Ông bà ta thường nói “Chén trong sóng còn khua”, vợ chồng sống với nhau không tránh khỏi lục đục. Khắc khẩu chỉ là yếu tố nho nhỏ trong cuộc sống vợ chồng nhưng nếu không biết kiềm chế thì nhiều hệ lụy sẽ xảy ra.
Hai người thuê chung phòng trọ
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương Ly và anh Ngô Quang Hà (Long Biên, Hà Nội) chung sống với nhau đã hơn 8 năm nhưng chưa bao giờ nói chuyện được với nhau quá 3 phút. Hồi còn yêu nhau, chị Ly cũng nhận ra giữa hai người hay bất đồng quan điểm, động chuyện là cãi nhau. Bố mẹ chị cũng bảo khắc khẩu sẽ khó sống với nhau. Thế nhưng khi đó chị nghĩ, cứ cưới, rồi mỗi người nhịn một chút thì mọi chuyện sẽ ổn.
Vậy nhưng cuộc sống vốn không phải cứ lập trình sẵn là sẽ “chạy” theo đúng quy trình.
“Do khắc khẩu, cả hai chúng tôi lại đều nóng tính nên vợ chồng xảy ra tranh cãi là chuyện thường xuyên. Ngay trong tuần trăng mật đã giận hờn. Sau đó thì một tháng vợ chồng cãi nhau hết... 20 ngày. Chuyện gì cũng bất đồng quan điểm, nói ra là có xung đột. Thời gian đầu, còn cãi nhau nhẹ nhàng kiểu tranh luận, càng về sau thì những trận cãi vã càng quyết liệt hơn”, chị Ly kể.
Đến ngay cả chuyện dạy con vợ chồng chị Ly cũng không thể có tiếng nói chung. Chuyện ăn uống của con, chị thì muốn các con phải biết tự lập, không ép, không cho con ăn nhiều đồ chế biến sẵn, còn anh Hà thì sợ con suy dinh dưỡng nên luôn bắt chị chiều theo mọi sở thích của con, anh bảo “ăn được là tốt rồi. Đói mới chết chứ đồ ăn có độc hại cũng phải từ từ”.
Khi sự khắc khẩu đi quá giới hạn của nó, vợ chồng khó có thể sống được với nhau. (Ảnh minh họa). |
Rồi chuyện học hành của con cũng là chủ đề khiến ngày nào hai vợ chồng cũng lời qua tiếng lại. Một bữa, con gái anh chị học lớp 1 viết “dảnh dỗi” to đùng trong vở. Anh nói con viết “rảnh dỗi” mới đúng. Chị bảo anh dạy con sai, “rảnh rỗi” mới chuẩn. Không chịu thua, anh ra sức cãi lấy đúng, chị bực mình đem từ điển tra cho anh xem, đuối lý anh Hà vứt mạnh cái bút xuống bàn quát: “Giỏi thế thì từ nay đi mà dạy con”.
“Chuyện lớn nhỏ gì hai vợ chồng cũng không thể bình tĩnh nói chuyện với nhau quá 3 phút. Vì sở thích ăn uống, thời trang, giải trí đều khác nhau nên chẳng bao giờ vợ chồng tìm được tiếng nói chung, nói gì cũng không lọt tai. Riết rồi vợ chồng hạn chế trò chuyện, có chuyện gì cần trao đổi mới nói để... tránh cãi nhau.
Cuộc sống vợ chồng ngày càng tẻ nhạt khi chồng thích gì tự quyết, tôi muốn gì tự sắm. Mọi khó khăn trong công việc cũng không thể đưa ra chia sẻ bởi không có sự cảm thông. Sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới cứ trôi qua âm thầm, vì có muốn ra ngoài ăn hay đi chơi đâu đó cũng khó có sự thống nhất.
