Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà thành kim cổ ký: Xưa Hà Nội từng phố cũng như sông

(DS&PL) -

Năm 889, nước sông Tô Lịch và sông Hồng dâng cao đã tràn vào An Nam đô hộ phủ gây úng ngập khiến nhà Đường phải cho đắp đường đê bao bọc ngoài phủ.

Trận lụt đầu tiên ở Thăng Long được sử ghi lại là năm 889, nước sông Tô Lịch và sông Hồng dâng cao đã tràn vào An Nam đô hộ phủ gây úng ngập khiến nhà Đường phải cho đắp đường đê bao bọc ngoài phủ.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm 1078, nước tràn vào đến cửa Đại Hưng (tương ứng khu vực Cửa Nam hiện nay), năm 1128 kinh thành bị lụt lớn, năm 1243 kinh thành bị ngập nhiều chỗ, năm 1265 nước ngập phường Cơ Xá (tương ứng với khu vực ngoài đê từ Phú Thượng xuống cảng Hà Nội hiện nay) tràn vào trong thành, năm 1270 nước to đi lại trong thành phải dùng thuyền...”. Dĩ nhiên thành ngập nước gây khó khăn cho đi lại và cuộc sống của dân chúng. Đại Việt sử ký cũng chép: “Dân khốn đốn vì nước dồn hết lên những gò cao”.

Nguyên nhân gây ra lụt lội ở Thăng Long thời Lý,Trần chủ yếu là do vỡ đê vì đê thời kỳ này thấp lại được đắp theo kiểu tam giác và không cao nên không chống chọi được với áp lực nước rất lớn của sông Tô Lịch và sông Hồng. Năm 1248, nước sông Hồng lên to, đê vỡ làm kinh thành bị lụt lội, vua Trần Thái Tông đã ra lệnh cho các tỉnh ở hai bên sông Hồng từ thượng nguồn ra tới biển phải đắp đê phòng lũ. Từ đó, việc đắp đê được chú trọng.

Thời Nhà Lê, đê càng được chú trọng hơn. Năm 1645, công ty Đông Ấn Hà Lan được phép mở thương điếm tại Thăng Long. Nhưng năm 1646, nước sông Hồng lên to tràn qua đê khiến thương điếm bị ngập nên họ đã đề xuất với triều đình đắp con đê chạy dọc theo sông Hồng (tương ứng từ Nhà máy nước Yên Phụ hiện nay kéo xuống hồ Hoàn Kiếm) và họ cũng đề nghị không đắp đê theo kiểu tam giác mà đắp theo kiểu hình thang, đê hình thang chắc chắn hơn và mặt đê có thể sử dụng làm đường giao thông được triều đình chấp thuận. Kiểu đê hình thang vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Năm 1884, mưa bão lớn làm sụt lở bờ sông sát khu vực Đồn Thuỷ (tương ứng từ phố Phạm Ngũ Lão đến Viện 108 hiện nay). Nước ngập cả khu vực này và may mắn cho quân Pháp, vì úng ngập nên quân Cờ Đen đang bao vây Đồn Thủy buộc phải rút. Sau trận lụt, người Pháp đã kè đá ở bên ngoài bờ sông Hồng chỗ Hàng Than dài 400m để hướng dòng chảy về phía Gia Lâm. Trong thế kỷ XX, đồng bằng sông Hồng và Hà Nội hứng chịu 26 trận lũ lớn. Đê Liên Mạc vỡ năm1915; năm 1926 vỡ đê tả ngạn sông Hồng vùng Gia Quất, Ái Mộ (huyện Gia Lâm). Trận lũ lụt năm 1926, khiến nội đô Hà Nội bị ngập nặng, vì lúc đó chưa có đoạn đê dọc đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải ngày nay. Năm 1945, lũ lớn gây vỡ đê tại 79 điểm, gây ngập 11 tỉnh trong đó có Hà Nội với tổng diện tích 312,000 ha, ảnh hưởng tới cuộc sống của 4 triệu người.

Do đê kém hiệu quả và đắp đê quá tốn kém công sức và tiền bạc nhưng vẫn vỡ nên năm Thiệu Trị thứ6 (1846), Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Đăng Giai đã có bản tấu phản đối việc đắp đê vì tốn nhiều công sức mà vẫn không chống được lũ lụt, ông đề nghị phá bỏ đê, thay vào đó tập trung vào khơi thông sông Hồng.16 năm sau, ngày 5-10 năm Tự Đức thứ 6 (1861), Khoa đạo Ngự sử Vũ Văn Bính lại dâng bản điều trần nói về cái hại của việc giữ đê và cái lợi của việc bỏ đê. Bản điều trần này lặp lại ý kiến của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai. Nguyễn Trường Tộ cũng chủ trương phá đê, mà phải khai thông sông và đào kênh. Vua Tự Đức triệu tập một hội nghị lớn thẩm nghị bản điều trần này và tất cả đều cho rằng không nên bỏ đê và cần khơi thông sông, củng cố hệ thống đê cũ còn lại ở hai bờ sông.

NGUYỄN NGỌC TIẾN

Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 93 

Tin nổi bật