 50 triệu 757 nghìn đồng. Sau 7 ngày kể từ ngày tống đạt dự toán này, ông Thơm không tự giác tháo dỡ công trình vi phạm thì UBND quận 7 sẽ tháo dỡ theo quy định.

Hiện, gia đình ông Thơm đang hết sức lo lắng, bởi TAND chưa tuyên hết các bản án, những hộ dân xung quanh cũng có nhà với hiện trạng tương tự nhưng sao lại “đè cổ” gia đình ông ra để cưỡng chế? Luật sư Trần Đình Dũng thắc mắc, trường hợp hộ dân ông Lê Đình Thơm được chính quyền địa phương bố trí cho ở tại đây do gia đình chính sách. Việc xây dựng không phép này trên phần đất này trước khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực (trước 1/7/2004). Do đó, việc cưỡng chế ở đây chỉ được thực hiện trong trường hợp lấy đất để thực hiện dự án (dự án đất công, dự án khu thương mại).

Hoàng Việt

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật (số 35)

Tin nổi bật