Giờ tôi mới thấm thía câu, đừng mong hôn nhân sẽ có thể thay đổi người đàn ông, khi yêu anh ấy còn không bao giờ chịu nhường nhịn, thành vợ chồng rồi thì chỉ có tôi nhịn chứ đừng mong thiện chí từ chồng. Mọi chuyện trong nhà, nếu chồng đã quyết thì tôi sẽ không tham gia, bởi có nói gì chồng cũng không nghe rồi sinh ra cãi cọ. Những chuyện của tôi: Chuyển nơi làm việc, mức lương, chuyện công việc,... tôi cũng không nói được với chồng.
Đến thời điểm này, tôi cảm giác cuộc sống vợ chồng là một sự chịu đựng. Cả hai cùng tránh không “khẩu chiến” với nhau, rồi cứ xa nhau dần để rồi như hai người thuê chung phòng trọ”, chị Ly chia sẻ.
Vợ chồng anh Nguyên (Long Biên, Hà Nội) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị Ngọc vợ anh là một phụ nữ sắc sảo nhưng do ít hơn chồng 10 tuổi nên tính chị tương đối trẻ con. Hồi đang yêu mọi chuyện anh Nguyên đều nhịn, cười xòa cho qua chuyện. Nhưng kết hôn được 4-5 năm rồi mà chị Ngọc vẫn như đứa trẻ không chịu lớn, từ đôi vợ chồng được mọi người nhận xét là hợp cả về sở thích lẫn ngoại hình, anh chị thành ra hay đấu khẩu.
“Đợt này vợ tôi đang bầu bé thứ hai, vì nghén nên cô ấy lại càng nói nhiều và hay cáu. Nhiều lúc cố nhịn rồi mà cuối cùng vẫn cứ sinh ra cãi cọ. Như chuyện cô ấy nghén, ngửi mùi gì cũng sợ nên tôi thường chọn những món khoái khẩu để mua về cho vợ.
Hôm ấy, tôi mua 2kg mít hí hửng đem về cho vợ vì xưa nay cô ấy vốn nghiện món này. Thế nhưng vừa thấy tôi về đến nhà, tay lủng lẳng túi mít vợ tôi đã lầm bầm kêu ăn vào rồi sau con hay mọc mụn, sắp làm bố 2 đứa trẻ rồi mà vẫn tồ,...
Bực mình tôi quăng túi mít vào góc tủ lạnh rồi bỏ ra phòng khách xem phim, không nói gì. Thế là vợ lại gào ầm lên, kêu về tới nhà là “dính” lấy cái tivi. Câu trước câu sau hai vợ chồng thành ra cãi nhau”, anh Nguyên kể.
Anh Huy, chị Hạnh (Hoàng Cầu, Hà Nội), đều 30 tuổi, cưới nhau cũng được hơn hai năm, cuộc sống khá ổn định, vậy mà ngày nào trong nhà cũng có lời qua tiếng lại. Anh Huy cho biết ngày đang yêu cũng có cãi nhau, nhưng toàn được chồng nhường, năn nỉ trước nên giờ vợ anh “được nước lấn tới” làm anh không đủ kiên nhẫn để nhường nhịn vợ mãi. Vậy là mỗi lần “đấu khẩu” cả hai anh chị đều không ai nhường ai, toàn làm tới.
Bố mẹ chị Hạnh khi nghe con gái phàn nàn an ủi: “Khắc khẩu mà không khắc tính, khắc mệnh là tốt rồi”. Chả hiểu tốt tới đâu, nhưng sau mỗi lần cãi vã, căn nhà của anh chị luôn im lặng một cách ngột ngạt, đi làm về, cả hai không ai buồn chào ai. Bữa cơm thì cúi gằm mặt ăn qua quýt cho xong. Tối ngủ, mỗi người quay lưng một góc.
Yêu nhau lắm, giận nhau lâu
Chị Ngọc vợ anh Nguyên cho biết, không phải chị khó tính hay thích “đấu khẩu” với chồng mà chỉ vì mỗi lần anh Nguyên mua gì, làm gì ít khi hỏi chị, dẫn đến nhiều khi mục đích của anh là tốt, nhưng chị cảm thấy mình không được tôn trọng dẫn đến sự bực tức trong lòng.
“Có lẽ cũng bởi yêu tôi luôn được anh Nguyên nhường nên khi về làm vợ thành ra xấu tính, nhiều khi nói mà không để ý đến cảm xúc của chồng. Tôi nhận ra vấn đề ở phía mình nhiều hơn nên chủ động thay đổi. Chủ động “đòi hỏi” chồng mua cái nọ cái kia để anh ấy được thể hiện”, chị Ngọc cho biết.
Cũng theo chị Ngọc, trước sự thay đổi của vợ, anh Nguyên cũng bắt đầu học cách hỏi ý kiến vợ, cùng chị bàn bạc những chuyện lớn nhỏ trong gia đình. Sự hợp tác giải quyết vấn đề của cả hai vợ chồng đã có kết quả tích cực khi không khí gia đình dần dần vui vẻ trở lại để chào đón thành viên mới.
Với vợ chồng anh Huy, anh chị đã cùng ngồi lại để tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân đang dần không còn là mái ấm.
“Với phương châm “cơm sôi bớt lửa”, cả hai vợ chồng nếu thấy câu chuyện bắt đầu đến thời điểm “báo động đỏ” thì chọn cách im lặng, ghi suy nghĩ, ấm ức của mình ra giấy rồi trao đổi cho nhau. Nhờ chuyện “trình bày trên giấy” mà sau khi viết xong sự ấm ức, bực bội của cả hai cũng vơi đi quá nửa. Cộng thêm có thời gian đọc đi đọc lại suy nghĩ của vợ/chồng nên chuyện khắc khẩu giữa chúng tôi giảm đáng kể.
Thật khó mà kiềm chế được trong lúc đang nóng giận, nhất là khi cuộc đấu khẩu xảy ra. “Yêu nhau lắm cắn nhau đau” trước kia chúng tôi cứ nghĩ đơn giản như thế nên chưa bao giờ mình phải sửa cái kiểu khắc khẩu đi. Nhưng rồi thực tế khiến vợ chồng tôi cần nhìn nhận lại để vợ chồng không trở nên xa cách rồi bất hạnh hơn”, anh Huy cho biết.
Ông bà ta thường nói “Chén trong sóng còn khua”, đã là vợ chồng sống chung nhà không thể tránh khỏi những lúc xảy ra chuyện bất đồng, lục đục. Tuy nhiên khi sự khắc khẩu đi quá giới hạn của nó sẽ khó cứu vãn mối quan hệ.
Như vợ chồng chị Ly, sự khắc khẩu của anh chị đã không đơn giản chỉ là tranh luận suông mà cả hai còn sử dụng những từ ngữ không hay ho để đáp trả nhau. Thỉnh thoảng gắt lên một câu so sánh khiến đối phương tự ái, hai vợ chồng chị Ly thấy “sợ” nhất là khi phải nói chuyện với nhau.
Anh Hà kể không hiểu sao những gì chị nói ra anh đều nghĩ là chị đang muốn cãi nhau với anh. Anh phản bác tất cả ý kiến của chị.
Chị Ly thì bảo: "Mỗi khi chồng đưa ra ý kiến, tôi lại thấy nó trẻ con, vô trách nhiệm kinh khủng. Rồi dần dần chuyện khắc khẩu không chỉ xảy ra trong nhà mà ngay cả khi có người lạ, họ hàng chúng tôi cũng không ngại đem nhau ra “chỉnh”. Cứ như thế một thời gian không biết từ khi nào cả hai bắt đầu "mày, tao" với nhau, cấp độ cứ tăng dần cho đến khi cả hai không chịu nổi nữa.
“Chồng tôi đề nghị ly thân một thời gian, anh ấy chuyển qua ở nhà tập thể của cơ quan để hai vợ chồng cùng suy nghĩ lại xem có nên tiếp tục ở cạnh nhau nữa không. Tôi cũng cảm thấy mệt mỏi rồi, sự tổn thương qua những lần vợ chồng chì chiết nhau giờ không dễ để bù đắp. Có lẽ duyên vợ chồng đến đây thôi”, chị Ly buồn bã cho biết.
Phong Linh